Chuyện Cố đô
Đầu năm Ngọ, nói chuyện ngựa chốn Cố đô
09:17 | 10/02/2014

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, tiếng lóc cóc của vó ngựa một thời trong hoàng thành Huế đã đi vào quên lãng. Có lẽ vậy, nên khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) đầu tư, tái hiện lại hình ảnh xe ngựa nhân dịp Festival Huế 2010 để phục vụ khách du lịch, thì tất cả chuyện ngày xưa như chợt tràn về dưới từng cung điện, góc thành rêu phong của cố đô xưa. 

Đầu năm Ngọ, nói chuyện ngựa chốn Cố đô
Cửu đỉnh trong Đại Nội (Huế)
Dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), việc diễn tập cho ngựa làm quen với môi trường chiến đấu, trang sức cho ngựa, vật liệu nuôi ngựa rất được coi trọng. Đối với việc diễn tập cho ngựa được miêu tả: cứ 3 ngày một lần diễn tập cưỡi ngựa, theo cách chạy nước tiểu, nước trung, nước đại; 10 ngày một lần diễn tập chạy ngựa, múa gươm và ném mũi dao, mũi giáo; một tháng một lần tập bắn súng ngắn và các trận pháp… Đối với trang sức cho ngựa: Yên ngựa đều bao bọc và trang sức bằng vàng, khắc rồng mây và ngọn lửa bốc cháy; chỗ vành cổ yên và chân yên đều trang sức bằng vàng bạc và nạm hột pha lê. Dây đằng trước bọc tơ lông màu vàng, trong ruột bằng vải vàng; roi ngựa nạm vàng… Đối với vật liệu dùng để nuôi ngựa, năm Minh Mạng thứ 2 (1821) được chuẩn: xe vua đi tuần Bắc thì ngựa công đi theo có 70 con, trong đó có 2 con ngự mã (ngựa dành cho vua), mỗi con đóng ban ngày là một khiêng cỏ, đóng ban đêm một khiêng rưỡi cỏ, đều tính kỳ mà chuẩn bị cho đúng số…
 
 
Xe ngựa chở du khách được tái hiện trong hoàng thành Huế
 
Anh Lê Đắc Quảng - người đánh xe ngựa chở khách du lịch trong hoàng thành Huế cho biết: Anh đã có nhiều năm đánh xe ngựa chở khách du lịch ở thành phố Đắk Lắk, sau này do hoàn cảnh gia đình nên anh về đầu quân cho khách sạn Hương Giang (Huế). Năm 2010, khi TTBTDTCĐ Huế muốn tái hiện hình ảnh xe ngựa để phục vụ khách du lịch, anh đã ký hợp đồng và trở thành người đánh xe ngựa cho đến nay. 
 
Theo chân người đánh xe ngựa, tôi mua vé cho một vòng tham quan. Ngồi trên xe ngựa quan sát hai bên đường, cảm giác được đung đưa theo tiếng vó ngựa lóc cóc lúc nhanh, lúc chậm gõ đều trên nền gạch Bát Tràng làm cho ta như mơ thấy hình bóng của tiền nhân. Xe ngựa, người đánh xe, những bức tường rêu phong, cũ kĩ với thời gian như tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của kinh thành Huế.
 
 
Ngựa nhởn nhơ gặm cỏ sau một ngày kéo xe
 
 Đang mơ màng với "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” bỗng người đánh xe ngựa hỏi: Không biết ngày xưa nhà vua có phép tắc nuôi ngựa không nhỉ? Trong cuốn "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có viết, Minh Mạng năm thứ 15 (1834), ban sắc cho bộ tư đi các địa phương, phàm có ngựa bị chết, chuẩn bị mỗi năm chia làm hai kỳ, lấy tháng 2, tháng 8 làm hạn, mỗi kỳ đem hết số ngựa bị chết tâu lên nhà vua; về chương trình nuôi ngựa nếu ngựa bị gầy yếu, ốm đau mà chết, do nuôi nấng không đúng phép mới đến nỗi thế, thì người chăn nuôi chiếu lệ ngựa bị chết một con, phạt 60 trượng và theo giá bắt bồi thường. Riêng việc nuôi ngựa ở viện Thượng tứ năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) ghi rõ, thống kê trong một năm, trong đội có ngựa chết một con thì người chăn ngựa bị phạt 50 roi; đội trưởng bị giáng một bậc và bị phạt 40 roi;… 
 
Trò chuyện về vấn đề ngựa ở cố đô, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, cho biết: Việc đưa xe ngựa vào trong các hoạt động du lịch được người dân xứ Huế ủng hộ, vì nó đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đây là một hoạt động mang tính quảng bá, giới thiệu để du khách hiểu hơn những giá trị di sản mà Huế đang nắm giữ.
 
Theo đaioanket.vn
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng