Chuyện Cố đô
Công viên xứ Huế dọc đôi bờ sông Hương
08:47 | 12/03/2015

Sông Hương đẹp đến ngỡ ngàng. Sông Hương mang đến cho Huế một nét đặc trưng chẳng nơi nào có được. Độc đáo hơn, dọc hai bên bờ sông là một chuỗi công viên xanh ngát cỏ, cây.

Công viên xứ Huế dọc đôi bờ sông Hương
Hội hoa xuân ở Công viên Thương Bạc ( nguồn internet)

Theo Khoản 23, Điều 3, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13: Công viên thuộc công trình hạ tầng xã hội. Công viên là khu vực được trồng cây xanh, thảm cỏ tạo cảnh quan cho thành phố, một nơi vui chơi, giải trí đại chúng, các hoạt động văn hóa, hưởng thụ. Bảo đảm mọi người có thể tìm được không gian trong đó cho mình, tính yên tĩnh, thư giãn của cá nhân.

Đi từ thượng nguồn về, ta bắt gặp bên bở Bắc công viên dọc theo đường Kim Long vừa mới được hình thành sau khi có dự án giải tỏa các hộ dân dọc theo bờ sông Hương và nâng cấp mở rộng đường Kim Long.

Qua khỏi cầu Dã viên cho đến cầu Phú Xuân là công viên dọc theo đường Lê Duẫn, đây là công viên được hình thành từ lâu, việc giải tỏa các hộ dân ở Bến Me là một thành công lớn trong việc quản lý đô thị thành phố Huế.

Công viên Thương Bạc bắt đầu từ cầu Phú Xuân đến cầu Tràng Tiền, dọc theo đường Trần Hưng Đạo, đây là công viên nằm sát con đường buôn bán thuộc loại sầm uất nhất của Huế, có Tiểu đình Thương Bạc được xây dựng năm 1936, cũng là nơi hàng năm thành phố Huế tổ chức Hội hoa xuân rất thành công, là điểm đến thú vị cho người dân Huế và du khách.

Công viên Gia Hội được xây dựng cùng với đường Trịnh Công Sơn trong những năm gần đây, tạo được bộ mặt văn minh nơi đô hội. Công viên này có góc nhìn sang Đập Đá và Cồn Hến rất đẹp, nhất là buổi hoàng hôn có khói lam chiều lãng đãng.

Phía bờ Nam có Công viên và cụm công trình dịch vụ ở đầu cầu Dã Viên đang được xây dựng. Cồn Dã Viên có nhiều cây xanh và hoa màu của người dân canh tác. Từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến Cầu Phú Xuân là công viên dọc theo đường Lê Lợi, tại đây có Bia Quốc học Huế được xây dựng năm 1920. Tiếp đó là công viên Tứ Tượng, vườn hoa Phan Bội Châu và công viên trước mặt Trường Đại học sư phạm Huế.

Trong những năm gần đây, thành phố Huế đã chỉnh trang và nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị, đạt được nhiều thành công lớn. Với công viên xứ Huế dọc đôi bờ sông Hương, tôi đề xuất một số kiến nghị sau:

     1. Xây dựng biển tên cho công viên:

     Cho đến bây giờ, các công viên dọc hai bờ sông Hương vẫn chưa có biển tên, sự cần thiết của biển tên công viên ngoài địa chỉ tìm kiếm còn có chức năng gợi mở nét văn hóa tên mà công viên được mang. Công trình biển tên công viên cần xây dựng hài hòa với công viên, đặt ở chỗ dễ nhìn thấy, tiện tìm kiếm, công trình này có thể tổ chức một cuộc thi để tìm ra đồ án tốt nhất.

     2. Điều chỉnh tượng trong công viên:

     Thành phố Huế đã rất thành công trong việc dựng tượng cụ Phan Bội Châu tại vườn hoa ở đầu cầu Tràng Tiền và tượng Cô gái Việt Nam ở công viên Lê Lợi. Ngoài ra, các công trình trong công viên như hồ nước, non bộ, đài rồng phun nước, đỉnh, vạc.... đều rất phù hợp với cảnh quang bờ sông.


Một công trình rất hài hòa với cảnh sắc Huế ( nguồn internet)

     Tuy nhiên, qua các kỳ Festival trước đây, trại điêu khắc quốc tế đã dựng trong các công viên dọc hai bên bờ sông Hương rất nhiều tượng, mật độ khá dày đặc, chất lượng nghệ thuật còn nhiều bàn cãi, sự phù hợp với cảnh quang, với văn hóa Huế, với con người Huế cần cẩn trọng xem xét lại. Tôi thiết nghĩ cơ quan quản lý cần có phương án điều chỉnh tượng, với mục đích mang lại nét hài hòa nhất cho công viên Huế.


Một tượng của Trại điêu khắc quốc tế trong công viên

     3. Nâng cấp và xây dựng lại bến Me:

     Bến Me là một bến sông như bao bến sông khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế, hiện tại bến này đã bị hư hỏng, sụt lún... Huế cần nâng cấp, xây dựng lại nhằm đáp ứng mỹ quan đô thị, cần thiết đặt biển cảnh báo cho những người tắm sông vào mùa hè.

     4. Xây dựng đường hoa Thương Bạc:


Bản đồ công viên Thương Bạc Huế ( nguồn internet)

     Công viên Thương Bạc hàng năm vào dịp tết thành phố Huế tổ chức rất thành công Hội hoa xuân, người dân đến thưởng ngoạn đều rất hài lòng và khen ngợi. Công viên hoa xuân hòa quyện với thiên nhiên cây cỏ, với cảnh sắc sông Hương, với các công trình như Tiểu đình Thương Bạc, hồ nước, non bộ.... và các công trình được xây dựng trong dịp tết đã tạo nên một không gian thấm đẫm tính Huế, tô điểm cho Huế một chiếc áo dài thướt tha bên dòng sông thơ. Như ta đã biết, thành phồ Hồ Chí Minh có đường hoa Nguyễn Huệ, Đà Nẵng có đường hoa Bạch Đằng, Huế phải có đường hoa Thương Bạc, một dấu ấn riêng cho Huế.

     Nhìn sang thành phố Đà Nẵng, Công viên 29-3 trước đây có một hệ thống hàng rào thép rất cao và hiện đã được tháo dỡ. Thực tế hàng rào ở công viên Thương Bạc không còn tồn tại chức năng bảo vệ. Hàng rào ngăn cách làm cho không gian đô thị chật chội, thiếu thoáng đãng. Nên phá dỡ hàng rào thép kiên cố và thay bằng hàng rào xanh, mang tính ước lệ, tạo cảm giác thông thoáng, gần gũi, thân thiện, người dân dễ dàng tiếp cận sử dụng, phù hợp với tính chất và công năng của công trình. Công viên Thương Bạc đã rất phù hợp với đường hoa, khi xây dựng và chỉnh trang, không nên can thiệp quá nhiều, rút kinh nghiệm như công viên Bến Ninh Kiều - Cần Thơ, đường hoa Bạch Đằng - Đà Nẵng sử dụng đá granit với một khối lượng lớn, tạo một cảm giác khô cứng, khó gần.


Hàng rào ngăn cách cần tháo dỡ

Phải nói rằng công viên dọc đôi bờ Sông Hương đã tạo nên mảng xanh, một cảnh quang đẹp cho thành phố Huế. Chúng ta cần có quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách thống nhất, đồng bộ và khoa học nhằm xây dựng, phát triển hệ thống công viên này ngày càng xứng tầm thành phố với tiêu chí hướng đến: Huế - một quê hương của hạnh phúc.

Theo Phan Cảnh Lý (sxd.thuathienhue.gov.vn)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng