Tiếng sông Hương
Nan giải công tác bảo tồn nhà truyền thống ở vùng cao A Lưới
08:47 | 13/08/2014

Được xem là biểu tượng văn hóa truyền thống nhưng nhiều năm qua, đa số nhà dài, nhà Gươl và nhà Rông của đồng bào dân tộc người Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi trên địa bàn vùng cao huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã được xây dựng theo kiểu đại trà và... “bê tông hóa”.

Nan giải công tác bảo tồn nhà truyền thống ở vùng cao A Lưới
Nhà dài bằng bê tông cốt thép ở thôn A Niêng, xã Hồng Trung bị xuống cấp, hư hỏng nặng

Trong khi chính quyền cấp xã, cấp huyện loay hoay tìm giải pháp phục dựng, bảo tồn thì không ít nhà truyền thống, sinh hoạt cộng đồng ở đây đã và đang xuống cấp, hư hỏng nặng…

Nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh, nên du khách thập phương đến với huyện vùng cao A Lưới đều dừng chân ghé thăm căn nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô ở thôn A Niêng, xã Hồng Trung. Thế nhưng họ không biết rằng, căn nhà dài được xây dựng cách đây gần 10 năm này đã bị sai lệch độ chuẩn đến... 70% kiến trúc so với kiểu nhà dài truyền thống cổ xưa. Đứng bên ngôi nhà dài từng được xem là biểu tượng văn hóa truyền thống của người Pa Cô mà già làng Hồ Văn Hạnh, một trong những người có uy tín ở xã Hồng Trung lắc đầu ngán ngẩm: “Ngôi nhà dài cũ bằng gỗ của thôn đã sập nên năm tháng 7/2005, một dự án giảm nghèo đầu tư 250 triệu đồng để dựng lại căn nhà dài này làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho thôn. Thế nhưng, thay vì làm bằng gỗ, mái tròn theo kiểu truyền thống thì nay nhà được xây bằng bê tông, mái vuông. Thậm chí, nhiều chi tiết hoa văn được trang trí bên trong nhà dài cũng bị biến mất, nếu có thì hoàn toàn sai lệch, không đúng với nguyên dạng...”.

Theo phong tục tập quán của người Pa Cô thì nhà dài chính là nơi để người dân trong làng tập trung sinh hoạt và tổ chức các lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ hội A Riêu Piing... Thế nhưng kể từ ngày được bàn giao đến nay, các ngôi nhà dài ở Hồng Trung không phát huy được hiệu quả như mong muốn, đó là chưa kể đến một số nhà dài bị hư hỏng, bong tróc mái tôn; sập cầu thang lên xuống... Ông Lê Văn Vây, cán bộ văn hóa xã Hồng Trung cho biết thêm, hiện toàn xã có 6 thôn nhưng chỉ có 2 thôn xây dựng được nhà dài đúng theo kiểu truyền thống. Riêng 4 thôn còn lại gồm: Lê Triêng 2, thôn Ta Ay, thôn Đụt và A Niêng đều bị các chủ dự án cho thiết kế và xây dựng sai lệch. Bà con dân bản đã từng phản ánh việc dựng nhà dài bằng bê tông sẽ làm mất bản sắc văn hóa cổ truyền của đồng bào Pa Cô nhưng địa phương chỉ tiếp thu ý kiến, chứ không có quyền hạn để xử lý!.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, hiện trên địa bàn chỉ còn sót lại chưa đầy 20 ngôi nhà dài, nhà Gươl, nhà Rông đúng nguyên trạng cổ xưa. Và trước vấn đề bảo tồn cấp bách các giá trị văn hóa vật thể, cụ thể là những ngôi nhà truyền thống đang có nguy cơ dần biến mất, nên mới đây huyện A Lưới đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020”. Dù biết rằng, “bài toán bảo tồn” không phải là câu chuyện một sớm một chiều nhưng với đồng bào dân tộc Pa Cô, Cơ Tu ở xã Hồng Trung, Hồng Hạ... thì đây lại là một tín hiệu đáng mừng!

Theo cand.com.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng