Năm 2003, khi di dời hơn 850 hộ dân ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy để lấy đất cho dự án hồ Tả Trạch, tỉnh TT-Huế quy định: những hộ dân phải di dời sau khi đến nơi ở mới sẽ được cấp tối thiểu 1ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thì thực hiện “đất đổi đất”, nên người dân không được đền bù đất rừng.
Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm về các khu tái định cư (TĐC), dân vẫn chưa được cấp đất theo đúng chủ trương “đất đổi đất” của tỉnh với số đất nợ 1.012 ha.
Dự án hồ Tả Trạch được xây dựng trên sông Tả Trạch (một nhánh chính của sông Hương phía thượng nguồn) với diện tích lưu vực 717 km2, với tổng kinh phí qua nhiều lần điều chỉnh là gần 4.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) do Bộ NN & PTNT làm chủ đầu tư. Công trình này với các chức năng chính là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, cung ứng một lượng nước ngọt lớn cho hạ lưu sông Hương... Hiện công trình đang khẩn trương hoàn thành và dự kiến cắt giảm lũ trong mùa bão lụt năm 2014. Nghĩa là công trình sắp khánh thành nhưng có hơn 850 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Xã Bình Thành, TX Hương Trà tiếp nhận hơn 220 hộ dân bị di dời từ dự án hồ Tả Trạch. Số hộ dân này được bố trí tại 3 khu TĐC là Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành. Theo các hộ dân, khi di dời, họ được nhà nước bồi thường tiền cây cối, nhà cửa, tài sản gắn với nhà cửa, đất vườn. Còn đối với đất lâm nghiệp, tỉnh hứa sẽ thực hiện chủ trương “đất đổi đất” để bà con yên tâm sản xuất làm kinh tế tại nơi ở mới. Ông Hồ Văn Đen (66 tuổi, trú thôn Bình Dương) bàn giao 3,6 ha đất lâm nghiệp cho dự án hồ Tả Trạch, buồn bã nhớ lại: “Ngày tỉnh và huyện về vận động người dân sớm dọn đến nơi ở mới để xây hồ Tả Trạch, người dân trong thôn buồn lắm nhưng rồi theo chủ trương chung ai cũng đồng tình. Khi đó, nghe tỉnh thông báo, đối với đất lâm nghiệp, người dân không được đền bù mà thực hiện chủ trương “đất đổi đất”. Người dân ai cũng vui mừng, nhanh chóng dọn đến nơi định cư”.
Theo ông Đen, đối với người dân bị ảnh hưởng dự án hồ Tả Trạch, thì diện tích đất lâm nghiệp là nguồn nuôi sống của mỗi gia đình. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Bụi (64 tuổi)- vợ ông Đen cho biết, khi qua nơi ở mới 1 tháng, 2 tháng vẫn không thấy tỉnh cấp đất lâm nghiệp như lời hứa ban đầu... người dân chạy khắp nơi “gõ cửa” với mong muốn được sớm cấp đất để trồng cây, có thu nhập... nhưng đều thất vọng. “Một năm, hai năm, ba năm...; đến nay đã tròn 10 năm nhưng tỉnh vẫn không chịu trả đất cho người dân. Con cái thì dạt đi mỗi đứa mỗi ngả vì đất không có để làm ăn”, bà Bụi ngậm ngùi.
Chung cảnh ngộ với ông Đen là ông Nguyễn Đình Phòng (80 tuổi, trú thôn Hòa Bình, xã Bình Thành). Trước khi bị di dời TĐC đến xã Bình Thành, hộ ông Phòng phải nhường 6,26 ha đất lâm nghiệp đang trồng keo tràm cho dự án Tả Trạch. Trước khi ra đi từ nơi ở cũ, ông Phòng được tỉnh hứa sẽ cấp đủ lại số đất lâm nghiệp khi đến nơi ở mới. Nhưng, từ khi đến định cư ở thôn Hòa Bình chục năm nay mà ông vẫn chưa được cấp lại diện tích đất nói trên.
Bức xúc trước lời hứa “đất đổi đất” của UBND tỉnh TT-Huế, ông Phòng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN & PTNT để đòi lấy sự công bằng của ông cũng như các hộ dân bị ảnh hưởng. Không có đất, không có thu nhập, vợ chồng ông Phòng mở quán tạp hóa nhỏ bán buôn tại nhà để kiếm cơm qua ngày.
Theo thống kê của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh TT-Huế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn nợ người dân mất đất bởi công trình hồ Tả Trạch tổng cộng 1.012ha đất sản xuất vì chủ trương “đất đổi đất” không được thực hiện. Theo số liệu từ UBND xã Bình Thành-nơi có hơn 200 hộ dân TĐC liên quan dự án di dời hồ Tả Trạch có tổng diện tích đất lâm nghiệp là hơn 4.600 ha, trong khi đó diện tích hộ gia đình sử dụng chỉ có hơn 600 ha. Diện tích còn lại chủ yếu giao cho các tổ chức sử dụng và quản lý như: Cty TNHH Một thành viên Tiền Phong, Cty Giống cây trồng vật nuôi TT-Huế, Ban quản lý rừng đầu nguồn sông Hương... Ông Nguyễn Văn Trung-Chủ tịch HĐND xã Bình Thành nói: “Trước thực trạng người dân không có đất lâm nghiệp sản xuất dẫn đến đời sống khó khăn, nhiều năm liền xã có đơn kiến nghị gửi cấp trên xem xét quỹ đất của xã cấp cho các hộ dân. Mặc dù xã đã nhiều lần kiến nghị xin được cấp đất nhưng không được tỉnh chấp thuận. Thế nhưng, năm 2013, tỉnh lại ký thẻ đỏ cấp 500 ha đất của xã này cho một lâm trường”.Bi kịch của người dân TĐC xã Bình Thành cũng là thực trạng chung tại các khu TĐC khác của dự án hồ Tả Trạch, như các khu TĐC Bến Ván, Phúc Lộc (H. Phú Lộc), Khe Sòng (xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy)... “Tại nơi ở cũ, gia đình tui có 5 ha đất rừng, chưa kể lượng lớn đất trồng hoa màu, nhưng về đây chỉ được cấp vỏn vẹn 4 sào đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng không sống nổi. Từ cuộc sống khá giả, năm nào cũng thu nhập trên 100 triệu đồng nhưng nay thì thất nghiệp”- bà Hồ Thị Lư (thôn TĐC Phúc Lộc, xã Xuân Lộc) bức xúc.
Theo cadn.com.vn