Không nằm trong khu lăng mộ chuyên dành cho các vị thái giám, ngôi mộ của một thái giám họ Phạm được người dân thờ phụng, tôn làm thành hoàng với nhiều bí ẩn chưa lý giải.
Ngôi mộ quy tụ ba linh hồn cả người và vật còn là bài học cho hậu thế về sự trung thành hiếm có.
Mộ thái giám lưu lạc đất Bình Thuận
Mộ “thần” thái giám toạ lạc ngay bên đường làng thôn Sơn Thuỷ (Khu phố 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Khác lạ với lăng mộ bình thường, bên trong ngoài khu thờ chủ nhân, còn có ngôi mộ nhỏ mang tên “ông Đậu cửa” (người dắt ngựa) và mả thờ con ngựa trắng bằng xi măng trang trí bắt mắt.
Mộ được lập từ năm 1924, trước kia đắp bằng đất và vỏ cây, về sau những hậu duệ của vị quan thái giám lần tìm ra tung tích mới xây cất khang trang như bây giờ.
Theo người địa phương, vị thái giám trong mộ quê ở Thừa Thiên - Huế, là quan phục vụ dưới triều vua Gia Long. Trong một trận đánh, vị quan thái giám sau khi thắng trận ở thôn Thuận Mỹ (nay thuộc thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc) bèn ngồi nghỉ mát bên gốc cây me. Bất ngờ ông bị quân mai phục bắn tên trọng thương.
Con bạch mã đã mang xác chủ nhân lội qua sông. Trên đường đi, đầu quan thái giám rơi xuống làng Thuận An, còn phần thân vẫn nằm trên yên ngựa ở làng Thuận Mỹ. Sau khi biết chuyện, dân làng tìm lại đầy đủ thân xác vị quan, đem mai táng theo nghi lễ.
Một truyền thuyết khác lại kể, vị quan thái giám hy sinh trong hoàn cảnh hộ tống vua Gia Long chạy trốn khỏi sự truy sát của quân Tây Sơn, đã tuẫn tiết giữ chân “đội quân thần tốc”.
Ông Võ Minh Nhật (67 tuổi), người chuyên chăm lo việc thờ tự tại đây khá rành về giai thoại lịch sử này. Ông Nhật cho rằng thời ấy vua Gia Long cùng hai vị tướng hộ giá chạy trước. Quan thái giám đem quân bọc hậu. Khi giáp mặt quân Tây Sơn ở địa phận thị trấn Phú Long hiện nay, quan thái giám bị trọng thương sau đó tử vong.
Ông Nhật nói: “Vua Gia Long trong quá trình chạy loạn có ghé qua vùng đất gần miếu trú ẩn. Nhà vua từng nghỉ lại chùa Bửu Sơn bốn ngày, sau khi rời đi có tặng chùa mấy chữ “ngự tứ Bửu Sơn” đến nay vẫn còn được lưu giữ”.
Theo giai thoại trên, sau khi bị trúng tên tử nạn, vị quan được ngựa trắng chở về đến thôn Sơn Thuỷ thì con ngựa quỵ ngã vì kiệt sức. Dân làng đem thi thể an táng chu đáo. Lúc bấy giờ còn có ông già dắt ngựa đưa thi thể về, cũng tuẫn tiết chết theo chủ nhân (người đang an nghỉ dưới phần mộ mang tên “Ông Đậu cửa” trong khuôn viên mộ hiện nay).
Về phần con bạch mã, cứ quanh quẩn bên mộ chủ nhân chứ không chịu bỏ đi. Một thời gian sau con ngựa nhịn ăn cho đến chết, cũng được dân làng chôn cất trên cùng khoảng đất.
Điểm độc đáo của di tích này, như lời người dân thôn Sơn Thuỷ là “độc nhất vô nhị” bởi: “Ít nơi nào có mộ thờ thái giám, vả lại ngôi mộ thờ đến ba linh hồn gồm cả người và vật”.
“Trước kia khu lăng mộ rộng lớn, là cả khu dinh thờ với trống kèn đầy đủ. Về sau do chiến tranh tàn phá nên bị hủy hoại nhiều, rồi được xây lại nhỏ hơn như bây giờ”, ông Nhật hồi tưởng.
Đi tìm lai lịch viên quan thái giám được phong thần
Để tưởng nhớ công lao hộ giá, tinh thần chiến đấu bất khuất của viên quan, dân làng thôn Sơn Thuỷ đã phong ông là thần thái giám. Không những vậy, vị quan này còn được tôn là thần hoàng bổn cảnh, tức người có công tạo lập nên làng mạc.
Và không chỉ riêng thôn Sơn Thuỷ, một số đình miếu ở những làng xung quanh đều thờ thần thái giám là thần hoàng.
Ngày 12.2 âm lịch hằng năm được lấy làm ngày giỗ làng, cũng là giỗ thần thái giám. “Trước đây việc cử hành lễ tế do dân làng đứng ra lo liệu. Mấy năm gần đây, con cháu của ông quan đảm nhận”, ông Nhật cho biết.
Trở lại lai lịch vị quan thái giám, ông Phạm Dự (75 tuổi, sống trên đường Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết, nguyên quán tỉnh Thừa Thiên - Huế), người nhận quan thái giám là cụ tổ cho biết từng tra cứu trong gia phả dòng tộc, thấy có ghi chép mấy dòng: Quan thái giám chết và chôn tại đất Bình Thuận. Thế là ông cùng họ hàng cất công đi tìm nơi an nghỉ của người thân.
Ông xuống xe ở huyện Tuy Phong (giáp Ninh Thuận) và bắt đầu tìm khắp các nghĩa trang nhưng không có mộ phần nào đề tên quan thái giám. Tiếp đó, ông Dự cùng người thân đến TP. Phan Thiết tìm kiếm ròng rã nhiều ngày liền.
Cuối cùng, những người họ Phạm tìm gặp được ngôi mộ mang nhiều đặc điểm trùng hợp những lời mô tả trong gia phả như trên bia ghi dòng chữ: “Phạm Thái Giám”.
Ngoài ra trong khu lăng mộ có thêm mộ người hầu và con ngựa trắng. Riêng tên thật quan thái giám, bậc hậu duệ như ông Dự cũng không biết. Ông giải thích người xưa kiêng cữ gọi và viết tên thật, nhất là người phục vụ trong cung đình.
Bậc hậu bối của viên quan xác nhận, trước khi dòng tộc mình tiếp quản, khu lăng mộ được một gia đình sống ở địa phương trông nom đến đời thứ ba.
Khi đến nhận lại mộ, người dân bản địa chấp nhận với những bằng cứ xác thực là cuốn gia phả họ Phạm, nhưng ra điều kiện không được dời lăng mộ đi chỗ khác. Họ cho rằng khu lăng mộ toạ lạc ở chỗ “đất thiêng”, nếu di dời có thể “gây tai hoạ cho xóm làng”.
Trong hành trình tìm kiếm mộ phần người thân, ông Dự cho biết điều kì lạ rằng gần 20 năm về trước, ông cố của mình tên là Phạm Lự đang sống ở Thừa Thiên - Huế đột nhiên “trở chứng” đón xe vào tận đất Bình Thuận tìm mộ quan thần thái giám.
Bậc tiền bối này khi phát hiện mộ thần thái giám ở phường Phú Hài đã trải chiếu nằm khấn nguyện ba ngày ba đêm rằng nếu đúng mồ mả tổ tiên, xin người an nghỉ bên dưới hiển linh báo mộng cho con cháu biết. Hồi đó, xung quanh mộ cây cối um tùm, rắn rết nhiều vô kể nhưng ông Lự không hề bị bệnh tật hay côn trùng tấn công.
Như vậy, cho đến nay người ta chỉ biết rằng vị quan thái giám an nghỉ trong khu lăng mộ “độc nhất vô nhị” là một người mang họ Phạm, gốc gác tận tỉnh Thừa Thiên Huế. Và như vậy xung quanh khu lăng mộ này vẫn còn những bí ẩn chưa lời giải.
Nguồn PLO