Tiếng sông Hương
Thừa Thiên - Huế: Doanh nghiệp khai thác cát, người dân ‘kêu trời’
08:44 | 07/07/2015

Những hố cát sâu hoắm sau khi khai thác nằm sát nhà dân. Người dân sống trong hoang mang vì lo sợ nguy cơ sạt lở đất... là câu chuyện của 17 hộ dân vùng kinh tế mới ở TT – Huế.

Thừa Thiên - Huế: Doanh nghiệp khai thác cát, người dân ‘kêu trời’

Theo tin tức, dù những người dân ở vùng kinh tế mới 327, thuộc thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã đưa vấn đề này phản ánh đến chính quyền, cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong đơn thư mà anh Dương Quang Đức, trú ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc), người đại diện cho 17 hộ dân vùng kinh tế mới 327 gửi cho báo điện tử Người đưa tin đã thể hiện sự lo lắng, hoang mang và những hoài nghi trong việc chính quyền cho phép Công ty 368 khai thác cát ở khu vực sát nhà ở của dân, có thể gây những hậu quả khó lường trong nay mai.

Sau khi nhận được đơn phản ánh, PV đã có mặt tại khu vực thuộc vùng kinh tế 327, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến để xác tín thông tin.



Những hố cát rộng và sâu hoắm nằm sát dưới chân núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất cao


Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, xanh tươi màu cây cối, khu vực khai thác cát mà người dân phản ánh nổi bật với những hố sâu và những đùn cát tan hoang. Nguy hiểm hơn có hố cát chỉ cách nhà dân chưa đến 30m.

Tin nhanh qua trao đổi, anh Đức cho biết: "Năm 1994, chúng tôi được nhà nước cho giãn dân đi kinh tế mới theo dự án 327 và được cấp đất làm nhà ở, đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực này, cho đến nay vừa tròn 20 năm".

Vùng đất mà nhà nước cấp cho 17 hộ dân vùng kinh tế 327 nằm sát tựa chân núi. Khu vực khai thác cát nằm giữa chân núi và khu người dân ở, canh tác. Theo tìm hiểu, trước đây, khu vực này được Hợp tác xã Song Thủy, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc trồng cây lâm nghiệp và giao cho những hộ dân kinh tế mới quản lý. Sau đó, Hợp tác xã Song Thủy tiếp tục giao cho hộ ông Phan Quang Vương, trú cùng xã hợp đồng trồng sắn K94.

"Tuy nhiên, đến năm 2014, chúng tôi rất bất ngờ khi chính quyền địa phương đến bàn giao đất cho Công ty 368 để khai thác cát. Trước đó, chính quyền có mời chúng tôi họp để đền bù nhưng chúng tôi không đồng ý. Vì việc khai cát này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi sau này", anh Dương Quang Đức cho biết thêm.





Chúng còn nằm sát nhà dân cách khoảng 20m


Có thể nói, điều lo lắng của anh Dương Quang Đức là có cơ sở. Bằng mắt thường có thể nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Anh Dương Quang Đức phân tích, do vùng khai thác cát nằm sát chân núi và lượng cát này chính là đệm giữ, chống sự sạt lở từ chân núi và đảm bảo sự an toàn cho các ngôi nhà sát đó. Sau khi lượng cát này bị lấy đi, khi mùa mưa lũ về, một lượng nước lớn từ trên núi sẽ đổ về đây. Nhưng do mất đi lớp cát để thấm hút và tầng đất bị xáo trộn nên việc sạt lở đất là điều đương nhiên.

Theo quan sát, khu vực đã khai thác cát rộng khoảng 3ha. Sau khi doanh nghiệp tiến hành lấy cát đã tạo thành một hồ nước rộng với độ sâu gần chục mét. Ven bờ của hồ nước dần dần lấn sâu vào chân núi cũng như mở rộng sang đất của người dân. Tuy nguy hiểm là thế nhưng PV nhận thấy không hề có một hàng rào ngăn cách khu vực hồ nước sâu này.

Anh Đỗ Tý, một người dân sống gần đó cho hay: “Năm ngoái tôi có con trâu đẻ được con nghé nhưng chẳng may, con nghé sa chân rớt xuống đây mà chết đuối. Tôi có làm đơn gửi lên xã đòi doanh nghiệp bồi thường nhưng chẳng thấy gì. Vùng này lại nhiều trẻ nhỏ, vô tình những hồ nước này trở thành cái bẫy chết người khó lường”.

Tương tự, anh Phan Công, người có ngôi nhà sát hố khai thác cát nhất lo lắng: "Mùa mưa lũ về đến nơi rồi, tôi sợ căn nhà của mình bị cuốn xuống hố mất”.



Ảnh chụp từ của sổ nhà dân, cách đó không xa là những đùn cát đã khai thác


Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Song Thủy, Trưởng ban Quản lý khu du lịch Suối Voi, xã Lộc Tiến cho biết, việc khai thác cát ở đây còn ảnh hưởng rất lớn đến du lịch địa phương. Những chiếc xe tải chở cát chạy cùng đoạn đường vào khu du lịch Suối Voi, trong khi đó đường thì nhỏ nên gây cản trở cho xe du khách. Chúng tôi đã yêu cầu phía doanh nghiệp vào các ngày thứ 7, chủ nhật xe không được chạy đoạn đường này. Không chỉ vậy, người dân xung quanh đây còn phản ánh việc xe cát chạy làm ảnh hưởng môi trường rất nhiều, đặc biệt là vấn đề bụi.

Khi PV đặt câu hỏi: Vậy tại sao phía Ban quản lý khu du lịch vẫn tạo điều kiện cho các xe cát chạy nhờ qua đường vào khu du lịch để đi vào mỏ cát?. Ông Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ: “Nếu phía công ty khai thác cát dùng xe của công ty thì khác, đằng này, họ lại hợp đồng với xe của những người sống ở địa phương nên chúng tôi không thể không giải quyết. Chúng tôi rất khó xử về chuyện này”.

PV tiếp tục liên lạc với ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, ông Phúc thừa nhận, Công ty 368 đang khai thác cát ở khu vực này. Sau khi phía tỉnh đã về thẩm định, kiểm tra thấy khu vực này đủ điều kiện nên cấp phép khai thác cho doanh nghiệp. Còn những phản ánh của người dân vùng kinh tế 327, phía xã chưa nhận được (!?).


Đơn phản ánh với chữ ký của những hộ dân vùng kinh tế 327


Tuy nhiên, anh Dương Quang Đức cho biết, đã nhiều lần đại diện cho 17 hộ dân vùng kinh tế 327 phản ánh vấn đề này trong các buổi họp thôn, họp xã và tiếp xúc cử tri. Anh Đức cũng đã gửi đơn lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng không thấy hồi âm.

"Tôi chỉ là một người nông dân cũng dễ nhìn thấy hậu quả của việc khai thác cát ở đây đưa lại. Không biết, chính quyền và cơ quan chức năng, đặc biệt là các nhà chuyên môn tại sao lại đồng ý cho Công ty 368 khai thác cát ở khu vực này", anh Đức hoài nghi.





Công tác hoàn thổ những hố cát là rất khó


Nguyện vọng của 17 hộ dân vùng kinh tế 327 là mong muốn phía công ty dừng khai thác cát ở đây và san lấp trả lại mặt bằng để người dân sản xuất. Tuy nhiên theo quan sát, với những hố cát sâu và rộng như thế, công tác hoàn thổ hậu khai thác là một vấn đề cực kỳ khó.

 
Theo nguoiduatin.vn

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng