Các đôi tàu Huế - Đồng Hới, Đồng Hới - Vinh, Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều, Gia Lâm - Đồng Đăng đang vắng khách. Hằng năm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng.
Khi trời mới hửng sáng, sân ga Huế đã có vài chục người xếp hàng tại quầy bán vé để mua vé tàu ĐH41 về quê. Những hành khách này chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo ở Quảng Bình, Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế học hoặc công tác.
Cũ kỹ, lạc hậu
6 giờ 15 phút, sau một hồi còi, đoàn tàu ĐH41 chạy tuyến Huế - Đồng Hới bắt đầu rời sân ga với gần 100 khách. Tàu chợ - cái tên người dân thường gọi ĐH41 - chỉ có 6 toa và được kéo bằng đầu máy do Tiệp Khắc sản xuất ì ạch lăn bánh.
Thấy nhiều người như chúng tôi lớ ngớ tìm số ghế, Nguyễn Nhật Trường, một hành khách, cười bảo: “Tàu này không có số ghế đâu, ai thích ngồi toa nào, ghế nào cũng được”.
Suốt 2 năm theo học Trường CĐ Công nghiệp Huế, cứ độ một hai tuần lại về nhà một lần nên Trường khá thân thuộc tàu này. “Tàu này giá rất rẻ, sinh viên lại được giảm 20%. Bọn em thường ví nó như xe buýt vì thích ngồi chỗ nào cũng được, ga nào cũng dừng” - Trường nói.
Đối với khách đi tàu, chắc có lẽ ai cũng nhận thấy đây là một trong những đoàn tàu cũ kỹ, lạc hậu nhất hiện nay trong hệ thống tàu khách Việt Nam. Cả toa tàu này chỉ có vài ba hành khách ngồi uống cà phê, hút thuốc lá. Ngoài tiếng ồn của đoàn tàu, hành khách còn phải chịu đựng tiếng ồn từ máy nổ phát điện và mùi dầu rất khó chịu.
Cũng như đoàn tàu ĐH41, đoàn tàu VĐ31 chạy tuyến Đồng Hới - Vinh cũng gồm 6 toa, cửa lưới mắt cáo, chỉ có 2 toa ghế ngang, 4 toa ghế dọc và sử dụng nguồn điện từ máy nổ. Tuy nhiên, do tuyến đường dài, qua nhiều khu vực đèo núi nên hành trình từ Đồng Hới - Vinh dài khoảng 200 km, đón tiễn khách tại 22 ga trạm, đoàn tàu phải mất gần 8 giờ chạy.
Thu không đủ chi
Đã 25 năm gắn bó với đoàn tàu chợ tuyến Huế - Đồng Hới, ông Đặng Ái, Trưởng tàu ĐH41/ĐH42 (chạy chuyến ngược lại), cho biết thời kỳ hoàng kim nhất của đoàn tàu này là từ năm 2000 trở về trước, lúc đó mỗi chuyến tàu chở hàng trăm khách. “Hồi trước khách đi đông, tình hình an ninh trật tự trên tàu rất phức tạp nên có giai đoạn chúng tôi phải nhờ Bộ đội Biên phòng đi theo” - ông Ái kể.
Gắn bó với đoàn tàu này hơn 30 năm, bà Bích (bán cơm gà) cho biết hơn 10 năm trước, mỗi chuyến tàu bán được vài trăm suất cơm. Thế nhưng giờ mỗi chặng hành trình, bà chỉ bán được vài chục suất cơm. “Lượng khách đi lại đã giảm rất nhiều, đa số là học sinh, sinh viên và họ chỉ đi chặng ngắn nên chẳng mấy ai ăn” - bà Bích lý giải.
Theo ông Ái, việc hành khách đi lại bằng tàu ĐH41/ĐH42 giảm hơn so với trước bởi hiện nay, phương tiện giao thông phát triển mạnh, hệ thống đường sá cũng thuận lợi vì đoạn đường sắt này chạy gần như song song với Quốc lộ 1, chỗ xa nhất chỉ 15 km. “Sinh viên bây giờ đi học bằng xe máy, các đoàn tàu nhanh cũng được phép dừng đón tại ga Đồng Hới, Đông Hà nên chúng tôi chỉ đón khách nhiều ở các ga lẻ” - ông Ái nói.
Ông Trần Hữu Lâu, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Quảng Trị - Thừa Thiên, đơn vị quản lý đoàn tàu ĐH41/ĐH42, cho biết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, năm 2008, xí nghiệp đã có nhiều cải tổ đối với hoạt động của đoàn tàu ĐH41/ĐH42 như tổ chức lại biểu đồ chạy hợp lý, hành trình đúng giờ, cách thức bán vé, thành lập các tổ dịch vụ nhằm tăng doanh thu…
Hiện nay, Xí nghiệp Vận tải đường sắt Quảng Trị - Thừa Thiên được Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội giao 13 toa xe để khai thác, vận hành trong đoàn tàu ĐH41/ĐH42. Theo ông Lâu, các toa xe này đều đã sử dụng trên dưới 40 năm sau một thời gian hoạt động tại các đoàn tàu khách Thống Nhất. Một vòng hành trình Huế - Đồng Hới và ngược lại, xí nghiệp này được Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội giao cho mức thu khoảng 10 triệu đồng (5 triệu đồng/chặng). “Chi phí cho một đoàn tàu hoạt động rất nhiều khoản, bao gồm trả tiền nhiên liệu, toa xe, cầu đường, thông tin tín hiệu, nhân viên các ga… nên mức thu lúc nào cũng lỗ” - ông Lâu cho biết.
Ông Nguyễn Đình Thế, Đội trưởng Đội Quản lý đoàn tàu VĐ31/VĐ32 tuyến Đồng Hới - Vinh và ngược lại, thuộc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Quảng Bình, cho biết so với các cung đường sắt khác, tuyến Đồng Hới - Vinh chủ yếu qua khu vực rừng núi. “Ngày thường, tàu này thu khoảng 13-15 triệu đồng/vòng, còn dịp lễ, Tết khoảng 20 triệu đồng/vòng” - ông Thế nói. Theo ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Xí nghiệp Vận tải đường sắt Quảng Bình, khoản thu này chưa bằng 50% so với chi phí bỏ ra để cho đoàn tàu hoạt động.
Theo nld.com.vn