Tiếng sông Hương
Khảo cổ để phục dựng, bảo tồn di tích Cố đô Huế
08:34 | 08/10/2015

Trước thực trạng xuống cấp hư hại của nhiều công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã điều tra, thám sát khảo cổ học để phục dựng, bảo tồn lại các di tích đúng nguyên trạng...

Khảo cổ để phục dựng, bảo tồn di tích Cố đô Huế
Di tích miếu Long Thuyền thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được các nhà khoa học thám sát, khai quật khảo cổ

Được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993, nhưng qua thời gian tồn tại hàng trăm năm, đến nay nhiều công trình di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã và đang trong tình trạng hư hại, xuống cấp. Trước thực trạng này, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã điều tra, thám sát khảo cổ học để phục dựng, bảo tồn lại các di tích đúng nguyên trạng...

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế, giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế không chỉ ở hệ thống đền đài, cung điện, thành quách, lăng tẩm, mà còn có một phần di sản đang ẩn mình dưới các tầng đất. Đây là những vết tích của một thời vàng son và là nguyên mẫu của triều Nguyễn trong quá khứ, được xem là những cứ liệu khoa học hết sức chuẩn xác. Chính vì thế mà ngay sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn di tích tại Quần thể di tích Cố đô Huế được thực hiện rốt ráo nhằm “cứu” các di tích tránh bị hư hại, đổ nát. 

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, do ảnh hưởng của chiến tranh, biến đổi khí hậu nên các công trình di tích bị hủy hoại ở nhiều mức độ. Trong khi đó, nguồn tư liệu chính sử được triều Nguyễn biên soạn cũng bị hủy hoại, thất tán đã khiến công tác trùng tu di tích gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình này, để thực hiện công tác bảo tồn các di tích đúng nguyên bản, từ năm 1999, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã bắt tay thực hiện công tác khảo cổ học như điều tra, thám sát, khai quật kết hợp với nghiên cứu khoa học dựa trên tư liệu hình ảnh có sẵn. 

“Đến nay, tức hơn 15 năm kể từ ngày thực hiện công tác khảo cổ học, Trung tâm đã thám sát, khai quật khảo cổ 25 di tích quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế và đưa lên khỏi mặt đất những vết tích nguyên gốc của các di tích này. Qua đó, chúng tôi phát hiện những vết tích mới về kết cấu nền móng, chủng loại vật liệu xây dựng, chi tiết trang trí để làm cơ sở khoa học phục hồi di tích”, ông Hải cho biết.

Chỉ tính từ năm 1999 đến 2002, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học 7 cụm di tích quan trọng là cung Diên Thọ, nhà hát Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, Bắc Khuyết Đài, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, cung An Định, lăng Gia Long... Tiếp đến, từ năm 2003 đến 2008, các di tích như lăng Minh Mạng, đàn Xã Tắc, lăng Tự Đức, điện Cần Chánh, Tam Tòa, Tây Khuyết Đài, miếu Long Thuyền... cũng được khai quật khảo cổ. 

Đặc biệt, sau quá trình thám sát, khai quật khảo cổ học và thực hiện trùng tu các hạng mục đúng nguyên trạng, vào cuối tháng 3-2015, di tích Duyệt Thị Đường, nhà hát được xây dựng vào năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng để vua chúa, những người trong hoàng tộc thưởng thức nghệ thuật, đã được mở cửa trở lại và là nơi biểu diễn nhã nhạc, múa, tuồng cung đình phục vụ du khách. 

“Trên thực tế, nhiều công trình di tích ở Khu di sản Huế đã hỏng hoàn toàn nhưng tư liệu để lại rất ít, chưa đủ chứng cứ và cơ sở để phục hồi, tu bổ. Tuy nhiên, nhờ công tác thám sát, khai quật khảo cổ đã cung cấp cho đơn vị những thông tin, tư liệu chuẩn xác, qua đó giúp công tác trùng tu, phục dựng các di tích tại khu di sản Huế xác thực, đúng với nguyên trạng ban đầu”, ông Hải chia sẻ.

Được biết, ngoài Trung tâm BTDT Cố đô Huế, thời gian qua, hoạt động khảo cổ học tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; tại danh thắng Tràng An (Ninh Bình); công tác khai quật Hào Thành (thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa) và di sản Hội An (Quảng Nam)... cũng đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần vào quá trình trùng tu, bảo tồn các di tích văn hóa-lịch sử quan trọng. 

Từ ngày 17 đến 19/9, tại hội nghị “Thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 50-2015” được tổ chức ở TP Huế, những kết quả về khảo cổ học tại các di tích trên đã được các nhà khảo cổ học, chuyên gia nghiên cứu công bố.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận định: “Chính nhờ quá trình khai quật các di tích trên địa bàn cả nước trong những năm gần đây đã cung cấp rất nhiều tư liệu mới phục vụ cho công tác nghiên cứu và xây dựng hồ sơ di sản. Những đóng góp này của các nhà khảo cổ học sẽ giúp các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương thực hiện bảo vệ cấp thiết di sản văn hóa dân tộc theo đúng Công ước quốc tế và quy chế ngành khảo cổ”.

 
Theo Anh Khoa/ CAND Online

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng