Thực tế đang diễn ra tại Huế với hàng loạt sách cổ, sách quý hiếm từ các nhà sưu tầm, nghiên cứu uy tín đang được ráo riết tìm mua. Chuyện mua bán chẳng ồn ào nhưng một phần gia tài văn hóa quan trọng của Huế nay đã lặng lẽ rời khỏi Huế.
Nhiều lý do được chủ nhân sách quý đưa ra: thiếu tiền trong khi sách cũ rất được giá, muốn giữ sách phải có phương tiện quá tốn kém, các sách xưa đã được dịch, in mới thì giữ làm gì...
"Tiếc lắm, nhưng còn cách chi để có tiền!"
Tình cờ ghé thăm nhà ông T.N. ở Thành nội Huế, chúng tôi được ông khoe vừa có tiền lợp lại cái mái nhà thấm dột. Ông nói: "Cả thảy hết hơn 15 triệu đồng, tất cả là nhờ bán được sách báo cả đó!". Ông T.N. cho hay ngoài mấy trăm tờ báo ở miền Nam trước năm 1975, thứ ông rất quý nhưng buộc phải bán là nhiều số báo ấn hành ở Huế trước năm 1945 như Tiếng Dân, Tràng An, Thần Kinh Tạp Chí và mấy cuốn sách quý hiếm đầu thế kỷ 20 khác. Ông T.N. hiện có chừng 400 bản tân nhạc của các nhà xuất bản Tinh Hoa, An Phú, Diên Hồng... đã được trả giá 30.000 đồng mỗi bản. Ông nói sẽ "gả bán" nếu có ai trả đến 50.000 đồng. "Tiếc lắm nhưng buộc phải bán vì không cách chi để có tiền cả!" - ông T.N. nói.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà nghiên cứu P.T. - người đang sở hữu tủ sách lớn bậc nhất của Huế. Ông cho biết vừa bán xong một loạt sách xưa được hơn 30 triệu đồng cũng để sửa nhà. Số sách ông P.T. bán gồm các tác phẩm in đầu tiên của những tác giả nổi tiếng gồm: Thiếu quê hương, Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân, Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan, Kỹ nghệ lấy tây và Lục xì của Vũ Trọng Phụng... Tuy nhiên, thứ ông P.T. tiếc hơn cả chính là mấy chục số tạp chí Nam Phong và nhiều loại ấn phẩm quý hiếm như Nông Cổ Mín Ðàm, Phụ Nữ Tân Văn, An Nam Tạp Chí, Tao Ðàn...
"Tủ sách ni là công trình đời người, có tiền cũng không thể mua lại được. Tui suy nghĩ nát óc nhưng không thể không bán vì mình không có tiền, sách lại đang được giá. Mặt khác, cứ nhìn các loại sách cổ sách quý xuống cấp, số thì hư bìa, số mục mủn, rách nhàu... không có cách chi lưu giữ được nữa!" - ông P.T. nói trong sự tiếc nuối.
"Thành phố sách" sẽ hết sách
Nhiều người gọi Huế là "thành phố sách". Nhìn vào lịch sử vùng đất nghèo khó này, điểm nổi bật của Huế, có thể nói, chính là sách vở. Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà bác học của Trường Viễn Ðông Bác Cổ từng từ Hà Nội vào Huế tìm tham khảo những thư tịch cổ về lịch sử và văn hóa. Người ta ví Huế ngang hàng với các trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Sài Gòn thời ấy cũng nhờ sách. Cố đô từng tồn tại nhiều tủ sách gia đình có giá trị chẳng khác thư viện, rất nổi tiếng như tủ sách của cụ Phạm Quỳnh ở tư dinh Hoa Ðường, của học giả Ðào Duy Anh, Ðào Ðăng Vỹ, Phan Văn Dật, của nhà Huế học tiên khởi L.Cadière và của nhiều tu viện Thiên Chúa giáo và các cơ sở Phật giáo... Trải qua thiên biến lịch sử, chiến tranh, lụt lội và mưa ẩm, nhiều người dân Huế vẫn kiên trì bảo vệ sách. Ðến hôm nay, những tủ sách lớn đã không còn nhiều, các loại sách quý cứ hỏng dần, mất dần. Và bây giờ thì đang bị bán đi...
Cuối năm 2012, bác sĩ B. ở Mỹ đã về Huế để mua bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục bằng giấy bổi do Quốc sử quán triều Nguyễn ấn hành thế kỷ 19 của nhà nghiên cứu Ð.N.. Mấy chục tập thơ văn của vua và hai bộ sử liệu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu A.T. cũng được bán cho bác sĩ B.. Nhà nghiên cứu P.T. tiết lộ đã bán cho bác sĩ B. trọn bộ tạp chí B.A.V.H. và rất nhiều sách người nước ngoài viết về Việt Nam xuất bản vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bác sĩ B. đã chuyển toàn bộ số sách quý mua được về nhà riêng ở Mỹ.
Nếu các thư viện biết "làm giàu"...
Trước tình trạng người Huế bán sách, nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý nói nên thấu hiểu để thông cảm. Ông lý giải tâm lý nhiều người không chỉ ngại thời tiết mưa ẩm của Huế làm sách dễ hỏng, mà còn vì hầu hết sách cũ đều đã được dịch và đưa lên Internet, cho nên những cuốn sách cổ quý không còn hữu dụng nữa, chủ yếu chỉ còn giá trị hiện vật (cổ vật). Thế hệ tiếp theo lại không thấy quan tâm trong khi những nhà sưu tầm, nghiên cứu tuổi đã già, tuổi sưu tầm còn rất ngắn và thấy rõ không thể sống lâu với sưu tập của mình nữa.
"Mà họ cũng phải sống nữa chứ. Theo tôi, các cơ quan chức năng như Trung tâm học liệu Ðại học Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế và các thư viện đại học... nên nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cách mua những tác phẩm cổ kính ấy. Tình hình nghiên cứu khoa học trong các đại học đang đi xuống ở mức hết sức thấp. Nếu đại học đẩy mạnh nghiên cứu thì nhất định những người nghiên cứu sẽ tìm tới các tủ sách này ngay" - nhà nghiên cứu Bửu Ý nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan - chủ một thư viện gia đình lớn ở Huế - cho biết nhiều lần ông được "gạ" bán các loại sách cổ quý vốn rất nhiều trong tủ sách hơn 10.000 cuốn của gia đình. Nhưng ông nhất quyết không bán để giữ tủ sách trọn vẹn, mở cửa cho những ai có nhu cầu đến đọc. Ông chua xót: "Sách quý bị bán đi, cổ vật bị "chảy máu", giá trị văn hóa mai một, kể cả người tài cũng rời bỏ... Với cái đà này tôi e rằng một thời gian nữa thôi Huế sẽ trở nên rỗng tuếch. Các nơi khác nếu giá trị văn hóa mai một còn có nhiều thứ khác để phát triển. Với một thành phố như Huế mà văn hóa còn rỗng tuếch thì lấy chi để phát triển?".
Nhưng sách quý không chỉ "chảy ra" khỏi Huế...
Theo Thái Lộc (Tuổi trẻ)