Chuyện Cố đô
Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn ( Kỳ 1)
09:02 | 12/11/2013

Sau gần nửa thế kỷ được bảo quản không đúng quy cách, bốn vương miện của triều Nguyễn chỉ còn là một mớ hỗn độn gồm hàng nghìn chi tiết bằng vàng, ngọc, châu báu đã bị tháo rời, bị hư hại, gãy nát, nằm lẫn đất và mối đùn.

Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn ( Kỳ 1)

Giữ lại bằng mọi giá

Từ hàng trăm năm nay, bảo vật hoàng cung luôn là điều bí ẩn với người đời và không phải ai cũng có cơ may diện kiến. Ngay từ khi được chế tác hay lưu truyền qua các triều đại, những bảo vật này đều là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của nhà vua. Bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn có tới gần 3000 hiện vật, một số hiện vật vẫn đang thất lạc, số còn lại hiện được lưu giữ, bảo quản trong kho đặc biệt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Lần lại lịch sử, những chuỗi ngày dài truân chuyên của bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn bắt đầu khi vua Bảo Đại thoái vị giao nộp ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. 

Có câu chuyện rằng, vào thời điểm vừa tiếp nhận những bảo vật tiếp nhận từ triều đình nhà Nguyễn, do đất nước mới giành được độc lập gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, đã có lần Ủy ban kháng chiến liên khu V đề nghị xung công quỹ 4 vương miện và nhiều báu vật hoàng cung khác để lấy tiền phục vụ kháng chiến. Tuy nhiên, ý thức được giá trị văn hoá, lịch sử của những báu vật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu giữ lại bằng mọi giá. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, số tài sản này lại được đưa về Bộ Tài chính, rồi sang Bộ Văn hóa. Cuối cùng, Bảo tàng Lịch sử chịu trách nhiệm bảo quản. 

Năm 1961, lần đầu tiên bảo tàng tổ chức trưng bày ấn vàng, bức màn bí ẩn về những bảo vật này cũng chỉ hé lộ phần nào thì bất ngờ xảy ra vụ mất trộm chiếc ấn vàng của Nam Phương hoàng hậu... Lo ngại về vấn đề an toàn, an ninh cho kho bảo vật vô giá này, những hiện vật còn lại được chuyển sang kho Ngân hàng Nhà nước lưu giữ, đến năm 2007 mới được bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam - PV).

Đây là sưu tập cổ vật duy nhất của cung đình còn lại cho đến hôm nay trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Trong số hàng ngàn cổ vật là các ấn, kiếm, sách vàng, đồ thờ cúng, đồ ngự dụng, đồ trang trí bằng vàng bạc, ngọc ngà châu báu, bốn mũ triều phục (vua dùng khi thiết triều hay tế lễ trời) là những bảo vật vô giá. Tuy nhiên do chiến tranh kéo dài, những báu vật này không được bảo quản trong điều kiện tốt nên đã bị hư hại rất nặng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng kỹ thuật - bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lần giở lại những bức hình ghi lại thời điểm tiếp nhận lại 4 vương miện: “Chúng tôi sẽ chẳng thể nào quên được cảm giác khi bóc gỡ những chi tiết còn lại của bốn vương miện triều Nguyễn. Những vương miện uy nghi thuở nào giờ vo cuộn lại trong hai túi vải nhỏ. Không xót xa sao được khi mở túi vải, thấy một mớ hỗn độn gồm hàng nghìn chi tiết bằng vàng, ngọc, châu báu đã bị tháo rời, bị hư hại, gãy nát, nằm lẫn đất và mối đùn. Hoàn toàn không còn cốt mũ”.

Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 1)
Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 1)
Bí mật chưa từng tiết lộ về 4 vương miện cuối cùng của triều Nguyễn (Kỳ 1)

Những chi tiết này nằm trong mớ hỗn độn gồm hàng nghìn chi tiết bằng vàng, ngọc, châu báu đã bị tháo rời, bị hư hại, gãy nát, nằm lẫn đất và mối đùn

Nhớ lại thời khắc tiếp nhận lại bộ sưu tập báu vật hoàng cung từ Ngân hàng Nhà nước, TS Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam không giấu nổi cảm giác bùi ngùi: “Sau vụ mất ấn tín gây chấn động dư luận năm 1961, nhà nước đề nghị đưa tất cả những cổ vật sưu tầm về cung đình của triều Nguyễn đều đem gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Và quả tình, ngay có trong mơ, nhiều cán bộ bảo tàng chúng tôi cũng không dám nghĩ rằng, sẽ có ngày được lại được nhìn tận mắt, sờ tận tay những hiện vật vô cùng quý giá đó.

