Có thể gọi bờ Bắc sông Hương (Huế) là “Thành phố Hoàng cung” được không? Tôi nghĩ là quá được, nếu…
Vâng, nếu thành phố ở tả ngạn sông Hương - nơi vốn là kinh thành, là cố đô của vương triều nhà Nguyễn - không bị cảnh “nhớ nhớ quên quên” như bây giờ. Nếu gọi Huế là “Thành phố ẩm thực”, thì bây giờ, điều đáng buồn là giá các món ăn đặc sản ở bờ Bắc sông Hương lại rẻ hơn ở bờ Nam sông Hương.
Trong khi, theo đúng truyền thống ẩm thực nơi Hoàng cung, các món ăn trong nhiều quán ở bờ Bắc rất ngon, rất tinh tế và thực sự tiêu biểu cho ẩm thực Huế.
Tôi đã mấy lần ăn cháo bò ở một quán nhỏ đường Lê Thánh Tôn, và phải công nhận cháo bò ở quán này nấu quá ngon, giá lại mềm. Hàng ngày, quán chỉ mở cửa từ 4 giờ chiều tới 7 giờ tối là…hết hàng.
Quán chật hẹp, nên lượng người ngồi ăn tại quán không đông bằng lượng người mua về nhà. Nhiều người là khách quen tới mức khi vào quán họ cùng tham gia…xắt thịt, múc cháo với chủ quán cho nhanh và đúng ý mình. Rất ấm cúng.
Những quán ăn ngon và rẻ như thế có không ít ở “Thành phố Hoàng cung” bờ Bắc sông Hương. Nhưng rồi, với tháng năm, bờ Bắc vẫn chỉ là nơi có Đại nội, có Hoàng cung, có nhiều di tích lịch sử cho khách du lịch tham quan, nhưng vẫn chưa có những “Phố ẩm thực” hay “Phố đi bộ” với nhiều đặc sản dành cho du khách thưởng thức.
So về khả năng trở thành “Trung tâm ẩm thực” thì Hội An không bằng “Thành phố Hoàng cung” của Huế. Nhưng Hội An biết cách thu hút du khách bằng nhiều cách, vừa văn hoá vừa thực tế.
Trong khi Huế dường như vẫn còn “thả nổi” lợi thế hiển nhiên của mình trong du lịch. Bởi, du lịch không chỉ là tham quan, dù là tham quan những danh thắng. Du lịch còn là ăn, là uống, là thưởng thức những món đặc sản của từng địa phương. Du lịch còn là du lịch ẩm thực.
Truyền thống ẩm thực của Huế là điều ai cũng biết. Hiện tại, Huế vẫn là thành phố dẫn đầu Việt Nam về số lượng và chất lượng các quán ăn, các nhà hàng nếu tính theo số dân.
Ở Huế, cứ đi ba bước là gặp quán ăn. Mà không chỉ quán ăn, thực khách còn rất vui thú khi gặp những gánh hàng rong bán những món bún, rất nhiều loại bánh độc đáo và hấp dẫn. Hay bán món cơm hến mà chỉ riêng có ở Huế.
Mật độ dày đặc của ẩm thực Huế đã khiến không ít du khách có cảm giác đi trên phố mà cứ như đang ở trong…bếp nhà mình vậy. Muốn ăn cái gì cũng có, mà hầu hết đều là những món khoái khẩu, bắt mắt, giá cả lại rất hợp lý.
Tôi vẫn nhớ quán bún bò giò heo ngay trước nhà của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà chúng tôi đã nhiều lần ăn sáng ở đó. Bát bún giò cực hấp dẫn, trong khi thực khách bình thản thưởng thức ngay trên…vỉa hè. Rất bình dân.
Ẩm thực đường phố là một nét văn hoá đặc sắc của Huế, nhưng có vẻ chưa được chính quyền thành phố chính thức đưa vào “danh mục ẩm thực-du lịch” cần được phát huy.
Những quán ăn hay nhà hàng ở Huế cũng chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền về PR hay quảng bá hình ảnh một cách chuyên nghiệp.
Nếu được lập “bản đồ ẩm thực” và quảng bá đúng cỡ, ẩm thực Huế sẽ là một điểm nhấn tuyệt vời thu hút khách du lịch đến với thành phố cố đô quyến rũ này.
Và nếu tổ chức được cho thành phố bờ Bắc sông Hương những tuyến phố ẩm thực và đi bộ thật hấp dẫn, nơi đây sẽ là “Thành phố Hoàng cung”, đúng nghĩa là một thành phố du lịch tầm cỡ.
Theo Một thế giới