Với niềm đam mê khoa học, em Đặng Hoàng San, học lớp 10 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Quốc học Huế (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã tự mày mò nghiên cứu để chế tạo nên những chiếc kính thiên văn với mục đích... “khám phá bầu trời”. Đặc biệt, sản phẩm kính viễn vọng quang học của San đã đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2014.
Vốn có sở thích và đam mê Vật lý từ nhỏ nên năm còn học lớp 7, em San đã tự tìm tòi, học hỏi và chế tạo thành công kính hiển vi. Chiếc kính này không “thua kém” gì so với kính ở trường học khi quan sát được các tế bào nhỏ. Sau thành công đó, San bắt đầu ấp ủ ước mơ chế tạo kính thiên văn…
Đang loay hoay bên chiếc kính viễn vọng vừa do tự tay mình chế tạo nên, San chia sẻ niềm đam mê: “Hồi còn học cấp 2, mỗi lần nhìn lên bầu trời thấy các vì sao và mặt trăng lung linh tỏa sáng, em ước mình có được một kính thiên văn để quan sát bầu trời. Tuy nhiên, khi lên mạng Internet tìm hiểu thì biết được mỗi chiếc kính như thế được bán với giá hơn 10 triệu đồng. Biết khó có thể mua được kính thiên văn nên em nghĩ đến cách chế tạo ra thiết bị này để thỏa ước mơ”.
Sau hơn 6 tháng tìm tài liệu nghiên cứu các loại kính thiên văn trên thế giới và hiện có ở Việt Nam, San bắt tay chế tạo kính thiên văn bằng số vốn là khoản tiền ăn sáng mà em dành dụm được. San dùng các vật liệu đơn giản, như ống nhựa PVC để chế tạo thân ống kính, bộ phận chỉnh hướng là thanh sắt, chân đế làm từ gỗ...
Sau 3 tháng hì hục thử nghiệm, lắp ráp, chiếc kính thiên văn đầu tiên của San với chi phí vật liệu 2,5 triệu đồng đã có thể quan sát được bề ngoài của Mặt Trăng. Nhớ đến khoảnh khắc xúc động này, San kể lại: “Lúc đó, em và các bạn nhìn vào ống kính thì thấy được từng hố miệng núi lửa trên bề ngoài Mặt Trăng nên đã nhảy cẫng lên reo hò sung sướng…”.
Đến nay, sau nhiều lần chế tạo, San đã có trong tay bộ sưu tập với 12 loại kính thiên văn các loại, như khúc xạ, phản xạ, quang phổ.... Mong muốn có sân chơi bổ ích phục vụ cho việc quan sát và nghiên cứu thiên văn, vào tháng 3/2013, San đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) Thiên văn Huế - HAC (Hue Atronomy Club) và kêu gọi các bạn trẻ đam mê thiên văn gia nhập CLB này. San cho biết, từ khi thành lập, ngoài thời gian dành cho việc học tập ở trường, gần 50 thành viên CLB thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình và quan sát bầu trời.
Không dừng lại bằng việc chế tạo các loại kính thiên văn thông thường, San cùng 2 học sinh là Nguyễn Minh Phú (Trường THPT Gia Hội) và Lê Đức Anh (Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế) cùng chung sức chế tạo thành công kính viễn vọng quang học có đường kính 114mm. Thiết bị này đã đạt giải nhì trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2014. Hiện San và bạn bè của mình đang tiếp tục nghiên cứu để chế tạo thêm chiếc kính viễn vọng có đường kính 255mm, tiêu cự đạt gần 1.600mm.
Nói về niềm đam mê khoa học của San, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Oanh, giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Quốc học Huế, nhận xét: “San là học sinh giỏi nhiều năm liền, em đã truyền kiến thức và đam mê thiên văn học cho nhiều bạn bè học cùng trường và các trường khác trên địa bàn TP Huế. San là một trường hợp đặc biệt khi bằng niềm đam mê Vật lý, khi em đã tự tay chế tạo thành công nhiều loại kính thiên văn mà không phải ai cũng có thể làm được.”.
Theo CAND Online