Tiếng sông Hương
Báo động chứng chỉ giả
08:39 | 30/10/2014

Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khởi tố điều tra 6 đối tượng có hành vi giúp sức, môi giới làm giả chứng chỉ sư phạm dạy nghề của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Báo động chứng chỉ giả

Điều nguy hại hơn, từ những chứng chỉ giả này, nhiều đối tượng đã được nhận vào làm hợp đồng giáo viên tại Trung tâm đào tạo nghề Tâm An, có trụ sở tại TP. Huế.

Trung tâm đào tạo nghề Tâm An, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ôtô hạng B1 và B2, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thành lập vào tháng 5/2012. Để được nhận vào trung tâm này, giáo viên dạy nghề phải có bằng tốt nghiệp ĐHSP kỹ thuật, CĐSP kỹ thuật hoặc chứng chỉ sư phạm dạy nghề.

Sau một thời gian hoạt động, lãnh đạo trung tâm đã nghi vấn sử dụng chứng chỉ sư phạm giả. Qua giám định, cơ quan công an phát hiện có 13 chứng chỉ được làm giả của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh và 2 chứng chỉ giả của Trường CĐ Nghề Đà Nẵng…

Trước đó, dư luận từng xôn xao khi VKSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn quyết định khởi tố Phạm Đức Hiệp, trú huyện Krông Pách về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo kết quả điều tra, mặc dù Hiệp chưa tốt nghiệp lớp đồ họa máy tính tại trường Trung cấp Việt Tiến (TP. Đà Nẵng). Nhưng sau đó Hiệp sử dụng kiến thức học được để làm nhiều loại văn bằng, chứng chỉ giả của các trường cao đẳng, đại học.

Với những loại bằng, chứng chỉ giả này, Hiệp lần lượt xin vào làm việc tại các trường trung cấp, cao đẳng tại Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk, thậm chí trở thành… giảng viên bộ môn vật lý thuộc trường Đại học Tây Nguyên.

Trong thực tế, hiện nay nhiều cơ quan, DN khi tổ chức tuyển dụng, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn chính thức, đều có yêu cầu về chứng chỉ trình độ tin học, ngoại ngữ… Để tìm được việc làm, tránh phải học hành thi cử, nhiều người đã lựa chọn cách... mua chứng chỉ.

Nắm bắt được nhu cầu này, dịch vụ làm chứng chỉ đã quảng bá công khai trên mạng Internet, rao bán nhan nhản… Việc sử dụng chứng chỉ giả cũng thường trót lọt do các cơ quan, DN tuyển dụng lao động thường yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, nhưng lại không quan tâm thực chất trình độ của người tham gia tuyển dụng đến mức độ nào.

Theo Thời báo Ngân hàng

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng