Dẫn chúng tôi ra căn nhà nằm cách bờ biển lở chỉ còn vài chục mét, bà Nguyễn Thị Năm (54 tuổi, ở thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) nói trong nước mắt: “10 năm qua, vợ chồng tui phải gồng gánh để di dời nhà cửa 2 lần rồi. Tới đây, không biết phải chạy đi mô để trú thân nữa bởi sóng biển sắp xóa sổ làng chài này rồi...!”.
Đầu năm 1980, cùng với hàng chục hộ dân khác, bà Năm cùng chồng là ông Lê Tân, dắt díu con cái về xóm Tân An, thuộc khu làng chài An Lộc, xây dựng nhà cửa kiên cố, quyết tâm bám biển mưu sinh và nuôi con chữ cho 4 người con. Ban đầu, vợ chồng họ đóng một chiếc gọ nhỏ để làm nghề buông lưới đánh cá gần bờ. Năm 2005, khi kinh tế gia đình khá giả hơn, ông Tân quyết định hùn vốn 100 triệu đồng với 4 hộ dân khác trong thôn để đóng mới chiếc tàu công suất gần 200CV phục vụ cho việc đánh bắt hải sản trên biển. “Thế nhưng, khi công việc làm ăn đang thuận lợi thì bà con ngư dân ở thôn An Lộc lại phải sống thấp thỏm trong nỗi lo bị biển xâm thực; sợ sóng biển “nuốt” mất nhà phải di dời chỗ ở…”, ông Tân vừa chỉ tay ra phía 5 ngôi nhà nằm cạnh nhà ông đã bị chủ phá bỏ bờ tường, dỡ mái ngói để chuyển đi nơi khác sinh sống và tâm sự.
Bà Năm còn cho biết, trước năm 2010, bờ biển cách làng chài An Lộc hơn 400m, song chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, cả khu bờ biển dài hàng cây số với hàng trăm gốc phi lao to lớn đã bị sóng biển cuốn trôi. Mất bờ phi lao phòng hộ, biển cứ thế “liếm” sát dần vào khu dân cư, nơi mà 216 hộ dân ở làng chài An Lộc đã sinh sống từ 3 đến 4 đời nay.
Theo ông Lê Truyền, Trưởng thôn An Lộc, hiện nay biển xâm thực gây sạt lở, đe dọa đến cuộc sống của người dân ở làng chài An Lộc đã ở mức độ nguy cấp. “Nếu như mấy năm trước, phải đến khi có mưa bão thì tuyến bờ biển ở làng chài mới sạt lở vài ba điểm. Thế nhưng năm nay, dù gió biển mới cấp 4, cấp 5; nhưng biển đã xâm thực vào bờ từ 8-10m, khiến nhiều hộ dân phải “bỏ nhà chạy lấy người”. Tình trạng sạt lở, biển lấn bờ diễn ra quá nhanh khiến bà con ngư dân không kịp trở tay. Nhiều ghe, thuyền neo đậu dọc bờ biển cũng bị sóng biển cuốn mất. Mới đây nhất là chiếc tàu cá trị giá gần 300 triệu đồng của ông Võ An đã bị sóng biển cuốn trôi mất khi neo đậu gần điểm sạt lở”, ông Truyền lo lắng nói. Ghi nhận tại thực địa trên tuyến bờ biển qua làng chài An Lộc cho thấy, nạn sạt lở do biển xâm thực còn vượt gấp nhiều lần so với những gì mà người dân kể. Đặc biệt hơn, một đoạn bờ biển dài gần 1km, vốn trước đây có 20 căn nhà của người dân An Lộc ở, nay đã bị sóng biển cuốn hết đất, tạo nên hiện tượng sạt lở nghiêm trọng với độ dốc cách mặt biển hơn 5m.
Nhiều ngư dân An Lộc cho biết, trong 3 năm qua, họ đã tổ chức trồng gần 2.000 cây phi lao chắn sóng dọc tuyến bờ biển bao quanh làng chài; nhưng trồng được bao nhiêu thì bị sóng biển “ngoạm” bấy nhiêu. Trao đổi với PV, nhiều hộ dân còn bày tỏ lo lắng, rằng: “Nếu chính quyền cấp trên không có biện pháp ngăn chặn tình trạng biển xâm thực thì e rằng trong thời gian ngắn nữa thôi làng chài An Lộc sẽ bị xóa sổ”. Trước nguy cơ làng chài An Lộc biến mất do biển xâm thực, tháng 8/2014, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 1,9 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư và lên phương án di dời cho 80 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm ở làng chài này. Ngoài ra, UBND xã Quảng Công còn hỗ trợ 24,5 triệu đồng/1 hộ để giúp người dân xây nhà cửa, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Tuy nhiên, về vấn đề tái định cư, theo ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công, đã phát sinh nhiều nỗi lo, nhất là chuyện… tái nghèo. “Hiện địa phương đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng hộ nghèo bởi phần lớn số hộ dân được di dời lên khu tái định cư đều phải vay vốn ngân hàng từ 50-100 triệu đồng để xây dựng lại nhà cửa... Thế nhưng qua khảo sát, rất nhiều hộ dân không có khả năng trả được nợ, dẫn đến nguy cơ tái nghèo là rất lớn!”, ông Đính khẳng định.
Ngoài thôn An Lộc, hiện 500 hộ dân ở 3/9 thôn của xã Quảng Công, gồm: Tân Thành, Hải Thành và Cương Giáng cũng đang sống trong cảnh lo lắng bởi biển xâm thực, gây sạt lở trên diện rộng với chiều dài 6,4km; nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện toàn tỉnh có 61.267 hộ dân sinh sống ở 42 xã ven biển và đầm phá. Trong đó, có 1.500 hộ với 5.735 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ và biển xâm thực. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện TĐC cho trên 1.000 hộ dân và đang tiếp tục TĐC cho các hộ dân sống ở khu vực sạt lở ven biển.
Theo CAND