Cứ đến “vụ” xả thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế, hàng chục hộ nông dân ở xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) lại lao đao khi cá chết nổi trắng hồ, lúa cháy ngọn trơ gốc…
Cá chết hàng loạt
Câu chuyện chất thải của nhà máy tinh bột sắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con là đề tài bàn tán trong nhiều ngày qua ở Phong An. Cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi nồng nặc, đó là những gì liên tục diễn ra trong những ngày qua tại ao cá của ông Hồ Bòn, thuộc HTXNN Thượng An (xã Phong An).
Ông Bòn bức xúc: “Ao cá tui có diện tích 6.500m2, được thuê của HTXNN Thượng An từ năm 2011, với thời gian 10 năm để đầu tư phát triển sản xuất mô hình kinh tế tổng hợp, vừa trồng sen, vừa thả cá, vừa nuôi vịt. Sau khi đầu tư, cải tạo ao hồ, hai năm đầu, mô hình sản xuất chăn nuôi của tui đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, bình quân doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, bước sang năm thứ ba, do ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước xả thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế, bắt nguồn xứ đồng Tầm Toại thông qua con kênh dẫn nước nên dần dần cây trồng và vật nuôi đều chết hàng loạt, khiến cho bà con nông dân trên địa bàn hết sức bức xúc”.
Ông Bòn còn cho biết thêm, vụ sen năm 2012 sau khi gia đình ông phản ánh việc sen chết hàng loạt, nhà máy có hỗ trợ 1 triệu đồng mua giống sen để trồng lại nhưng sau khi trồng do nguồn nước ô nhiễm đã ngấm vào ao nên sen cũng chết dần.
Nguy cơ bỏ ruộng
Theo HTXNN Thượng An, việc xả thải nguồn nước của Nhà máy chế biến tinh bột sắn TT-Huế đã gây ảnh hưởng trực tiếp và hư hại đến 11,8 ha lúa vụ đông xuân 2012-2013 của hàng chục xã viên ở xứ đồng Vận và Bành. Mặc dù, chính quyền địa phương, HTX, bà con nông dân nhiều lần phản ánh lên các ban ngành chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Quang Thông, Chủ nhiệm HTXNN Thượng An cho rằng sau khi phản ánh của HTX và bà con nông dân, việc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn TT-Huế cho ngăn các đập bằng bao cát tạm bợ tạo ra những hồ ngăn cách nhằm làm giảm tốc độ dòng chảy ở phía hạ lưu kênh xả nước nước thải ở xứ đồng Tầm Toại như hiện nay chỉ mang tính đối phó, nếu về lâu dài, khi nguồn nước thải thẩm thấu vào trong đất cát thì nguy hại hơn.
Nhà máy xả thải, nông dân nguy cơ bỏ ruộng
Ông Thông bức xúc: “Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nông dân chỉ chờ vào hạt lúa, con cá mà như thế này bà con đến phải bỏ ruộng thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đôn - Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết: “Vấn đề nhà máy tinh bột sắn gây ô nhiễm, ảnh hưởng sản xuất của bà con đã diễn ra dai dẳng trong nhiều năm nay. Vừa qua, sau khi có phản ánh của bà con, phía địa phương đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền đã vào làm việc với nhà máy.
Đến nay, vẫn chưa có phương án đền bù cụ thể. Trước mắt, phía địa phương sẽ tạo điều kiện cấp đất với diện tích 15 ha để nhà máy tiến hành trồng cỏ Vetiver xử lý nước thải, cải tạo môi trường”.
Ngay sau hiện tượng cá chết, Chi cục Bảo vệ Môi trường TT-Huế cũng đã có mặt tại hiện trường tiến hành lấy các mẫu nước để xét nghiệm. Trong lúc chờ đợi kết quả xét nghiệm và câu trả lời từ các ban ngành chức năng thì chính quyền địa phương và bà con nông dân vẫn tiếp túc đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước. |
Theo nongnghiep.vn