Tiếng sông Hương
A Lưới, những cơn mê truyền kiếp
14:47 | 21/10/2014

Thực tế vẫn còn đó những đám cưới cận huyết âm thầm diễn ra giữa chốn mây cao, như cơn mê truyền kiếp, cứ “ám” lấy các bản làng… 

A Lưới, những cơn mê truyền kiếp

Ngày trước, những bản làng xa hút của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu trên dải Trường Sơn thuộc huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tồn tại tục “nối dây” cho phép con cô, con cậu lấy nhau, với lý giải để giữ giống nòi, giữ của không thất thoát ra ngoài dòng tộc, khi mà tục thách cưới của người đồng bào là vô hạn định, thách cưới to đến mức một trai bản cưới vợ xong làm quần quật vài năm trời nợ vẫn chưa trả hết. Còn bây giờ, tôi đem “chuyện ngày xưa” đi hỏi thì ai ai cũng bảo là không được, cấm tuyệt đối vì trên tivi, trên đài, rồi cán bộ từ thôn đến xã nói thế! Là người dân nói vậy chứ không phải vậy. Thực tế vẫn còn đó những đám cưới cận huyết âm thầm diễn ra giữa chốn mây cao, như cơn mê truyền kiếp, cứ “ám” lấy các bản làng…

Ám ảnh tục “nối dây”

Ông Phạm Văn Bia - nguyên trưởng công an, trưởng ban tư pháp xã Hưng Nguyên (huyện A Lưới) - là người Cơ Tu - biết khá rõ ngọn ngành hủ tục kết hôn cận huyết trong cộng đồng dân tộc mình. Ông kể: “Con cô, con cậu được phép lấy nhau theo tục “nối dây” của đồng bào có từ thời xa xưa. Luật tục như thế để giữ dòng máu, dòng giống tộc mình không bị sẻ chia cho tộc khác. Con cô, con cậu lấy nhau cũng vì quen biết từ bé, lớn lên nảy nở tình yêu, cưới về sẽ cảm thông cho nhau, hạnh phúc hơn những cuộc hôn nhân ngoài dòng tộc. Còn có trường hợp bị ép lấy nhau để giữ của nả cho dòng tộc mình, vì rằng nếu lấy con gái bản khác về làm vợ khi đưa lễ vật thách cưới sang nhà gái, thì coi như của đã mất đi. Lấy người ngoài thách cưới to, tốn tiền lắm đấy. Người nghèo khó, con tôi lấy con cậu, cậu phải thông cảm cho tôi mà thách ít đi. Đại khái chuyện là thế”.

Nói xong, ông lôi trong túi ra điếu thuốc lá thơm của đồng bào Cơ Tu trồng trên rẫy, châm và rít một hơi dài, khói thuốc phả tù mù như muốn nuốt trọn cả mặt người. Ông kể rằng tục thách cưới ngày trước khiến bao trai bản như già điêu đứng. Hồi còn ở bên làng cũ, để chuẩn bị cho lễ cưới, già phải mất tận 3 năm đi chặt cây lồ ô kết thành bè kéo dọc về hạ nguồn sông Hương bán lấy tiền sắm lễ vật. Ông Bia nhớ lại: “Bố kéo lồ ô 3 tháng mới đủ tiền về Huế tìm ông Nghè ở chợ Đông Ba mua 80 cái chén cổ. Gần 2 năm sau mới đủ mua 8 con heo - mỗi con ngoài trăm cân, trăm gà, vịt, chục chiếu, thau nhôm, nồi nhôm”. Đủ lễ vật, ông Bia tức tốc sang bản bên rước bà Trần Thị Bảy về làm vợ. Ông bảo “trường hợp của bố là người ta đã thông cảm nhiều đấy, chứ thách phải có trâu, bò, heo, dê, chiêng, nồi đồng lớn… lên bờ xuống ruộng ấy chứ. Có người cưới được vợ đi vay, đi mượn tiền đến sái cổ chân, cưới xong nhiều năm sau vẫn chưa trả hết nợ”.

Tôi ngược lên xã vùng biên A Đớt, và được ông Lê Hồng Bường - cán bộ tư pháp - hộ tịch xã - cung cấp con số thống kê buốt lòng: A Đớt “giật giải” xã 4 năm liền có trường hợp kết hôn cận huyết. “Đợt rồi, con Ra Pát Thị Lan ở thôn A Ro nó rục rịch làm đám cưới với thằng anh con cô nó ở xã bên. Nghe tin mà hoảng quá, tôi và mấy ông văn hoá, dân số đến nhà nó mấy ngày liền giải thích cái tốt, cái xấu, doạ nó rằng nếu cương quyết lấy thì sẽ không được đăng ký kết hôn, không có quyền lợi chi hết trơn, thế là cái bụng nó xuôi theo. Chúng nó chia tay nhau nhà ai về nhà nấy cách đây chưa lâu”, ông Bường kể. Rồi ông dẫn tôi lên bản A Tin, nơi nằm cách biên giới Lào chừng chưa tới cây số, tìm gặp Hồ Sĩ Tòng (24 tuổi) kết hôn với Nguyễn Thị Trội (22 tuổi) con cô, con cậu cách nay 2 năm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, ông Hồ Sĩ Năm (bố Tòng) không có gì tỏ ra e ngại vì đó là phong tục xưa nay vẫn làm như thế. Ông Năm thẳng thắn: “Thằng Tòng nó lấy con của em trai Pi Riu A Ve (vợ ông Năm) về làm vợ. Rồi A Tái em Pi Riu A Ve ở bên xã A Roàng nó vẫn làm thế. Giờ, thì tôi có biết làm như thế là không được, nhưng…”, ông Năm bỏ lửng câu nói.

