Chuyện Cố đô
Miền Trung những ngày sôi sục
09:08 | 08/01/2015

Nhiều cuộc xuống đường biểu tình, đốt xe Mỹ của học sinh, sinh viên Huế, Đà Nẵng... những năm chiến tranh khiến kẻ địch khiếp sợ.

Miền Trung những ngày sôi sục
Trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế - nơi từng xuất phát những cuộc đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên những năm trước 1975.Ảnh: Quang Nhật

Trụ sở Thành đoàn Huế trên đường Trương Định những ngày đầu tháng 1 này tràn ngập không khí hối hả để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên (HS-SV) Huế những năm trước 1975. Đây vốn là trụ sở của Tổng hội SV Huế - nơi xuất phát các cuộc đấu tranh của thanh niên, HS-SV cố đô trong những năm sục sôi chống Mỹ.

Ngòi pháo xung kích

Ông Trần Hoài, nguyên Chủ tịch Ủy ban Phối hợp HS-SV Huế tranh đấu những năm 1970-1972, cho rằng phong trào đấu tranh của HS-SV Huế có vai trò nòng cốt, ngòi pháo xung kích của phong trào đấu tranh đô thị diễn ra từ những năm 1954-1975.

Theo ông Hoài, Tổng hội SV Huế lúc đó tổ chức thành nhiều ban để tuyên truyền, xung kích và đấu tranh trên nhiều mặt trận. Ông Hoài tham gia Đội SV quyết tử gồm 3 đoàn, với khoảng 500 đoàn viên hoạt động ở Huế và chi viện cho nhiều địa phương khác tại miền Trung.

Bà Lê Thị Nhân, vợ ông Trần Hoài, cũng tham gia tích cực phong trào HS-SV Huế khi đang là học sinh Trường Nguyễn Du. Nhiều lần, bà cùng anh em rảo quanh TP Huế bằng xe máy để tìm đốt xe Mỹ. Một lần, khi cùng SV Nguyễn Hữu Anh Tài đi ngang chợ Đông Ba, phát hiện một xe Jeep Mỹ đang đậu ven đường, nhanh như chớp, bà Nhân lấy 2 trái bom xăng mang theo châm lửa ném vào. Lính ngụy nhanh chóng bố ráp các ngã đường. Anh Tài kịp lên xe bỏ chạy, còn bà Nhân phải nhờ sự che chở của tiểu thương chợ Đông Ba mới thoát được.

PGS-TS Bửu Nam, hiện công tác tại Trường ĐH Sư phạm Huế, nhớ lại những lần bị truy đuổi và được các tiểu thương che chở. Lúc ngồi giữa đường trước chợ Đông Ba tuyệt thực phản đối chế độ, HS-SV đều được các chị, các mẹ tiếp nước cầm hơi.

Ngày 8-5-1970, tại Đại hội HS-SV Huế kỳ 1, SV thông qua tối hậu thư gửi Tổng trưởng Giáo dục và Thanh niên chính quyền Sài Gòn, yêu cầu can thiệp để mở cửa ngay các trường học công, tư thục Sài Gòn. 50 HS được cử đến gặp Tỉnh trưởng Thừa Thiên để nhờ chuyển tối hậu thư vào Sài Gòn nhưng bị cảnh sát chặn ngay từ lúc khởi hành ở Trường ĐH Sư phạm.

Lập tức, toàn thể SV-HS tham dự đại hội kéo nhau ra ngồi giữa đường để đòi cho những người đại diện được đi. Cảnh sát buộc phải nhượng bộ, chuyển tối hậu thư lên cấp trên.

Một ngày sau, SV-HS Huế chiếm đóng cầu Bạch Hổ qua sông Hương. Biểu ngữ “Chúng tôi đi dự đại hội SV-HS” tràn ra các ngả đường.

Ngày 1-7-1970, Đại hội SV toàn miền Nam tổ chức tại Huế với sự tham gia của đại diện đến từ Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng… Đại hội đã quyết nghị phát động đợt đấu tranh phản đối đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đòi Mỹ rút quân, chống “Luật Chương trình”, đòi áo cơm, quyền dân tộc tự quyết, đòi hủy bỏ chương trình huấn luyện quân sự học đường.

Ngay sau đại hội, hàng vạn SV-HS và người dân Huế xuống đường chiếm lĩnh cầu Trường Tiền. Các khẩu hiệu “Mỹ cút về nước”,  “Đả đảo chế độ cảnh sát trị”… được viết to lên mặt đường. SV-HS kéo đến Trường ĐH Sư phạm Huế châm lửa thiêu rụi toàn bộ hồ sơ quân sự học đường. Bị lực lượng cảnh sát đàn áp, SV-HS đánh trả bằng gạch, đá, gậy gộc khiến tên cảnh sát trưởng bị thương, tháo chạy thục mạng.

Đàn áp, bắt bớ

Ngày 30-8-1970, với vai trò Chủ tịch Ủy ban Phối hợp HS-SV Huế vào Sài Gòn dự Đại hội HS-SV toàn miền Nam lần thứ 4, ông Trần Hoài bị chính quyền bắt cùng 117 người khác. Sau đó, lần lượt từng người được thả ra, còn ông Trần Hoài cùng ông Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn HS Sài Gòn và ông Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng hội SV Sài Gòn, bị đưa về giam tại trại Chí Hòa. Họ chỉ được thả sau khi các giáo sư, HS-SV toàn miền Nam đấu tranh dữ dội.

Ông Lương Thanh Liêm, nguyên Tổng Thư ký Tổng đoàn HS Đà Nẵng thời kỳ 1970-1975, nhớ lại: “Tháng 7-1971, Tổng đoàn HS Đà Nẵng được thành lập và tổ chức khá thành công một số hoạt động như cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh, đêm văn nghệ “Từ trong lòng đồng bào - ta lớn dậy”, thăm cô nhi viện... ; qua đó vận động thanh thiếu niên, SV-HS tham gia các phong trào. Cao trào là những cuộc xuống đường biểu tình chống tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, dùng bom xăng tự tạo lùng tìm đốt xe Mỹ giữa lòng TP Đà Nẵng...”.

Ông Liêm vẫn nhớ như in hình ảnh các anh chị là con em Quảng Nam - Đà Nẵng, “lãnh tụ” SV các trường thuộc Viện Đại học Huế lúc đó. Từ Huế, họ về Đà Nẵng bí mật gặp gỡ các thành viên nòng cốt như Đặng Thanh Tịnh, Đỗ Pháp, Trần Phú Quý, Nguyễn Công Khế... để góp ý, bàn bạc việc phối hợp hành động.

“Nữ SV sư phạm Hoàng Thị Ngọc Toán, con nhà “tư sản” Hoàng Hữu Kiên - nhà bảo trợ cho Tổng đoàn HS Đà Nẵng - “bảo lãnh” cho tôi thay mặt Tổng đoàn “mượn” 5.000 đồng (tương đương 10 lượng vàng) của người cha để lo tổ chức đêm văn nghệ “Từ trong lòng đồng bào - ta lớn dậy” giữa năm 1971. Chị Toán sau đó phải bù vào 20 đồng cho khoản thâm hụt do chúng tôi chi quá tay” - ông Liêm kể.

Nhận được điện văn của Tổng hội SV Sài Gòn đề nghị cùng phối hợp hành động, ngày 28-3-1970, Hội đồng Đại diện SV Huế ra tuyên cáo nghiêm khắc lên án chính quyền Sài Gòn đàn áp SV-HS. Lễ ra mắt của Hội đồng Đại diện SV Huế nhanh chóng biến thành cuộc hội thảo sôi nổi, đưa ra quyết định tạm thời bãi khóa 2 ngày.

Sau 2 ngày đó, Ủy ban Tranh đấu SV-HS Huế quyết định bãi khóa thêm 1 tuần. Tiếp theo là cuộc xuống đường rầm rộ của SV-HS Huế, lôi cuốn rất đông đồng bào tham gia, cực lực lên án chính quyền Sài Gòn đồng lõa với bọn Lon Nol, Sirik Matak giết hại hàng trăm Việt kiều tại Campuchia...  

Tiếng hát đòi hòa bình cất cao

Ngày 15-4-1970, Đại hội SV-HS Huế kỳ II khai mạc. Cuộc tuyệt thực 24 giờ rồi “Đêm Hùng Vương”, “Đêm cốt nhục” được tổ chức. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tham gia và thực hiện chương trình “Hát cho hòa bình”. Trong ánh đuốc bập bùng, tiếng hát đòi hòa bình cất cao, vang xa. Tiếp đó là cuộc tuyệt thực 48 giờ để phản đối chính quyền Sài Gòn đưa ông Huỳnh Tấn Mẫm và 40 SV-HS khác ra Tòa án Quân sự mặt trận.

Theo nld.com.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng