Để có được rừng cây niên đại hàng trăm năm tuổi, người dân làng Siêu Quần có cách giữ rừng rất đặc biệt.
Bước đến đầu làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), bất cứ du khách nào cũng bị hút hồn bởi rừng lộc vừng cổ thụ, gốc – thân to lớn, tán cây xanh mát bao phủ khắp làng.
Người dân Siêu Quần cũng lấy đó làm tự hào, khi khách đến chơi nhà, câu chuyện về rừng cây cổ thụ và cách mà người dân làng bảo vệ rừng lại được các cụ cao niên kể lại.
Cụ Nguyễn Hiệu, trưởng thôn Siêu Quần kể lại, làng Siêu Quần khi xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, vốn là điểm cuối của vùng đất mà vua Chăm dâng Đại Việt, được lập ra vào năm 1306.
Cách đây khoảng 300 năm, ở làng Vân Trình kế bên làng Siêu Quần có ngài Trần Văn Kỷ, một người học cao hiểu rộng, đỗ đạt được vào cung làm quan. Một hôm, ông về thăm quê, đã mang theo nhiều giống cây khác nhau mà trước đây làng chưa có như cây xanh, cây mưng (lộc vừng), cây cừa…
Ông đi đến từng nhà kêu gọi trồng cây trước nhà, bờ ruộng và phần thưởng cho việc trồng cây là mỗi nhà sẽ được tặng một chiếc áo ấm thật đẹp mà ông mua từ kinh thành.
Ngày đó, vải vóc không nhiều như bây giờ, chỉ có vua quan với quý tộc nhà giàu mới súng sính quần áo mới. Còn dân ngèo thì cả năm chỉ có một bộ. Thấy quan hứa vậy dân lấy làm mừng lắm, đua nhau nhận cây về trồng. Ngày ông Trần Văn Kỷ hồi kinh, dân làng ra tiễn rồi thầm mong ngày ông trở lại làng để được nhận áo mới.
Năm tháng trôi đi, những cây mới trồng ngày nào đã trưởng thành cao lớn che bóng mát, làm thành tường lũy che chắn, bảo vệ quanh làng. Không những thế, rừng lộc vừng còn giữ đất đê ngăn mặn, chắn sóng, chống chọi lại mưa bão. Lại thấy loài cây này có những đặc tính hợp với thổ nhưỡng, nên người dân tự nhân giống trồng thêm đại trà trên những con đê.
Thời gian trôi, người dân dần quên lời hứa của ông quan Kỷ thì đúng lúc đó ông về làng. Lúc này, tuổi ông đã cao nên từ giã quan trường quy ẩn cuộc đời còn lại nơi quê nhà. Ngày quan về, cả làng lại ra chào đón nhưng không thấy ông mang theo quần áo. Các vị bô lão đánh liều hỏi quan, về áo mới mà quan hứa tặng đâu?
Quan cười rồi chỉ tay về phía rừng lộc vừng um tùm, cao lớn bao năm nay che chắn bão cho dân làng, bảo vệ dân khỏi ác thú, đạo tặc… rồi bảo: “Áo ta tặng mọi người đây này”.
Trong ký ức của những người lớn tuổi trong làng, hình ảnh những cây lộc vừng đã gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ với những trưa hè chăn trâu cắt cỏ nằm ngủ, chơi đùa dưới tán cây. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, rừng lộc vừng đã chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích.
“Đến giờ này, trải qua hàng trăm năm dân làng vẫn phải cảm ơn ngài Trần Văn Kỷ đã mang lại tấm áo che chở cho dân làng” - cụ Nguyễn Bá Hiệp (cao niên trong làng) nói.
Theo chính quyền địa phương, cả làng Siêu Quần có tới hàng nghìn cây lộc vừng cổ thụ, trải dài hơn 2 km, tạo thành một vành đai vững chãi, che mưa chắn bão cho làng.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, chủ tịch xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế biết: “Hàng năm vào ngày lễ tế của làng, những người từ mười tám tuổi trở lên sẽ họp lại đình làng. Lúc này vị trưởng làng sẽ dựa theo những ý kiến của số đông mà sửa đổi, bổ sung thêm cho bản hương ước từng làng.Để khu rừng vẫn vững chãi, hiên ngang sau hàng trăm năm, người dân nơi đây đã đưa việc gìn giữ rừng lộc vừng vào hương ước của làng, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thành quy ước văn hóa để dân làng thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, thành lập một đội chuyên bảo vệ rừng làm việc trên tinh thần tự nguyện.
Trong số 320ha rừng cây thì cây lộc vừng đã chiếm đến 70% diện tích. Để giữ được rừng lộc vừng cho đến ngày hôm nay là nhờ hương ước của làng. Ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt 500.000 đồng, nêu tên trên loa phát thanh xã, đồng thời phải có mâm cau trầu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng".
Theo vtc.vn