Nhưng sau gần nửa thế kỷ, khi chúng tôi tiếp nhận lại bộ sưu tập thì những chiếc mũ này đang ở trong tình trạng hết sức bi đát. Chúng tôi nghĩ rằng bộ sưu tập đó trong thời chiến được gửi trong một cái kho, hay một hang động nào đó, nên mối mọt xông và phái huỷ hết toàn bộ phần hữu cơ như đồi mồi, ngà, vải, da... Những người trực tiếp trông giữ, bảo quản những hiện vật đó cũng không có một báo cáo cụ thể nào về tình hình của những chiếc mũ theo nguyên tắc của bảo tàng. Họ gom nó lại rồi cho vào túi y như túi bột ngày xưa. Khi mở chiếc túi có đựng những chiếc mũ ra, tôi thấy đau xót trong lòng. Trong mớ hỗn độn đó, chỉ căn cứ vào những chi tiết như là rồng, về bác sơn, về đai rồi vành mũ mới có thể phần nào nhận ra đó là chiếc mũ của vua triều Nguyễn”.

Căn cứ vào các cứ liệu vô cùng hiếm hoi còn sót lại, các cán bộ, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khi đó xác định túi số 1 đựng 1 mũ, còn túi số 2 đựng 3 mũ lẫn lộn. Công tác khảo sát làm rõ thêm, túi số 1 gồm hơn 700 chi tiết, túi số 2 gồm hơn 1400 chi tiết.

Chỉ qua những chi tiết rời rạc đã mang đến cho những người chứng kiến sự kinh ngạc lớn. Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc người được tham gia công việc hồi sinh 4 vương miện triều Nguyễn phải thốt lên: “Bốn mũ ở đây đã được chế tác như là sự trình diễn về nghệ thuật, công phu và vô cùng tinh xảo. Họa tiết trang trí trông cứ như được thêu, được dệt bởi chúng đều được làm bằng các sợi vàng nhỏ 0.1 – 0.35mm, rồi còn được cầu kỳ tạo hoa văn thừng trên các sợi vàng đó. Càng đáng kinh ngạc hơn bởi kỹ thuật kéo sợi vàng hiện nay, cũng mới chỉ đạt tới sự tinh xảo nhất là 0,25mm. Đặc biệt kinh ngạc là kỹ thuật hàn các sợi vàng nhỏ 0,1mm. Đây là kỹ thuật thuộc về đỉnh cao trong chế tác, mà bất cứ nghệ nhân nào, kể cả xưa và nay đều biết đến và mong muốn đạt được để khẳng định vị trí tay nghề của mình”.

Trước thực trạng hết sức bi đát của 4 bảo vật kể trên, Bảo tàng lịch sử Quốc gia quyết định tu sửa, phục hồi. “Chúng ta đã rất may mắn và tự hào khi giữ lại được 4 "vật báu" như thế. Và điều làm tôi bắn khoăn, trăn trở là làm cách nào đưa chúng trở về với cuộc sống, để cả đất nước cùng lại được nhìn ngắm tạo tác kỳ diệu của cha ông ta. Tôi và tập thể lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam - PV) quyết tâm phải phục dựng cho được những vương miện đó", ông Phạm Quốc Quân nhớ lại.

Mũ Tế giao sau khi được phục hồi
Mũ Tế giao sau khi được phục hồi

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc cho biết: “Công việc khảo sát được sự giúp đỡ và giám sát của rất nhiều cán bộ của bảo tàng, nhưng không khí diễn ra im lặng và đầy căng thẳng, bởi ai cũng cho rằng đây là một công việc cực kỳ khó khăn nhưng ái ngại không ai nói ra lời”. 

Có lẽ đây là lần đầu tiên, công tác bảo quản phục hồi hiện vật tại Việt Nam phải đương đầu với tình huống khó khăn đến như vậy. Vậy bằng cách nào, 4 báu vật độc bản vô giá của triều Nguyễn được hồi sinh, xin mời độc giả tiếp tục theo dõi phần 2 của phóng sự.

Theo Dân trí

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng