Ông Nguyễn Ngọc Cương có ba người vợ, người nào cũng lẫy lừng tiếng tăm. Người vợ thứ 2 là cô đào Năm Phỉ tài sắc lạ lùng, từng sang Pháp chinh phục khán giả, và đã ra đi như một cành hoa mong manh…
Bỏ nhà theo gánh hát
Bà Năm Phỉ sinh ra trong một gia đình gia giáo tại Mỹ Tho. Cha bà rất ghét “xướng ca vô loài”, chỉ có mẹ là thích văn nghệ nhưng phải phục tùng chồng một phép. Ông Lê Công, cha của Năm Phỉ, là một kỹ sư cầu cống, có 11 người con đặt nối theo tên ông thành Công Thành Danh Toại Phỉ Chí Nam Nhi Bia Truyền Tạc Để. Ngày thường ông hay dạy con bằng câu ca dao: “Trồng trầu để lộn dây tiêu/Con theo hát bội mẹ liều con hư”. Cho nên, ông nghiêm khắc như quân đội, sắm cả roi mây để dạy con. Vậy mà rốt cuộc Năm Phỉ cũng trốn nhà đi khi mới 10 tuổi, vì có mẹ giúp sức khi nhìn ra tư chất của con mình.
Năm Phỉ theo gánh Nam Đồng Ban nổi tiếng của ông Hai Cu, rồi vài năm sau khi tuổi mới cập kê đã kết duyên với kép Hai Giỏi, là một tài năng lúc bấy giờ. Nhưng Hai Giỏi chết sớm, để lại Năm Phỉ bơ vơ, chẳng bao lâu gánh Nam Đồng Ban tan rã, Năm Phỉ đầu quân cho Tái Đồng Ban, cũng là một gánh lừng lẫy, có mặt những danh cầm và thầy tuồng nổi tiếng như Tư Chơi, Năm Châu, Năm Mạnh. Khi gánh này rã, bà theo một gánh khác nữa rồi mới về gánh Phước Cương.
Ở Phước Cương, bà như diều gặp gió bởi sự tài hoa của ông Nguyễn Ngọc Cương. Ông đã chọn hàng loạt tuồng xã hội cho bà biểu diễn như vai Lý Ngọc Nương (vở Trà hoa nữ), Lan (Lan và Điệp), bên cạnh đó vẫn là ưu thế diễn tuồng xưa như vai Bàng Quý Phi (Xử án Bàng Quý Phi), Điêu Thuyền (Lã Bố hý Điêu Thuyền), Mộng Hoa (Mộng Hoa nương)...
Sự kiện lịch sử là vai Bàng Quý Phi của bà đã được ông Ngọc Cương đưa sang Pháp biểu diễn trong cuộc đấu xảo nghệ thuật của các nước thuộc địa năm 1931, được 4 huy chương và gần 200 lá thư ái mộ gửi tới, chưa kể 40 tờ báo viết bài ca ngợi. NSND Kim Cương nói: “Má Năm tôi hát tiếng Việt vậy mà khán giả Pháp vẫn hiểu cốt truyện rồi khóc, đó là do diễn xuất của bà hay quá, người ta cảm nhận được hết”. Khi về nước, vở này còn được diễn liên tục tại nhiều rạp, doanh thu cao ngất ngưởng.
Khi bà lấy ông Ngọc Cương thì gánh Phước Cương càng thêm sức mạnh. Nhưng chỉ vài năm, họ chia tay, tình chị chuyển sang duyên em, ông Ngọc Cương tái hôn với bà Bảy Nam, là em ruột Năm Phỉ. Bà ra đi thành lập gánh riêng mang tên mình: gánh Năm Phỉ. Khi ông Ngọc Cương mất, bà Năm Phỉ về lại với bà Bảy Nam chống đỡ cho gánh hát. Mấy chị em lập gánh Tam Phụng khai trương tại rạp lớn Nguyễn Văn Hảo, lại sa sút, rồi lại lập gánh mới là Ca vũ nhạc kịch Năm Phỉ, lưu diễn khắp nơi. Khi về hát ở Tân Định, Sài Gòn, bà Năm Phỉ 48 tuổi vẫn vào vai cô Lan 18 tuổi ngọt xớt, khán giả vỗ tay rần rần. Không ngờ đó là suất diễn cuối cùng của bà, vừa hát xong thì bà ngất xỉu rồi mất luôn, để lại một huyền thoại về cuộc đời đào hát mong manh…
Như hoa như khói
Tính cách của bà Năm Phỉ hoàn toàn trái ngược với bà Bảy Nam dù là hai chị em ruột. Bà Bảy Nam chuẩn mực, lo toan, chi li, cần kiệm bao nhiêu thì bà Năm Phỉ trái lại hào phóng, ngẫu hứng, xài sang, không hề nghĩ tới tương lai. Bà Bảy Nam đã viết hồi ký về người chị với tất cả lòng trìu mến nhưng cũng thật thà rằng: “Chị sống như thế, đến trần gian như kẻ dạo chơi rồi đi mà chẳng bận lòng. Có những lúc nhà hết tiền nhưng chị có thể đem cầm cố chiếc nhẫn hoặc sợi dây chuyền một cách dễ dàng để mua cho bằng được một lọ hoa đẹp mà chị vừa trông thấy. Rồi nhà chị mỗi ngày đều có tiệc tùng, bảy ngày trong tuần là bảy cái tiệc lớn nhỏ với bạn bè rần rần, đàn ca hát xướng, rượu tây chảy tràn…”. Thậm chí có những buổi bà Năm Phỉ mệt quá không hát nổi, Bảy Nam phải thay vai. Bà Bảy Nam luôn là người chạy đôn chạy đáo lo cho cả đoàn, để chị mình được thảnh thơi. Tuy nhiên, những lúc đoàn hát rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn thì chính bà Năm Phỉ lại tỉnh táo nhất, bà hay nói “trời sinh voi sinh cỏ”, và rồi thư thả đi ngoại giao để có tiền hát lại.
NSND Kim Cương kể: “Má Năm tôi có nhiều nhà lắm nhưng không căn nào đích thực của bà. Khi lấy một người chồng hoặc người đàn ông nào đó yêu bà thì họ sắm ngay căn nhà mời bà vô ở. Bà xách va li tới. Lúc chán người đó thì chia tay, xách va li đi, chẳng hề nghĩ tới giấy tờ sở hữu cho riêng mình. Bà luôn có nhà ở, mà lại trắng tay. Cuối đời, bà từng nói với tôi: “Sau này con phải ráng có cái nhà cho mình, đừng để chết không có chỗ”. Giờ NSND Kim Cương đang thờ bà trong nhà của mình cùng với cả dòng họ tổ tiên vì bà Năm Phỉ không có con cái chi hết. Chỉ còn lại tấm ảnh duy nhất đen trắng rạng ngời xuân sắc mong manh...
Danh ca không biết chữ Điều đặc biệt nhất là bà Năm Phỉ không hề biết chữ, nhưng chỉ cần người đọc kịch bản cho bà nghe qua là bà thuộc liền, đọc từng đoạn, từng câu rồi nhẩm lại y chang. Có khi vừa tiếp khách vừa có người ngồi cạnh đọc tuồng mà bà cũng thuộc. |
Nguồn : Hoàng Kim - TNO