“Con đực làm con cái dính bầu rồi thì chịu thôi”

24 tuổi, Hồ Sĩ Tòng đang ngồi đối diện với tôi là chàng thanh niên thật thà, chất phác. Anh trả lời rành rọt những câu hỏi của tôi. Tòng kể, trai đến cái tuổi lớn thì phải xuống bản bên tìm tình yêu. Quen thân với Trội, dù biết sơ sơ rằng là con cô, con cậu, nhưng Tòng lại đem lòng tán tỉnh, Trội thinh thích và đôi trai gái ấy đã yêu nhau. Những đêm tâm tình như vô tận dưới tán cây rừng, bên bờ suối đá, Trội đã dính bầu. Đôi trai gái về thưa bố mẹ hai nhà cho phép cưới nhau. Vì không còn cách khác, bởi theo luật tục của người Tà Ôi thì bắt buộc Tòng phải lấy Trội về làm vợ. Sau đó, một đám cưới không hôn thú âm thầm diễn ra với lễ vật vỏn vẹn chỉ 2 con heo, vài con gà, chục trứng. Nửa năm sau, Trội sinh bé gái Hồ Mai Nari, cái tên được đặt theo tên cơn bão Nari đổ bộ vào đất liền hồi năm ngoái như là kỷ niệm của đôi vợ chồng trẻ. Tòng bảo: “Cơ sự ra như vậy cũng do em và vợ không biết chữ. Giờ cái sai nó hiện về rõ lắm rồi. Vì sai nên đến tận bây giờ Nari chưa được làm giấy khai sinh, chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Giờ nghe con đau vợ chồng em run như sốt rét”. Rồi Tòng hướng ánh mắt van lơn đến tội nghiệp về phía cán bộ Lê Hồng Bường.

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Cái cách UBND xã A Đớt chưa đầy cây số, ấy vậy mà đám cưới cận huyết của Hồ Văn Nhái (22 tuổi) và Hồ Thị Nương (20 tuổi) vẫn diễn ra mà không tài nào cấm cản được. Hôm tôi đến, vợ chồng Nhái đã bế con đưa đầy 2 tháng tuổi sang nhà ngoại xã A Roàng chơi được hai hôm. Nhắc đến chuyện con trai, ông Hồ Văn Cái lục tìm và đưa cho tôi xem tấm ảnh cặp trai gái tân thời, mái tóc nhuộm vàng hoe tạo dáng thật ngầu. Ông nói rằng con trai ông như con thú đi hoang: “Bố biết! Bố biết nó lấy con của em trai mẹ nó là vi phạm pháp luật đấy. Bố nghe tivi nói, đài nói, cán bộ cũng có nói, nhưng thằng con mình lớn lên nó như con thú đi hoang, đợi lúc mình ngủ say, nó lẻn đi chơi bời giữa rừng, giữa núi. Khi chúng nó có tình ý với nhau, con đực nhảy lên làm con cái dính cái bầu rồi thì phải cưới nhau thôi, chứ chạy làng coi sao được” - Hồ Văn Cái đành phải tổ chức cưới “chạy bầu” cho con trai mình cách nay vừa quá nửa năm…

Con số thống kê được bà Phạm Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hoá gia đình huyện A Lưới - đưa ra là trong 5 năm từ 2009 - 2013, huyện A Lưới có 9 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống nằm rải rác trên các thôn bản thuộc các xã A Đớt, Đông Sơn, Hưng Nguyên... Theo bà Tâm thì số cặp thống kê có tăng lên so với trước, nhưng đó là tín hiệu vui. “Trước đây, nhiều trường hợp kết hôn cận huyết, thế mà từ xã đến thôn ém nhẹm, không báo cáo lên trên vì sợ ảnh hưởng đến việc xây dựng làng, xã văn hoá. Từ đó, mà việc tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết cực kỳ khó khăn và không hiệu quả”, bà Tâm nói. Theo bà Tâm thì giờ đây tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã trở thành cuộc chiến với sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện A Lưới. Huyện ban hành hẳn một nghị quyết nhằm đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết giai đoạn 2013 - 2017 định hướng 2020 sẽ chấm dứt tình trạng này. Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện được giao nhiệm vụ tập huấn cho các cán bộ dân số từ xã đến tận thôn bản biết để quyết liệt vào cuộc ngăn chặn. Bây giờ, việc trang bị kiến thức giới tính, hôn nhân cho lứa học sinh tuổi “dở dở ương ương” trong các trường học cũng đã bắt đầu được triển khai. “Thật ra thì chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc ngăn chặn, người ta ngại tiếp xúc với mình. Cứ tưởng tượng đi, người ta sắp tổ chức lễ cưới, sắp trở thành thông gia của nhau mà có người đến phá thì không khó chịu sao được. Nhưng chúng tôi, cùng các cơ quan ban ngành khác cùng nói cho bà con hiểu rằng nếu lấy nhau sẽ dẫn đến suy thoái giống nòi, bệnh tật, đói nghèo bằng tất cả các kênh có thể. Cứ làm kiên trì để cho người trẻ hiểu, người lớn hiểu mà từ bỏ”, bà Tâm nói. Trong cộng đồng các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở miền sơn cước A Lưới đang lưu truyền bài ca với tựa “Phá bỏ tập tục nối dây”. Đại ý rằng: “Ngày xưa anh yêu và thương em vô cùng. Nhưng bây giờ thì anh biết mình không thể lấy nhau, bởi đôi ta là anh em ruột thịt”...

Theo laodong.com

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng