Nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng, bởi ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Tại Thừa Thiên - Huế, tình trạng này diễn ra ngày càng tăng, các ngành chức năng đã vào cuộc, kiên quyết xử lý, hiệu quả bước đầu rất khả quan, nhưng còn không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều nơi, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được bảo đảm.
“Đua nhau” nợ BHXH
Thống kê của BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, số nợ BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp (DN), đơn vị trên địa bàn đến đầu tháng 10-2015 là hơn 125 tỷ đồng. Có những DN nợ bảo hiểm đến sáu năm, như Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu số 7, nợ hơn 1,2 tỷ đồng; HTX Thương mại dịch vụ Thuận Thành nợ bốn năm, số tiền 4,8 tỷ đồng; Công ty CP An Phú Thừa Thiên - Huế nợ hơn ba năm, hơn 1,9 tỷ đồng…Vì nợ BHXH dây dưa với số tiền lớn, nên quyền lợi của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến Công ty CP Trường Phú, có một lao động được Hội đồng Giám định Y khoa kết luận tỷ lệ mất sức lao động là 82%, nhưng chưa được chốt sổ cho nghỉ; Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang, có năm lao động nghỉ hưởng chế độ một lần, nhưng chưa được giải quyết; Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa với 65 trường hợp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức chưa được giải quyết. Khi người lao động phản ứng, một số doanh nghiệp buộc tạm ứng để chi trả các chế độ ốm đau, thai sản cho gần 190 lao động với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Theo Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua kiểm tra tại 22 DN với gần 1.300 lao động, đã có số nợ BHXH, BHYT và BHTN hơn 22 tỷ đồng. Đa số, người lao động tại các DN được kiểm tra có mức lương tham gia BHXH khá thấp, thậm chí bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Người lao động được tăng lương, DN vẫn không điều chỉnh mức lương tham gia BHXH. Chưa kể, một số DN vẫn còn nợ lương người lao động từ một đến ba tháng.
Không chỉ ở các DN, tại Thừa Thiên - Huế, gần đây có tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp (như trường học, HĐND, UBND xã… đến các viện, học viện) cũng nợ BHXH từ hai tháng trở lên, với tổng số tiền hơn bảy tỷ đồng. Các đơn vị hành chính sự nghiệp nợ BHXH có nhiều nguyên nhân, trong đó, người đứng đầu các đơn vị, kế toán không làm hết trách nhiệm, bởi lẽ khoản tiền này do ngân sách Nhà nước chi trả và đã có trong dự toán tài chính đầu năm. Thế nhưng, phải vài ba tháng, sáu tháng, hoặc cuối năm, nhiều đơn vị mới chuyển tiền bảo hiểm cho đơn vị BHXH. Trong khi theo quy định, việc chậm đóng BHXH từ sau ngày 31 trở đi sẽ phải chịu thêm tiền lãi theo lãi suất đầu tư của BHXH, ngân sách Nhà nước không chịu khoản lãi này. Cá biệt, như Trung tâm Kiến trúc miền trung (thuộc Viện Kiến trúc quốc gia - Bộ Xây dựng) nợ hơn hai năm, số tiền hơn 430 triệu đồng. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiến trúc miền trung Ngô Đức Hồng lý giải: “Là đơn vị sự nghiệp, nên phải tự chủ về kinh tế; trong khi tình hình xây dựng cơ bản đang bị thắt chặt, nhiều công trình do trung tâm thực hiện bị các đơn vị nợ thanh toán, không quyết toán được, nên mới dẫn đến việc chậm đóng BHXH cho công nhân lao động”.
Quyết liệt xử lý
Chuyện đòi nợ BHXH cũng lắm nhiêu khê. Ngay cả khi các ngành chức năng đăng ký làm việc, chưa chắc DN đã tiếp. Có nhiều DN thay tên, đổi địa điểm, khi đoàn kiểm tra đến nơi thì “vườn không, nhà trống”, dẫu đã có công văn, điện thoại hẹn ngày, giờ cụ thể để làm việc. Có nhiều DN khai báo đúng về tình hình tài chính khó khăn, nhưng cũng không ít DN cố tình né tránh khi cán bộ chức năng đến tìm hiểu về vấn đề nợ đọng BHXH. Việc lập hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH thường gặp khó khăn do các đơn vị nợ không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ. Khi tòa án tổ chức hòa giải và xét xử, DN thường không đến dự theo yêu cầu, nên kết quả hòa giải thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Văn Trung, Thanh tra Lao động đã ra nhiều quyết định xử phạt các đơn vị nợ đọng BHXH hàng trăm triệu đồng, nhưng rất ít DN nộp phạt. Có đợt, ngành chức năng làm căng với bảy DN nợ BHXH với số tiền lớn, thì chỉ có một DN đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, việc kiện ra tòa án không phải lúc nào cũng thu được tiền nợ, nhất là tài sản của một số DN đã thế chấp ngân hàng, không thể kê khai được để thi hành án. Trong quá trình khởi kiện, do DN cố tình trì hoãn khiến thủ tục khởi kiện, thụ lý kéo dài, làm cho số nợ ngày càng tăng lên, hoặc DN tìm cách tẩu tán tài sản, dẫn đến khả năng trả nợ thấp. Thực tế, một số đơn vị, DN nợ BHXH bị khởi kiện đã phá sản hoặc ngừng hoạt động, do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Những trường hợp này rất khó để cơ quan BHXH có thể thu hồi được nợ, kể cả khi đã có quyết định thi hành án.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, gần đây, Thanh tra Lao động tại Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Quy chế phối hợp, kiểm tra liên ngành. Cụ thể, cơ quan BHXH đã chuyển danh sách các đơn vị nợ BHXH đến Kho bạc Nhà nước để nhờ can thiệp. Hiện các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền đưa tiêu chí thực hiện chính sách đóng BHXH, BHYT vào công tác đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của các đơn vị. Mới đây, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh yêu cầu cơ quan BHXH kiểm tra các doanh nghiệp đang được đề nghị khen thưởng có nợ BHXH hay không, để xét duyệt? Kết quả, hai phần ba số đơn vị đang có hồ sơ đề nghị khen thưởng chưa hoàn thành việc đóng BHXH cho người lao động.
Để thực hiện các giải pháp thu nợ BHXH, Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế Võ Khánh Bình cho biết: Cơ quan BHXH tỉnh cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã ký quy chế phối hợp buộc các đơn vị, DN phải trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phối hợp đồng bộ để kiểm tra, xử phạt và kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt hơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp cơ quan cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế, để chủ động nắm bắt thông tin về lao động, việc làm, tiền lương của các DN, làm cơ sở để thực thi pháp luật về BHXH. Đối với những DN thực sự khó khăn thì yêu cầu đề ra phương án, lộ trình, thời gian nộp cụ thể, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Sự quyết liệt vào cuộc xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH của UBND tỉnh và các ngành chức năng đã mang lại hiệu quả. Trong số 22 doanh nghiệp mà Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đến làm việc, đã có hơn chín đơn vị trích nộp BHXH với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định truy thu hơn 2,2 tỷ đồng của 11 đơn vị có mức lương đóng BHXH cho lao động thấp hơn số tiền thực nhận.
Theo Giám đốc Võ Khánh Bình, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 450 DN mở tài khoản tại các chi nhánh Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank. Hai ngân hàng này trực tiếp thu BHXH ở các DN với số tiền hơn 73 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ngân hàng đã cung cấp cho cơ quan BHXH các thông tin chung về DN theo quy định về pháp luật và tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của các DN đang mở tài khoản tại ngân hàng. Với sự phối hợp này, ngân hàng tạo điều kiện cho các DN mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại chi nhánh trong việc vay vốn để nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Gần đây, BHXH tỉnh cũng cho đăng tải công khai danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, là động thái tích cực được người lao động quan tâm.
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Trần Ngọc Cư, hiện Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các đơn vị còn nợ BHXH nộp ngay số tiền nợ cho cơ quan BHXH; chấm dứt đăng ký tham gia bảo hiểm với mức thấp hơn so với lương tối thiểu vùng theo từng thời điểm; kịp thời báo tăng, giảm số lượng lao động, mức lương với cơ quan bảo hiểm; chấn chỉnh công tác ký hợp đồng lao động với người lao động. Đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc các đơn vị bị xử phạt hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước. Nếu các đơn vị không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ thì ngành chức năng có trách nhiệm đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Theo NDO