Tiếng sông Hương
Làng kinh tế mới gần 20 năm sống “không điện, không nước sạch”
14:53 | 21/07/2014

Suốt gần 20 năm qua, hàng chục hộ dân thuộc diện di dời lên vùng kinh tế mới nằm ven con sông Bù Lu, đi qua địa phận 2 xã Lộc Thủy và Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải sống cảnh mỏi mòn chờ điện về thắp sáng. 

Làng kinh tế mới gần 20 năm sống “không điện, không nước sạch”
Đã gần 20 năm qua, hàng chục hộ dân tại khu vực kinh tế mới ven sông Bù Lu, huyện Phú Lộc, vẫn mòn mỏi chờ điện và nước sạch

Đặc biệt, khi miền Trung bước vào những ngày nắng nóng cao điểm trên, dưới 40 độ C cũng là lúc người dân ở đây phải chắt chiu từng giọt nước sạch quý hiếm...

Trong cái nắng gay gắt của những ngày giữa tháng 7, chúng tôi được một người dân bản địa dẫn đường về khu kinh tế mới dành cho người dân 2 xã Lộc Thủy và Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Nằm nép mình bên con sông Bù Lu trong xanh, hiền hòa, ít ai ngờ rằng đến nay đã gần 20 năm trôi qua nhưng người dân sinh sống ở khu vực cách Bệnh viện Đa khoa Chân Mây chỉ một đoạn đường phải “cắn răng” chịu cảnh không điện, không nước sạch.

Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cấp 4 mới xây nằm sát con đường nhựa vừa mở dẫn ra Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, anh Nguyễn Tiến Huy (30 tuổi, trú xã Lộc Thủy) không giấu được nỗi lo. Anh kể, từ nhỏ đã theo bố mẹ lên khu kinh tế mới này để trồng rừng và làm trang trại. Nhưng đến nay, khi anh đã lập gia đình và có 2 con thì khu kinh tế mới này vẫn không có điện như ngày đầu mới về. “Vợ chồng mình đi làm thuê cả ngày đến tối mới trở về nhà, do không có điện nên cuộc sống bức bối vô cùng. Nhiều khi muốn theo dõi tin tức thời sự, nhất là trong thời điểm Trung Quốc đem nhiều tàu xâm phạm vào vùng biển Hoàng Sa của nước mình... nhưng có tivi cũng không xem được vì không có điện”, chỉ tay về chiếc tivi được đặt trên chiếc ghế kê ở góc nhà phủ đầy bụi bặm, anh Huy lắc đầu ngao ngán.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Huy, ở khu kinh tế mới này còn có 6 hộ dân khác của xã Lộc Thủy và 21 hộ dân của xã Lộc Vĩnh (trên 110 nhân khẩu) đã và đang sống trong cảnh thấp thỏm chờ... có điện. Lọt thỏm giữa cánh rừng tràm bên sông Bù Lu là hai căn nhà nghèo của 2 anh em ruột Phan Thành (42 tuổi) và Phan Nhật (38 tuổi, quê ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh). Vì cuộc sống ở quê khó khăn, vất vả khi ruộng nương không có để làm nên năm 1995, ông Thành đã tình nguyện dắt vợ cùng các con lên đây dựng mái nhà lá để làm kinh tế, trước khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương di dân. “Lúc mới về đây, cuộc sống vất vả, điện, nước không có, đường sá đi lại khó khăn. Nhưng với quyết tâm nuôi 4 người con ăn học, vợ chồng tui đã cố cày cuốc 7 sào ruộng, trồng gần 1 héc ta rừng tràm và làm thêm nghề đánh bắt cá trên sông Bù Lu. Giờ thì cuộc sống khá hơn rồi, nhưng ngặt một nỗi là không có điện để dùng...”, ông Thành buồn bã nói.

Không có điện nên việc học tập của con em ở khu kinh tế mới gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp các con không phải bỏ học vì không thể học bài vào ban đêm với cái đèn dầu tù mù, ông Thành còn sắm thêm chiếc bình ắc quy và mấy cái bóng đèn nhỏ phát ra thứ ánh sáng leo lét treo trước của sổ. Điều kiện học tập còn thiếu thốn do không có điện chiếu sáng nhưng cả 4 người con của ông Thành đều nỗ lực học giỏi.

Mới đây, cô con gái đầu của ông Thành là Phan Thị Hằng (18 tuổi) đã thi đỗ tốt nghiệp THPT và dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Kinh tế Huế dù 12 năm qua, em chưa một lần được học bài... dưới ánh đèn điện! Qua tìm hiểu còn được biết, lợi dụng hàng chục hộ dân sống ở khu kinh tế mới ven sông Bù Lu không có điện chiếu sáng nên đầu tháng 5-2014, một nhóm đối tượng từ phía Bắc vào “chào hàng” và bán cho các hộ dân một loại đèn chiếu sáng “dởm” chạy bằng pin năng lượng mặt trời với giá 750.000 đồng/1 cái. “Họ quảng cáo rằng, chiếc đèn này có thể thắp sáng suốt đêm (từ 6 đến 8 giờ - NV).

Do muốn có ánh điện để con cái học bài tốt hơn nên gia đình tui mua 2 cái với giá 1,5 triệu đồng nhưng chỉ thắp được 2 giờ đồng hồ thì đèn tắt lịm. Thậm chí, có nhiều chiếc đèn chỉ dùng đúng 1 đêm, qua đêm sau đã bị hỏng... Bà con ở đây bức xúc lắm nhưng không biết kêu ai”, anh Phan Nhật bức xúc. Không có điện đã đành, ngay cả nước sạch dùng để nấu ăn cũng được hàng chục hộ dân ở khu kinh tế này chắt chiu từng giọt. Để có nước tắm giặt, người dân phải đầu tư xây bể lọc phèn, riêng nước dùng cho việc ăn uống thì phải mua từng bịch 21 lít với giá 12 ngàn đồng từ các đại lý ở trung tâm xã. “Chúng tôi đã gửi đơn phản ánh, cầu cứu từ chính quyền địa phương lên huyện trong mỗi lần họp dân, họp HĐND nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc”, anh Nhật cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy khẳng định: “Quả thực là các hộ dân của xã đã chuyển về khu kinh tế mới ven sông Bù Lu từ trước năm 1998; nhưng vì nằm xa khu dân cư, địa thế trắc trở nên việc đấu nối đường dây điện nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, để có điện dùng, người dân phải bỏ ra chi phí khoảng 20 triệu đồng để câu điện từ phía bên kia sông Bù Lu về nên không một người dân nào có đủ tiền. Hiện địa phương vẫn chưa tìm được giải pháp để cấp điện cho người dân ở khu kinh tế mới”.

Theo CAND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng