Chuyện Cố đô
Khu du lịch sinh thái từ nhà tù Chín Hầm
16:10 | 19/03/2014

Khu di tích lịch sử Chín Hầm nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 6km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai thuộc phường An Tây. Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra khu vực này chỉ có 8 hầm và 1 căn nhà lính gác trên đỉnh đồi. Đây vốn là kho vật liệu, vũ khí do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941 bằng bê tông cốt sắt.

Khu du lịch sinh thái từ nhà tù Chín Hầm

Năm 1945, sau khi đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, phát xít Nhật lấy toàn bộ vũ khí, khu Chín Hầm bị bỏ trống. Thực hiện chính sách bạo tàn của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn đã biến Chín Hầm thành những chuồng cọp giam giữ các chiến sĩ cách mạng, những người tham gia phong trào yêu nước…

Nhà ngục Chín Hầm gắn liền với những tội ác man rợ mà gia đình họ Ngô đã gây ra đối với đồng bào ta. Các hầm được Ngô Đình Cẩn cải tạo thành những khối bê tông hình chữ nhật nửa chìm, nửa nổi. Trong đó, hầm thứ 7 được coi là khắc nghiệt nhất trong hệ thống hầm ngục. Ngô Đình Cẩn cho cải tạo thành những xà lim kiểu chuồng cọp vừa 1 người với nhiều thủ đoạn dã man khác.

Cựu tù Côn Đảo Nguyễn Văn Thành hiện sống tại Hà Nội khi đến khu di tích lịch sử Chín Hầm đã thốt lên: “Bản thân tôi đã đối mặt với kẻ thù gần 11 năm ở các địa ngục: Bạch Đằng 3 - Chí Hòa rồi chuồng cọp, hầm đá Côn Đảo nhưng tôi phải rùng mình trước sự tàn bạo cùng cực của kẻ thù đối với đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi ở khu biệt giam Chín Hầm này”.

Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại nhà tù Chín Hầm, cũng là để ghi dấu tội ác của kẻ thù, năm 1993, Chín Hầm được tôn vinh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Chín Hầm mang dấu ấn khắc ghi một thời đau thương, mất mát nhưng đầy anh dũng kiên cường của dân tộc ta. Khép lại quá khứ, “địa ngục trần gian” ngày nào đang trở thành một địa chỉ du lịch đặc biệt tại Huế với một màu xanh du lịch sinh thái. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao cho Công ty Du lịch Hương Giang làm chủ đầu tư dự án, xây dựng Chín Hầm trở thành khu du lịch sinh thái, tham quan di tích quốc gia.

Theo đó, các hạng mục của dự án như tượng đài bất khuất, bức phù điêu dưới chân tượng đài, sân hành lễ, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp... tại khu vực di tích Chín Hầm đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Tiếp đó, Công ty Du lịch Hương Giang tiến hành phủ xanh khu vực di tích Chín Hầm bằng các loại cây ngô đồng, thông, sim, sến, hoàng hậu, tùng bút... Những loại cây này được trồng phân bổ hợp lý để tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình hài hòa với cảnh sắc hùng vĩ vùng đồi núi Thiên Thai.

 Nguồn SGGP

Các bài mới
Các bài đã đăng