Hàng nghìn người phải đứng chờ cả buổi ở các trạm xe buýt do tài xế, phụ xế Công ty Hoàng Đức đồng loạt đình công.
Trước đó, vào sáng 7/5, tại bến xe phía Nam thành phố Huế, gần 70 lái xe, phụ xe thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Đức đã đình công khiến hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh ngưng trệ.
Nguyên nhân đình công là do phía công ty không đáp ứng quyền lợi cho nhân viên: không đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động, mức lương thấp.
Trước đây, tại nơi làm việc cũ, mức thu nhập của các tài xế hơn 6 triệu đồng/ 1 tháng. Từ khi chuyển sang Công ty Hoàng Đức, mức thu nhập chỉ còn 4 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, tài xế phải làm việc từ 5g30 đến 19g tối, thu nhập mỗi ngày từ 70.000 – 80.000 đồng.
Mỗi ngày, bình quân mỗi xe vận chuyển hơn 200 lượt khách. Với 32 đầu xe, vụ đình công khiến hàng nghìn lượt khách bị ảnh hưởng. Nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp Phú Bài, hàng ngày đi – về bằng xe của Công ty Hoàng Đức (mua vé tháng) đã bị trễ giờ, phải bắt xe ôm để đi làm.
Gần 70 tài xế, phụ xe đình công tại bến xe phía Nam thành phố Huế.
Ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty Hoàng Đức giải thích về vụ việc trên: “Tài xế và phụ xe của công ty chưa được ký hợp đồng và hưởng các chế độ là do thời gian làm việc của họ chỉ mới 1 tháng. Khi quá trình hoạt động đi vào ổn định, nhân viên công ty sẽ được hưởng các chế độ đúng theo quy định nhà nước”.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Vĩnh Thành, tài xế xe buýt chạy tuyến Huế - Phong Điền, sau một tháng làm việc với công ty này, hàng chục tài xế, phụ xe buýt tất cả các tuyến vẫn chưa được ký hợp đồng. Trong khi đó, các khoản trợ cấp đã bị cắt giảm, mức đóng bảo hiểm không rõ ràng. Thậm chí, có tài xế ốm đau, xin nghỉ chạy xe nhưng không được lãnh đạo công ty đồng ý.
Nhiều tài xế còn phản ánh, trước khi vào làm việc, họ phải đóng tiền thế chân cho công ty 10 triệu đồng/1 tài xế và 5 triệu đồng/phụ xe nhưng sau hơn 1 tháng đóng tiền, nhiều người vẫn chưa nhận được biên lai. Các tài xế đã xin gặp lãnh đạo công ty yêu cầu được giải thích nhưng đều bị từ chối, tránh né.
Trong ngày 7/5, đại diện công ty và Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thuyết phục các tài xế xe, phụ xe trở lại hoạt động nhưng các nhân viên cho rằng phía công ty xem thường quyền lợi của họ, nên vẫn chưa chấp nhận trở lại làm việc.
Theo PNO