Chuyện Cố đô
'Bảo tàng biển đảo' của nhà nghiên cứu Huế
08:53 | 12/12/2014

Từng hiến tặng hai tờ châu bản liên quan đến Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao, mới đây ông lại công bố một chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, là hình ảnh biển Đông và các đảo được chạm nổi trên Cửu Đỉnh từ thời vua Minh Mạng.

'Bảo tàng biển đảo' của nhà nghiên cứu Huế
Ông An giới thiệu về hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh.

Trong ngôi nhà vườn tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh (thành phố Huế), ngoài bộ sách Đại Nam thực lục có ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 1630, nhà nghiên cứu Phan Thuận An còn lưu giữ bản scan của hai châu bản liên quan đến Hoàng Sa mà ông đã hiến tặng cho Bộ Ngoại giao năm 2009 cùng nhiều hình ảnh về Cửu Đỉnh chụp từ thời phong kiến đến nay.

Cẩn thận lấy trong tủ sách ra hai tờ châu bản có chữ ký đỏ từ triều Nguyễn để lại, ông An cho biết đây là một trong số 70 văn bản có bút phê, chữ ký của vua Bảo Đại còn được cất giữ cẩn thận ở phủ thờ Ngọc Sơn công chúa (nơi gia đình ông đang sống) và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

Trên cả hai châu bản cỡ 21,5x31 cm được đánh máy bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đều có chữ ký của vua Bảo Đại năm 1939. Bên lề trái của văn bản, ngoài dấu của Ngự tiền Văn phòng (văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua) bằng chữ Hán, nhà vua có phê chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ BĐ (tức là Bảo Đại).

Hình thức văn bản tương đối ngắn gọn. Một châu bản bằng tiếng Việt có nội dung khen thưởng cho đội lính Khố xanh có công dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong việc “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”; một châu bản gồm 2 văn bản (một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Pháp) tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, giữ chức Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa khi ông này vừa qua đời ở Huế. Dưới thời Pháp thuộc, ở Việt Nam, lính được tuyển dụng để lo bảo vệ an ninh ở từng tỉnh sở tại được xếp vào ngạch lính khố xanh, mỗi đơn vị lính này đều do người Pháp quản lý và chỉ huy.


Châu bản được vua Bảo Đại chuẩn y ngày 15/12/1939 về việc truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan.

“Tờ châu bản quý ở chỗ đó là bản gốc, chưa qua sao chép. Đặc biệt nội dung của tờ châu bản đã khẳng định rằng, cho đến trước khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Việt Nam bấy giờ đang dưới sự bảo hộ của Pháp”, ông An nói.

Ngày 10/7 vừa qua, ông An là người đầu tiên phát hiện và công bố thêm một tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông. Đó là hình ảnh biển Đông trên Cửu Đỉnh (bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm chín cái đỉnh được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn), hiện còn được bảo lưu tại Hoàng cung triều Nguyễn.

Ông An nói: “Mới đây khi nghe và đọc nhiều thông tin dồn dập về chủ quyền của biển Đông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi chợt nhớ rằng hình ảnh và tên gọi của biển Đông đã được khắc ghi trên Cửu Đỉnh từ những thập niên đầu thế kỷ 19”.

Trên Cửu Đỉnh là 153 hình ảnh được chạm khắc tinh vi xung quanh hông các đỉnh thể hiện khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của tổ quốc, bao gồm: núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền...

Đáng chú ý nhất là hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao Đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương Đỉnh (Thiệu Trị) là ba cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho ba ông vua đầu tiên của triều đại.


Cận cảnh Đông Hải trên Cửu Đỉnh.

Trong đó, biển Tây là vùng biển nằm ở phía tây của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan. Biển Nam là phần lãnh hải nằm ở phía Nam của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Riêng hải phận của biển Đông rộng lớn hơn nhiều so với hai biển kia. "Điều này cho thấy các hải phận của Việt Nam đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt", ông An nhận xét.

Dù đã bước sang tuổi thất thập, nhưng khi nói về chủ quyền biển đảo, nhà nghiên cứu Phan Thuận An rất say sưa. "Tôi muốn góp sức mình bằng nghiệp vụ chuyên môn, đó là tìm tòi, nghiên cứu tài liệu bổ sung vào chứng cứ lịch sử để tranh đấu tranh ngoại giao về vấn đề biển đảo", ông chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An sinh năm 1940 tại Thừa Thiên - Huế. Năm 1966, ông tốt nghiệp ĐH Văn khoa Huế khoa Sử. Sau đó ông học tiếp và tốt nghiệp Cao học Sử năm 1972 tại ĐH Sài Gòn và về giảng dạy tại Quốc học Huế rồi chuyển sang làm việc ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho đến khi về hưu năm 2004.

 

Bài, ảnh: Văn Nguyễn (VnExpress

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng