Tiếng sông Hương
Lao động xuất khẩu "chui" Angola: Vỡ mộng đổi đời
14:22 | 25/06/2015

Mấy ngày gần đây, nhiều lao động bất hợp pháp quê xã Vinh Hà, H. Phú Vang, TT-Huế đang làm thợ xây ở Angola ngậm ngùi lần lượt trở về quê vì họ không chịu nổi cảnh cướp bóc, đánh đập, làm ăn khó khăn...

Lao động xuất khẩu "chui" Angola: Vỡ mộng đổi đời
Anh Nguyễn Cứ và vết sẹo trên má là do bọn cướp hơ dao vào lửa rồi gí vào mặt.

Bị đánh đập, cướp bóc

Trở về từ đất nước Angola cách đây vài hôm, anh Nguyễn Cứ (32 tuổi, trú thôn 4, xã Vinh Hà) vẻ mặt vẫn chưa hết hoảng sợ. Theo lời kể của anh Cứ, trong khi đi làm thợ xây ở TP Huế cùng với một người cùng làng và được người này cho biết, làm thợ xây ở Angola rất có tiền, trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng ít nhất phải dư hơn 1.000 USD. Nghe vậy, anh Cứ hỏi thủ tục thì người này cho biết, có đường dây ở Hà Nội làm, mình chỉ chồng đủ 120 triệu đồng thì hơn 2 tháng sau sẽ lên máy bay.

Thấy thủ tục đơn giản, không cần phải đi lui đi tới nên anh Cứ bàn với gia đình và được đồng ý. Ở quê nghèo, để có số tiền 120 triệu đồng, gia đình anh phải cắm sổ đỏ căn nhà cấp 4 vay được 50 triệu đồng. Số còn lại, bố mẹ anh vay mượn bà con, người thân. Cuối năm 2014, anh Cứ bay tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đến với đất nước Angola. Tại đây, anh được một ông chủ người Việt Nam, bố trí cùng với 3 thợ xây đều là người Việt xây dựng nhà cửa cho người dân.

Trong 7 tháng ở Angola, anh Cứ nhịn ăn nhịn tiêu gửi về nhà được 50 triệu đồng để trả nợ một phần. “Cách đây 2 tháng, khi tôi và 6 anh em thợ xây đang ăn cơm trưa ở một lán gần công trình, thì có một nhóm khoảng 8-9 người da đen xông vào, dùng dao gí vào cổ, yêu cầu chúng tôi đưa toàn bộ tài sản. Lúc đó, tôi có đeo sợi dây chuyền bạc, chúng giật luôn. Còn tiền thì ông chủ chỉ tạm ứng cho anh em vài chục đô-la để đi chợ nấu ăn nên anh em bảo không có. Rứa là, bọn chúng bật bếp ga, lấy dao hơ nóng, rồi gí mạnh vào mặt, tay của tôi” - anh Cứ nhớ lại.

Nhiều lần sau đó, bọn cướp liên tục xuất hiện, đánh đập nhiều người lao động Việt Nam. Anh Cứ và anh em lúc đầu động viên chịu khó làm thêm một thời gian để có tiền trả nợ nhưng nhiều lần chứng kiến cảnh bị đánh đập, cướp bóc nên lo lắng và quyết định về quê. Theo anh Cứ, vì hầu hết, những người qua làm thợ xây ở Angola theo diện du lịch nhưng sau đó ở lại bất hợp pháp nên dù có việc gì đi nữa cũng không dám trình báo cảnh sát.

Cũng như anh Cứ, những ngày tháng sống ở Angola, anh Nguyễn Ngọc Bằng (30 tuổi, trú xã Vinh Hà) cũng nhiều lần bị cướp “hỏi thăm”. Trước đây, anh Bằng đi làm thợ xây ở Hà Tĩnh. Sau đó, nghe các đồng nghiệp rủ nhau qua Angola làm có nhiều tiền nên anh đồng ý. Bà Nguyễn Thị Hương (62 tuổi), mẹ của anh Bằng cho biết, bà phải đi vay 120 triệu đồng để đưa cho anh Bằng, nộp vào đường dây để qua được Angola.

Và, sau nhiều tháng cày cuốc lao động nhưng anh Bằng chỉ gửi về được 1.000 USD. Theo bố mẹ anh Bằng (vừa về quê, cách đây 3 hôm, anh Bằng lại ra Nghệ An đi làm thợ xây) chỉ trong một thời gian ngắn ở Angola, con trai đã nhiều lần gọi điện về than khóc vì bị cướp rượt đuổi, đánh đập. “Nghe con nói vậy, vợ chồng tui và vợ con hắn (Bằng) động viên hắn mau mau trở về. Nợ nần mấy cũng được, rồi về Việt Nam làm trả từ từ”- bà Hương nước mắt ngắn dài.

Anh Đặng Duy Tiến (phải): “Mỗi lần gửi được tiền về nhà thì phải mất một nửa nên tính ra thu nhập cũng chỉ bằng ở quê nên về nước cho yên tâm”. 

Ngóng chờ tin con

Anh Đặng Duy Tiến (29 tuổi) sau hơn 2 năm bám trụ làm thợ xây ở Angola, cách đây 1 tháng đã trở về với gia đình ở xã Vinh Hà. Anh Tiến cũng là một trong những lao động sang Angola bất hợp pháp. Nguyên nhân khiến anh Tiến trở về trước dự định là vì, thu nhập tính ra cũng chỉ bằng Việt Nam nhưng cuộc sống bên đó rất nguy hiểm, thường xuyên lên cơn sốt.

Theo lời kể của anh Tiến, nếu 1 tháng thu nhập 800USD mà muốn nhờ người gửi về nhà thì mất gần 400 USD. Bởi, cũng như những lao động khác, anh Tiến không đủ tư cách pháp nhân để có thể tự đi chuyển tiền về Việt Nam được mà phải nhờ qua trung gian người khác.

Anh Nguyễn Cứ cho biết, cứ vài ba tháng nhận tiền công được 2.000 USD thì muốn gửi về nhà phải mất trắng 1.000 USD. Mấy ngày nay, khi nghe tin, có nhiều lao động “chui” ở xã Vinh Hà qua làm thợ xây ở Angola bất ngờ trở về nước, vợ chồng ông Trương Nhụ (50 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sương (49 tuổi) có con trai là Trương Thịnh (23 tuổi) đang ở Angola đứng ngồi không yên. Hễ nghe có thanh niên nào trong làng về, vợ chồng ông Nhụ cũng đến hỏi thăm về tình hình con trai nhưng họ đều không biết, vì mỗi người phụ một công trình nên không gặp nhau.

Bà Nguyễn Thị Sương cho biết: “Khi còn ở quê, Thịnh làm thợ hồ, mỗi ngày kiếm được 200 ngàn đồng. Do tính thằng Thịnh siêng năng nên nhiều nhà thầu còn cho thêm... Sau khi lấy vợ, nghe mấy người trong làng nói qua bên Angola làm thợ xây có tiền lắm nên vợ chồng tui quyết định cho con đi với hy vọng kiếm số tiền về làm vốn nhưng không ngờ, mọi chuyện ra nông nổi này”.

Bà Sương cho biết, dù qua Angola được gần 1 năm nay nhưng Thịnh chỉ gửi về khoảng 20 triệu đồng. Nhiều lần Thịnh gọi về kể, ở bên đó, nguồn nước rất độc nên những lao động thường xuyên bị sốt. Trở về từ Angola, lao động Nguyễn Ngọc Bằng ở xã Vinh Hà cũng liên tục bị sốt. Anh Bằng được gia đình đến tiệm thuốc tây mua thuốc uống nhưng vẫn không khỏi. Sau khi lên cơn co giật, vừa qua, anh được gia đình đưa lên BVT.Ư Huế điều trị gần 5 ngày mới lành bệnh.

Mẹ và vợ con ngóng chờ tin anh Trương Thịnh đang làm thợ xây ở Angola.

Ông Đặng Ngọc Thu- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà cho biết, xã chưa nắm số liệu chính xác nhưng ước chừng có khoảng 100 lao động sang Angola bất hợp pháp. Toàn bộ số lao động này đều là nam giới, trong đó phần lớn là thanh niên. Tất cả số lao động này khi qua Angola đều làm thợ xây dựng nhà cửa. “Số lao động của xã qua Angola rộ lên cách đây 4 năm, trường hợp mới đi gần đây nhất là cách đây khoảng chừng 2 tháng. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, chưa có một công ty nào đến xã để làm việc về việc tuyển dụng lao động sang Angola. Tất cả những lao động ở xã Vinh Hà đều qua Angola lao động “chui” theo một số đường dây ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội...”- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hà khẳng định.

Trao đổi về tình trạng, nhiều người ở xã Vinh Hà qua Angola lao động bất hợp pháp, ông Hoàng Văn Phước- Trưởng phòng Việc làm & An toàn thuộc Sở LĐ-TB &XH tỉnh TT-Huế cho biết, khoảng 5-7 năm trở lại đây, không có công ty nào đến tỉnh TT-Huế để đăng ký tuyển dụng lao động đi Angola. Như vậy, con số khoảng 100 lao động ở xã Vinh Hà đang làm thợ xây ở Angola đều bất hợp pháp. Hiện, có khoảng 15 lao động trong số 100 người do không chịu được cảnh đe dọa, cướp bóc và nhận thấy cuộc sống khó khăn nên đã lần lượt trở về quê.

Theo cadn.com.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng