Tiếng sông Hương
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang bị "đầu độc"
09:32 | 29/10/2013

Thời gian gần đây, việc ngư dân dùng hóa chất để tẩy trắng lừ, cheo khiến nhiều loài thủy sản ở đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguy cơ tuyệt chủng.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang bị "đầu độc"
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á

Hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích khoảng 23.000 ha với nguồn động, thực vật phong phú, lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 230 loài cá tôm, chiếm 1/3 sản lượng khai thác hàng năm của địa phương. Tuy nhiên thời gian gần đây việc bà con dùng hóa chất để tẩy trắng lừ, cheo khiến nhiều loài thủy sản ở đây có nguy cơ tuyệt chủng.

Vô tư dùng bột trắng tẩy lừ

Đi dọc phá Tam Giang mùa này, ở đâu chúng tôi cũng thấy bà con ngư dân đang “vào mùa” tẩy cheo, lừ (ngư cụ đánh bắt thủy, hải sản). Tranh thủ những ngày “biển trời nổi giận” bà con đem cheo, lừ ra để tẩy trắng và vá lại những cheo, lừ đã hỏng trong vụ đánh bắt cá vừa qua.

                                  
             Dùng hóa chất trắng chưa rõ nguồn gốc để tẩy cheo, lừ tại đầm Cầu Hai

Theo chỉ dẫn của ông Lương Thế Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Lộc Bình, chúng tôi về thôn Mai Gia Phường - nơi đang vào mùa tẩy rửa lừ. Sống ven đầm Cầu Hai, công việc mưu sinh chính của bà con trong thôn chủ yếu nhờ vào đánh bắt và khai thác thủy hải sản. Mùa này do thời tiết xấu nên bà con tranh thủ ở nhà để thực hiện công việc bảo quản cheo, lừ. Ông Nguyễn Tuấn, ở thôn Mai Gia Phương, xã Lộc Bình (Phú Lộc) tâm sự: “Gia đình tui làm nghề khai thác thủy hải sản trên đầm phá hơn 5 năm nay. Trước đây, sau chuyến khai thác thủy sản về phải xịt nước để giặt lừ, mất khá nhiều thời gian. Giờ đây, ngâm lừ với hóa chất giặt sạch và rất nhanh”.

Để chứng minh việc tẩy rửa lừ bằng thuốc trắng không ảnh hưởng đến môi trường, anh Tuấn dùng hai tay thả bột trắng xuống một chiếc thuyền nhỏ rồi “đong đưa” nước cho đến khi những hạt bột trắng trên thuyền tan biến. Anh dùng tay múc một ít nước bỏ vào miệng, rồi tỉnh bơ nói: “Đồ nước ni sợ chi, mình ngậm trong miệng, nước nó the the y như nước chanh, có chi mà lo. Con người có thể nếm được, sợ chi con cá, con tôm chết. Không có hóa chất mô mà rẻ như bèo, lại có thể tẩy trắng lừ, cheo như thuốc trắng ni. Cả làng tui ai cũng dùng. Không tin anh cứ ra quán bà Lê Thị Tiềm trong làng mà hỏi. Trong xã, hộ nào làm ngư nghiệp cũng ra đó mua cả”.

                        
                                     Ngâm lừ vào trong nước có pha hóa chất để tẩy trắng

Nhiều ngư dân làm nghề lừ lâu năm ở đây cho biết, hóa chất này được người dân dùng phổ biến hai năm trở lại đây. Hóa chất tẩy lừ này có màu trắng, dạng bột, bán ở quầy tạp hóa trên địa bàn xã, giá từ 30.000đ-35.000đ/kg. Người dân mua về trộn với tỷ lệ 1kg/1m3 nước, tẩy được 100 cheo, lừ. Bà Lê Thị Tiềm, người chuyên cung cấp hóa chất cho ngư dân, cho biết: “Mấy anh tiếp thị về xã quảng cáo loại hóa chất này, nên tui cứ mua đại, chứ có biết rõ nguồn gốc xuất xứ chi mô. Có lần tui nghe mọi người bàn tán loại họa chất này có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được cái giá rẻ, bà con rất ưa mua. Trước đây, sau mỗi vụ đánh bắt cá, ngư dân phải đem cheo, lừ ra phá giặt rửa, bây chừ chỉ cần bỏ loại hóa chất này vào ngâm 30 phút là trắng ngay, đỡ mất công lại ít tốn sức”.

Điều đáng nói là người dân đã sử dụng hóa chất này khá lâu nhưng không thấy cơ quan chức năng nào khuyến cáo, ngăn cấm. Trong lúc đó, theo ông Phan Văn Lợi-Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lộc Bình, nếu sử dụng hóa chất này để tẩy rửa lừ nhiều sẽ ăn tay, bào mòn da. Cheo, lừ tẩy nhiều cũng mau bị mục, hư hỏng. Đặc biệt, quá trình tích tụ hóa chất này không chỉ gây ô nhiễm đầm phá mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản.

“Đầm phá” kêu cứu

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước đây là 4.500 tấn/năm. Đến nay, sản lượng giảm hơn một nửa, còn khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá que hương, cá vuợc, cá me, cá liệt, tôm bạc... ngày càng ít.

Cùng với 5.000 cheo, lừ của hơn 102 hộ dân ở hai thôn Mai Gia Phường và Tân Bình, xã Lộc Bình thì Lộc Trì, huyện Phú Lộc cũng là địa phương có hơn 5.000 cheo, lừ của 170 hộ dân đang tham gia khai thác, đánh bắt trên đầm phá. Mặc dù chưa có con số thông kê cụ thể về việc sử dụng hóa chất tẩy rửa cheo, lừ, nhưng ước tính mỗi ngày, có hàng trăm hộ dân sử dụng lượng lớn hóa chất để vệ sinh, tẩy trắng lừ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường đầm phá, làm sụt giảm sản lượng các giống loài thủy sản nghiêm trọng, mà còn đẩy nhiều loại tôm cá quý, đặc biệt là cá giống đến nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Lương Thế Vĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cảnh báo: Việc nhiều hộ dân sử sụng hóa chất tẩy trắng cheo, lừ gây ô nhiễm môi trường đầm phá, sản lượng các loại cá giống, cá nhỏ bị sụt giảm nghiêm trọng đã rõ. Trong năm qua, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn xã Lộc BÌnh đã giảm gần 50%. Tuy nhiên, công tác quản lý thực trạng này còn gặp nhiều bất cập do các hộ dân sử dụng hóa chất tẩy rửa cheo, lừ độc hại trong gia đình, mang tính cá nhân từng hộ. Mặt khác, chế tài xử lý vấn đề này vẫn chưa được ban hành. Ở góc độ chính quyền địa phương, trước mắt chủ yếu tập trung giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, về lâu dài cần các nhà chuyên môn đánh giá đúng mức độ vấn đề, hướng dẫn để có phương pháp xử lý hiệu quả.

Theo tính toán, cứ 100 cheo, lừ sử dụng khoảng 1 kg hóa chất độc hại nói trên, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 15.000 cheo, lừ thì có 1,5 tạ hóa chất độc hại được sử dụng hàng ngày, đang đầu độc nghiêm trọng vùng đầm phá. Để đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là nguồn sống lâu bền, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân sống ở vùng ven biển và đầm phá, ngoài công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm tra, đánh giá mức độ độc hại của loại hóa chất này đối với sức khỏe con người và môi trường đầm phá, khi đó việc ngăn ngừa, chế tài mới thuyết phục, hiệu quả.

Theo Thuận Hóa

Các bài mới
Các bài đã đăng