Chịu ảnh hưởng từ nền văn hoá phương Đông, chế độ phong kiến Việt Nam - đặc biệt là triều Nguyễn - cũng tuyển chọn thái giám (còn gọi là hoạn quan) để giám sát, dạy dỗ cũng như hầu hạ đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa và là người sai vặt của vua. Bởi vậy, những thái giám phục vụ trong cung phải chấp nhận thân phận không phải đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà.
Chuyện “những người đặc biệt trong dân chúng An Nam”
Hình ảnh của các thái giám còn lưu lại cho đến ngày nay là một vài tấm ảnh được in trên những tấm bưu thiếp do Collection Dieulefils, Hà Nội ấn hành năm 1908.
Phía mặt sau của một tấm bưu thiếp có ảnh của 5 vị thái giám đứng-ngồi bên thềm Đại Nội (Huế) do nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An sưu tầm được, có bút tích của một người Pháp thời đó, mô tả các thái giám triều Nguyễn như sau:
“Người ta gọi những thái giám là những người có danh vọng trong thành. Nói đúng hơn, họ là những người tai to mặt lớn. Đó là những người đặc biệt trong dân chúng An Nam. Cũng như các đồng hương của họ, những người thái giám đội khăn đóng chứ không che mặt như kiểu các tín đồ Công giáo ở bên Pháp của ta. Ngược lại, họ để lộ mặt mũi, hình dung rất rõ ràng. - Huế 20/3/1908”.
Phần lớn các đời vua triều Nguyễn, công việc của các thái giám là hầu hạ nhà vua trong các việc liên quan đến chuyện gối chăn.
Hằng ngày, họ phải sắp xếp thứ tự, lên danh sách các phi, tần và sắp xếp lịch, giờ để vua “ngự dâm”. Sau đó cẩn thận ghi chép lại danh tính các bà phi được “ngự dâm” cùng giờ giấc, ngày tháng… để sau này nếu các phi, tần đó có con với vua sẽ được xác nhận, tránh nhầm lẫn.
Một số thái giám lại chuyên việc phục dịch, hầu hạ các cung phi goá bụa của “tiên đế” (vua đời trước) ở các lăng tẩm.
Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, vào giai đoạn đầu triều nhà Nguyễn, mỗi triều vua thường có khoảng 200 thái giám.
Thời Khải Định, công việc của các thái giám có phần bận rộn bởi ông vua này mang tiếng là “bất lực”, nên thường giao các thái giám chăm sóc cho 12 bà vợ của mình. Đêm đến, thay vì đến phòng các bà vợ, vua lại lệnh cho các thái giám và đội nhạc trong cung đến hầu chuyện, tấu nhạc cho vua nghe; hoặc hầu chuyện những khi vua đi dạo...
Đến thời Vua Thành Thái, số lượng thái giám giảm hẳn, chỉ còn 15 người. Đặc biệt, Vua Duy Tân chỉ duy nhất một lần nạp thiếp (Hoàng Quý phi Mai Thị Vàng) nên các thái giám triều này coi như… thất nghiệp.
Khi Vua Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn - chính thức lên ngôi, việc tuyển thái giám không còn nữa, mặc dù vị vua cuối cùng của triều Nguyễn nổi tiếng là đào hoa.
Các thái giám được tuyển từ những đời vua trước đó sống ở trong cung chỉ lo việc quét dọn sân vườn, chơi cây cảnh chứ không phải lo việc “chăn gối” cho vua. Vĩnh viễn, một lớp người từng tồn tại cả ngàn năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã thực sự biến mất.
Đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ
Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, việc tuyển chọn thái giám vào cung dưới triều Nguyễn chủ yếu từ hai nguồn. Một là những cậu bé sinh ra đã không có bộ phận sinh dục (gọi là thái giám tự nhiên hay là giám sinh).
Làng nào ở Huế thời đó mà có được một cậu bé như vậy thì được coi là điềm tốt. Khi cậu bé “giám sinh” này được tiến cử cho vua, cả làng đó sẽ được hưởng bổng lộc vua ban.
Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) quy định khi có “giám sinh” chào đời, cha mẹ đứa bé phải báo ngay cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm. Khi đứa bé lên 10, Bộ Lễ sẽ đưa nó vào cung để dạy dỗ cho đứa trẻ đầy đủ từ những nghi lễ phức tạp trong cung cho đến kiến thức, cư xử… để khi lớn lên sẽ sung vào đội thái giám.
Luật cũng quy định làng nào có “giám sinh” mà giấu không báo sẽ bị phạt nặng. Làng nào có “giám sinh” được báo lên nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm. Bởi vậy, những “giám sinh” thời đó không những không bị coi thường như bây giờ mà còn được người làng cung kính gọi là “ông Bộ”.
Tài liệu của Công sứ A. Laborde ghi nhận, dân quê một số vùng ở Huế thời đó, người ta vẫn bảo nhau câu cửa miệng rằng: “Ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ”!
Tuy nhiên, những “giám sinh” thường là khó phát hiện và không an toàn tuyệt đối, nên việc tuyển chọn thái giám từ nguồn thứ hai là khá phổ biến. Đó là những gia đình hoàn cảnh quá khó khăn nên họ tự nguyện cho con làm thái giám.
Những người này phải chịu trải qua đau đớn tột cùng khi bị loại bỏ bộ phận sinh dục nam trước khi đưa vào cung để cho những thái giám có thâm niên dạy các nghi thức khắt khe của cung đình, từ việc đi đứng cho đến cách ăn mặc, bẩm thưa. Có nhiều đứa trẻ mới lên 7 đã bị cắt “của quý” đưa vào cung và sống trong đó cho đến già mới được trả về.
Để phân biệt với lớp quan lại khác trong cung, các thái giám được cấp một loại trang phục riêng bằng lụa xanh, dệt hoa trước ngực, đội mũ cứng hoặc khăn đóng.
Khi sống, họ phục dịch trong Tử Cấm Thành hoặc các lăng tẩm. Tuy nhiên đến khi già yếu, các thái giám buộc phải rời Đại Nội để ra dưỡng già hoặc nằm chờ chết tại một toà nhà ở phía bắc Hoàng thành, gọi là “Cung giám viện” chứ không được chết ở trong cung - nơi chỉ dành riêng cho vua chúa và gia đình.
Tuy bản thân không được vinh dự như hàng quan lại, song các thái giám vẫn có thể mang lại cho cha mẹ, họ hàng những quyền lợi nhất định.
Cụ thể, những thái giám thuộc 4 đẳng trật cao nhất là “Quảng vụ”, “Điển sự”, “Kiểm sự” và “Phụng nghi” có thể xin vua ban cho chức Nhiêu phụ (cho cha) để họ được miễn thuế cả đời. Dưới các bậc này, thái giám không được xin miễn thuế cho cha mà chỉ được xin cho em hoặc cháu.
Khi về già hoặc đau ốm, các thái giám không được ở trong nội cung mà phải chuyển ra ngoài ở trong một toà nhà ở phía bắc Hoàng thành, gọi là “Cung giám viện”.
Để chống chọi với sự cô quạnh, nhiều thái giám đã nhận con nuôi. Một số khác chọn cách lấy vợ. Tuy nhiên do mất khả năng sinh con, nên họ thường chọn lấy phụ nữ già - chủ yếu để bầu bạn trong những ngày tháng cuối đời.
Số ít thái giám may mắn hơn thì được quay về với bà con, họ hàng… Cũng có những vị thái giám - vì lo lắng không có chốn khi nằm xuống, bát hương sẽ lạnh trong ngày giỗ nên khi còn song, họ đã liệu tính trước cho mình một nơi an nghỉ.
Lăng mộ thái giám tại chùa Từ Hiếu (ảnh lớn). (Ảnh: Đăng Khoa - LĐ) |
Chìm trong quên lãng
Ngoài hình ảnh trên những tấm bưu thiếp như đã kể, những vết tích của thái giám triều Nguyễn còn lại cho đến thời điểm này ở Huế chỉ là nền móng của một “Cung giám viện” đổ nát và những ngôi mộ thái giám lạnh lẽo trong khuôn viên chùa Từ Hiếu ở phía tây thành phố Huế. Đây cũng là nghĩa trang thái giám duy nhất ở Việt Nam còn sót lại.
Chùa Từ Hiếu toạ lạc trên núi Dương Xuân, ở phía tây thành phố Huế, cách Hoàng thành 5km. Dương Xuân vốn là một ngọn núi hoang vu.
Năm 1843, một vị hoà thượng tên là Nhất Định đã lên đây dựng “Thảo am an dưỡng” để tịnh tu và chăm sóc mẹ già.
Đến năm 1848, “Thảo am an dưỡng” được mở rộng và xây dựng quy mô, nhờ vào sự đóng góp lớn của một vị thái giám trong triều tên là Châu Phước Năng. Với sự vận động của vị thái giám này, Vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ cùng nhiều đại thần trong triều đã góp tiền của để xây dựng, nâng cấp từ thảo am thành một ngôi chùa quy mô. Và cũng chính Vua Tự Đức đã ban cho chùa cái tên Từ Hiếu.
Về sau, một số thái giám khác lường trước được số phận cô quạnh của mình lúc xế chiều nên đã nhiều lần quyên tiền tu bổ, kiến thiết lại chùa nhằm có chỗ náu thân khi về già buộc phải rời cung cấm.
Đến năm 1893 - đời Vua Thành Thái thứ năm, chùa Từ Hiếu được hoà thượng Cương Kỷ cho trùng tu lớn. Nhiều thái giám lại tiếp tục quyên tiền đóng góp, đồng thời gửi gắm nguyện vọng sau khi chết sẽ được chôn cất tại đây để nương nhờ cửa Phật. Và họ đã được thoả nguyện.
Một số thái giám triều Nguyễn có đóng góp tiền để xây cất và trùng tu chùa sau khi chết được chôn tại một nghĩa trang nằm bên phải chùa. Từ đó, chùa Từ Hiếu còn có tên gọi khác là chùa Thái giám.
Nghĩa trang thái giám là một khu mộ hình chữ nhật với diện tích gần 1.000m2, có chiều dài 26,03m và rộng 19,05m, được bao quanh bởi bốn bức tường dày 0,79m; cao 1,78m, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám.
Các ngôi mộ có 3 dãy, hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan thái giám xưa.
Số mộ đếm được là 25 ngôi, có 2 ngôi mộ gió - không có thi hài ở đó. Trong đó, 21 ngôi còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất. Rõ ràng nhất là bia số 22 (ở dãy trong cùng) có khắc: Hoàng triều Cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội; mất ngày 15 tháng giêng năm Khải Định thứ V (1920). Nhiều bia mộ khác vẫn còn đọc rõ chữ.
Đặc biệt, tại nghĩa trang có một tấm bia ký sắc nằm ở phía mặt tiền. Bia chỉ cao quá 1m, rộng hơn 0,5m nhưng nội dung khiến người đọc không khỏi xót xa: “Nhân nghĩ rằng nếu không lo kể về sau, khi còn sống thì nương nhờ chốn Phật, mà khi chúng ta chết thì biết nương tựa vào đâu? Nhận thấy ở góc thành phía tây nam có một đám đất, lấy gạch xây thành để về sau làm nơi chôn mộ. Ở đó làm một cái am lợp ngói để hằng năm thờ cúng, gần nơi của Phật mới là nơi thừa tự lâu dài và ngày thường cùng bằng hữu nếu ai ốm đau có chỗ ra vào dưỡng bệnh, khi nằm xuống có chỗ tống táng”.
Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của thái giám triều Nguyễn: “Trong khi sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Một thời vàng son đã khép lại, mỗi khi nhắc đến Huế, nhiều người vẫn còn nhớ khá rõ những giai thoại về các vị vua chúa, quan lại triều Nguyễn. Thế nhưng, nhắc đến thân phận thái giám lại rất ít ai để ý đến.
Nhiều du khách đến thăm Huế, thăm đất thần kinh, lăng tẩm nhưng ít ai biết đến những thái giám vốn là những người góp phần quan trọng trong việc cai quản dưới thời các triều đại. Những gì còn lại đối với những thái giám chỉ còn lại chút ngậm ngùi, thương xót cho những kiếp người sống cô độc, chết trong hoang lạnh.
Theo tục lệ, hằng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có thái giám triều Nguyễn. Còn những ngày bình thường, khu mộ địa vắng bóng, ít người qua lại. Mặc dù nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, nhưng khách thập phương chỉ quan tâm đến cúng bái, hành hương, ít ai để ý đến những ngôi mộ này. Nếu không có các sư của chùa quét dọn và hương khói thì chắc các ngôi mộ này đã bị huỷ hoại theo dòng chảy của thời gian.
Theo Tường Minh (Báo Lao Động)