Tiếng sông Hương
Vơi dần “bằng chứng” về sự học thời xưa
14:07 | 28/01/2015

Di tích Nho học được đánh giá là một bộ phận quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị vật thể, phi vật thể sâu sắc, là một trong những bằng chứng về sự học của người Việt suốt hàng trăm năm lịch sử. Tiếc rằng, rất nhiều di tích, di vật, hiện vật quý giá đã bị mai một hoặc mất đi.

Vơi dần “bằng chứng” về sự học thời xưa
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di tích Nho học thu hút khách trong và ngoài nước tham quan. Ảnh: Nhật Nam

Di tích trở thành phế tích

Có thể nói, ngoại trừ một số di tích nổi tiếng được bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt giá trị thì đa phần di tích Nho học và các hiện vật liên quan ở nước ta hiện nay trở thành phế tích. Tại hội nghị khoa học về quản lý di tích Nho học diễn ra mới đây, Phó ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Thủy cho biết, Hà Nội có hơn 200 di tích Nho học, trong đó có hơn 80 di tích đã được xếp hạng, nhưng rất nhiều di tích chỉ còn là dấu tích. Ví như văn chỉ huyện Từ Liêm chỉ còn lại hai cột trụ biểu, trang trí hình lồng đèn và hình quả dành cách điệu; văn chỉ Đông Ngàn còn lại dấu tích qua các tấm bia lưu giữ tại đình Vân Nội (Đông Anh)… Xót xa hơn, một số văn chỉ, văn từ, nhà thờ họ của các địa phương đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được tu bổ kịp thời. Các di vật, tư liệu Hán - Nôm còn lại chưa được bảo quản theo khoa học chuyên ngành dẫn đến hư hại… Không riêng gì Hà Nội, hệ thống di tích Nho học ở Bắc Ninh mặc dù được quan tâm tu bổ, tôn tạo trong những năm gần đây vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. "Văn Miếu Bắc Ninh được đầu tư tu bổ, tôn tạo hàng chục tỷ đồng, nhưng phải thuê một người dân địa phương làm nhiệm vụ đèn hương, mở khóa cổng khi cần thiết. Những văn từ, văn chỉ hàng huyện trong tình trạng "trên không tới, thấp không thông", cho nên tất cả các di tích này đến nay vẫn là phế tích", Phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh Nguyễn Hữu Mạo phản ánh. Ở Nghệ An, Sùng Chính viện nổi tiếng một thời, hiện chỉ còn là phế tích trên núi Bùi Phong thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn; trường thi Hương chỉ còn trong sử sách; Văn Miếu bị phá hủy hoàn toàn…


Phu Văn Lâu - một di tích Nho học quan trọng (Ảnh: TTXVN)

Nói về sự mất mát của hệ thống di tích này, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, hầu hết các di tích Nho học được xây dựng bằng khung gỗ truyền thống, rất dễ bị hư hại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Ngay bia đá trong các di tích Nho học cũng bị dầm mưa, dãi nắng nên có những tấm bia được công nhận là bảo vật quốc gia cũng bị nứt, vỡ, mòn. Đáng nói hơn, đa phần người được giao trông coi trực tiếp di tích không biết chữ Nho, không hiểu giá trị của di vật, hiện vật nên chưa dành sự quan tâm đúng mức đến những di vật, hiện vật này. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản Nho học cũng còn rất nhiều bất cập. "Hiện nước ta chưa có cơ sở chuyên ngành bảo tồn, sưu tầm và lưu trữ các di sản Nho học ở tầm quốc gia. Đó là những nguyên nhân khiến nhiều di tích Nho học đã và đang trở thành phế tích", PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Đưa di tích đến gần công chúng

Từng là phế tích, Văn Miếu Trấn Biên đã được chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai phỏng dựng theo kiến trúc cổ (thời Nguyễn). Sau 15 năm tái hoạt động, Văn Miếu Trấn Biên thu hút khoảng 500 nghìn lượt khách/năm. Chia sẻ kinh nghiệm làm "sống" lại di tích, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên - ông Trần Đăng Ninh cho hay: Cùng với việc đầu tư kinh phí phỏng dựng di tích, tỉnh Đồng Nai đã quan tâm tới nguồn lực con người nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo hướng "lấy di tích nuôi di tích". Trên tinh thần đó, Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các trường học tổ chức hoạt động tuyên dương, khen thưởng, báo công tại di tích; khuyến khích học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về những giá trị đặc biệt của Văn Miếu Trấn Biên; từng bước kết nối Văn Miếu với các di tích khác trong vùng tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch giá trị phục vụ du khách. Mặt khác, Trung tâm duy trì lễ "Tết thầy" vào mùng 3 Tết Nguyên đán, tái hiện các cuộc thi thời xưa…


Các mái ngói được trang trí bởi điển tích thơ nhìn rất có hồn. (Trong ảnh: 2 bài thơ và 1 bức tranh minh họa ở giữa. Ảnh: CADN)

Không nằm ngoài mục đích đưa di tích đến gần công chúng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã quay phim, chụp ảnh và số hóa toàn bộ thơ văn liên quan đến Nho học trên các kiến trúc cung đình Huế; đồng thời công bố nội dung của những áng thơ văn bất hủ này trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp công chúng hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di tích. Tương lai, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ lập hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét, công nhận hệ thống thơ văn trên kiến trúc gỗ cung đình Huế vào danh mục Di sản ký ức của nhân loại. "Nếu kho tàng thơ văn này được UNESCO công nhận, tôi tin di sản sẽ được ứng dụng những công nghệ cao để bảo tồn, phát huy giá trị, sẽ được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến nhiều hơn. Đó cũng là cách chúng tôi bảo tồn và phát huy tốt nhiều di sản trong quần thể di tích Cố đô Huế, từng bước đưa Huế trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và thế giới", Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải nói.

Thực tế cho thấy, những di tích Nho học trở thành "điểm vàng" du lịch như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội; Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương); Văn Thánh miếu và Quốc Tử Giám (Huế)… đều được các địa phương quan tâm tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. Tự thân ban quản lý các di tích cũng đã năng động, sáng tạo đưa di tích đến gần công chúng. Vì thế, những ý kiến kiến nghị các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương nên tiến hành kiểm kê, phân loại di tích Nho học nhằm đánh giá hiện trạng, để từ đó xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo; ứng dụng các giải pháp khoa học vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của nhiều đại biểu tại hội nghị khoa học về các di tích Nho học diễn ra mới đây không phải là không có cơ sở.

Theo Hà Hiền (Hà Nội mới)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng