Tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn (H.Quảng Điền, TT- Huế) ngày càng nghiêm trọng khiến cho hàng trăm hộ dân bị mất đất, mất nhà. Trước thực trạng đó, từ năm 2010, Nhà nước đã đầu tư các khu tái định cư (TĐC) giúp người dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, đến nay một số khu TĐC vẫn chưa được đầu tư hạ tầng khiến người dân không thể ổn định cuộc sống.
Công trình khu tái định cư (TĐC) vùng ven biển X.Quảng Ngạn được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2010, trên diện tích 20 ha ở thôn Tân Mỹ A. Trong đó, đất ở gần 5ha, phân thành 115 lô, mỗi lô khoảng 200m2. Giai đoạn đầu san lấp mặt bằng với diện tích 2ha, xây dựng các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, nước... với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, diện tích đất còn lại phục vụ trang trại, công trình văn hóa, xã hội... Mỗi hộ vào khu TĐC được hỗ trợ gần 20 triệu đồng để xây dựng nhà.
Ông Phan Văn Tuyển - Phó Chủ tịch UBND X. Quảng Ngạn cho biết, trên địa bàn xã có 64 hộ nằm trong diện phải di dời nhưng đến nay chỉ có 5 hộ di dời, trong đó 1 hộ vào khu TĐC và 4 hộ cho TĐC xen ghép ở các khu dân cư. Theo ông Tuyển, nguyện vọng của các hộ dân rất muốn vào khu TĐC nhưng hiện hạ tầng còn thiếu điện, nước và đường dân sinh... nên người dân ngại di dời vào ở. Ngoài ra, tiền hỗ trợ cho các hộ dân TĐC thấp khiến người dân chưa đủ điều kiện để vào xây nhà ở khu TĐC. Thời gian qua, dù địa phương nhiều lần vận động người dân vào khu TĐC nhằm ổn định cuộc sống, tránh thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão về nhưng người dân vẫn chưa chấp hành.
Hộ ông Lê Trỉ, ở X. Quảng Ngạn nằm gần bờ biển, thuộc diện di dời dù đã được phân lô cấp đất nhưng gia đình ông vẫn chưa dọn đến định cư. “Vào mùa mưa, cứ nghe tin bão là cả nhà trắng đêm không ngủ được. Nhưng chừ chuyển đến khu TĐC thì điện chưa có, nước sạch cũng không và đường thì toàn cát trắng nên con cháu làm răng học hành được”- ông Trỉ nói. Tương tự, hộ ông Dương Tào, ở cách bờ biển X. Quảng Ngạn vài chục mét dù được bố trí TĐC nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chịu đến nơi ở mới, cho rằng: “Nếu chừ dọn đến khu TĐC ở thì đời sống người dân như quay trở lại cách đây hàng chục năm trước, bởi thiếu thốn đủ thứ”. Còn nhiều hộ dân khác thì cho rằng, bên cạnh những thiếu thốn hạ tầng ở khu TĐC thì đời sống của người dân ở vùng ven biển đều khó khăn, lâu nay có bao nhiêu họ đều tích cóp xây căn nhà đang sống. Vì vậy khi đến khu TĐC, chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng nên họ sẽ không có đủ tiền để xây nhà.
Nhiều người dân ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây họ đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng sớm tiếp tục đầu tư hệ thống đường giao trong khu TĐC, điện chiếu sáng, cấp nước sinh hoạt để người dân ở trong vùng sạt lở vào khu TĐC ổn định cuộc sống nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Nhiều người dân ở khu TĐC An Lộc (X. Quảng Công) đóng cửa, trở về nơi ở cũ |
Ông Lê Duận - Chủ tịch UBND X.Quảng Công cho biết, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão bờ biển xã Quảng Công bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền gần 15m. Toàn xã có khoảng 600 hộ dân sinh sống dọc bờ biển có nguy cơ mất nhà, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản cần phải di dời trong thời gian tới. Trước thực trạng trên, năm 2010 UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất đầu tư hạ tầng khu TĐC vùng sạt lở ven biển X. Quảng Công (H. Quảng Điền) với tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng.
Quy mô khu TĐC được xây dựng trên diện tích khoảng 40ha; đầu tư hệ thống đường giao thông, thoát nước, cấp nước, điện, trồng rừng phòng hộ... nhằm phục vụ cho gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ biển. Tuy nhiên, đến nay mới có 100 hộ chuyển về nơi ở mới, số còn lại vẫn chưa di dời dù nhà chỉ cách bờ biển vài chục đến vài trăm mét. Đối với khu TĐC An Lộc (X.Quảng Công) đã triển khai khá lâu nhưng hiện mặt bằng mới chỉ được giải phóng một phần, hạ tầng giao thông, điện, nước vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Trước nhu cầu về chỗ ở, xã Quảng Công đã di dời 35 hộ dân ở vùng sạt lở vào khu TĐC An Lộc nhưng phải sống trong cảnh không điện, không nước, rất vất vả. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện.
Các Cty điện, nước đã về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Trước mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo 2 xã ven biển tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ tính mạng tài sản khi tình hình sạt lở có diễn biến phức tạp. Hiện, huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ dân sinh. Đồng thời, đề nghị ngành điện, nước quan tâm đầu tư hạ tầng điện, nước để người dân yên tâm chuyển lên nơi ở mới.
Theo cadn.com.vn