Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh TT-Huế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão. Tuy nhiên, công trình mới đưa vào sử dụng đã không phát huy tác dụng, trong khi mùa mưa bão đang đến ngư dân không có chỗ neo đậu tàu thuyền.
Không phát huy hiệu quả
Dự án khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang) ngay sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra một số bất cập trong thiết kế, thi công, khiến công trình nhanh chóng bị bồi lấp trở lại, tàu thuyền ra vào bị mắc cạn, đèn phao tín hiệu bị hư hỏng... Mùa mưa bão về ngư dân khó tìm chỗ neo đậu tàu thuyền ổn định. Dự án khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền Phú Hải được đầu tư xây dựng với kinh phí 42 tỷ đồng do Sở NN&PTNT TT-Huế làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, luồng vào khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền Phú Hải có chiều dài 800m, chiều rộng 25m... Đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 500 chiếc tàu, thuyền có công suất từ 20CV trở lên ở các xã Phú Hải, Phú Diên, Phú Thuận, thị trấn Thuận An... (huyện Phú Vang). Về mùa mưa bão sẽ đáp ứng tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn đến neo đậu tránh trú bão. Quá trình thi công đã xảy ra một số bất cập khiến dự án bị chậm tiến độ, đến cuối năm 2013 mới bàn giao cho Cảng cá TT-Huế quản lý, vận hành.
Ở dự án Cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) có vốn đầu tư 39 tỷ đồng, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư, cũng lâm vào cảnh tương tự. Công trình được khởi công cách đây 10 năm, nhưng đến cuối năm 2013 mới được bàn giao cho Cảng cá TT-Huế để đưa vào sử dụng. Cảng cá Tư Hiền được thiết kế, trên diện tích 5ha, trong đó bến neo dài 80m, rộng 12m, khoảng cách 4m có một đệm tàu chống va đập; 2 bờ kè neo đậu tàu thuyền dài 310m; 2 cầu dẫn dài tổng cộng 80m, rộng 6m. Công trình đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường nội bộ, sân bãi, nhà đặt máy bơm cấp nước, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, hệ thống điện đường và hệ thống cổng tường rào, nhà vệ sinh, nhà để xe… Dù dự án có vốn đầu tư lớn, hoành tráng nhưng không phát huy được công năng của nó khiến nhiều hạng mục bị bỏ hoang phế, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Khu vực bến cảng, nhà điều hành, nhà vệ sinh… đều để hoang phế, hoen gỉ. Ở các trụ bê tông chân cảng cũng xảy ra hiện tượng nứt, hư hỏng, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.
Dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ đồng đang chậm tiến độ. Ngoài ra, hàng chục dự án âu thuyền lớn nhỏ dọc phá Tam Giang - cầu Hai có vốn đầu tư từ 500 đến vài tỷ đồng cũng lầm vào cảnh tương tự.
Dân bơ phờ tìm chỗ neo đậu
Dù Nhà nước bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, Tuy nhiên, nhiều năm nay khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới các ngư dân ven biển, đầm phá phải tìm cho mình một nơi neo đậu tàu thuyền an toàn, những tàu lớn ngoài khu neo đậu ở Thuận An, Phú Thuận… còn lại phải di chuyển tìm nơi lánh nạn. Việc neo đậu cũng tùy tiện, rải rác trên các sông, kênh rạch… nên các cơ quan chức năng rất khó quản lý.
Ông Trần Quang Dương ở xã Phú Hải cho biết, khi công trình đang thi công ngư dân đã có ý kiến với địa phương và đơn vị thi công ở đường luồng khu neo đậu hẹp và cạn nên tàu, thuyền ra vào thường xuyên bị mắc cạn, nhưng bên thi công cho rằng đã xây dựng theo thiết kế kỹ thuật. Và hậu quả là khi công trình đưa vào sử dụng thì hàng chục tàu thuyền của ngư dân bị mắc cạn. Bởi vậy, nhiều chủ tàu rất ngại cho tàu vào khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền Phú Hải để tránh thiệt hại.
Một số ngư dân ở xã Vinh Hiền cho biết, từ khi khánh thành, gần như cảng cá không phát huy tác dụng. Ngoài mục đích xây dựng làm nơi dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá Tư Hiền còn là nơi cập bến của các loại tàu quân sự nằm trong khu vực phòng thủ bờ biển.
Bà Lê Thị Mẫn - Phó chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết, khi khu neo đậu đưa vào sử dụng thì tàu thuyền ra vào thường xuyên bị mắc cạn. Qua tiếp xúc cử tri, ngư dân đã nhiều lần kiến nghị. Nhưng kiến nghị của ngư dân chưa được giải quyết khiến việc tránh trú bão vẫn chưa được an toàn, ổn định khi mùa mưa bão về.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Cảng cá TT-Huế thừa nhận, từ khi xây xong, dù chưa được bàn giao nhưng cảng đã xuống cấp, không đi vào hoạt động được là do các hạng mục hạ tầng như điện, nước, nhân viên chưa có. Những hạng mục có thì đã xuống cấp, cần kinh phí sửa chữa mới chưa có nên hoạt động không hiệu quả. Mùa mưa bão đến, sẽ bố trí tàu thuyền những điểm hợp lý, dễ quản lý. Về lâu dài cần phải có kinh phí để khắc phục những hư hỏng, xuống cấp mới đáp ứng tàu thuyền ra vào, neo đậu trong mùa mưa bão.
Hiện toàn tỉnh TT-Huế có 30 âu thuyền lớn nhỏ nằm rải rác ở 26 xã ven biển và đầm phá. Trong khi, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 tàu thuyền hoạt động, trong đó 265 tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90CV trở lên, 377 chiếc tàu có công suất 20 - 90CV và các thuyền bãi ngang. |
Theo baoxaydung.com.vn