Quanh sàn diễn
Tái hiện không khí Hà Nội 60 năm trước
15:09 | 05/08/2014

“Những người con Hà Nội”, vở kịch mới của Nhà hát kịch Hà Nội, tái hiện không khí hào hùng của Hà Nội mùa đông năm 1946, công diễn cuối tuần qua.

Tái hiện không khí Hà Nội 60 năm trước
Hình ảnh trong vở kịch "Những người con Hà Nội". Ảnh: Sơn Tùng.

Vở "Những người con Hà Nội", kịch bản Phạm Văn Quý, do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng. Tác phẩm tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất, một trong chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đây là tác phẩm hướng tới ngày lễ lớn, tái hiện không khí hào hùng, đậm chất hào hoa, lịch lãm của người Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang huy động gần 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội.

Sân khấu Rạp Công nhân vốn không quá rộng, nhưng được khéo bài trí thành chiến lũy năm 1946: Những mảng tường nham nhở thuốc súng, nhiều chỗ bị thủng vì đại bác, cột điện trên đường phố.

Câu chuyện về những người con Hà Nội - theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - cầm súng, cầm gậy quyết bảo vệ Hà Nội không mới. Đó là kỹ sư Hoàng Dương, cô sinh viên dược Khánh Linh, chị Hậu làng hoa Ngọc Hà, cậu bé đánh giày Tèo, hay tay anh chị Hạng Võ, nhạc công Sơn Ca, cô ả đào Kiều Lan.

Mỗi người một hoàn cảnh, ước mơ tụ lại bên nhau trong cuộc chiến khẳng định “phẩm giá người Hà Nội” - như lời thoại được nhiều nhân vật nhắc đi nhắc lại.

Điều đáng tiếc là với thời lượng dài, gần hai tiếng rưỡi, nhưng tác giả kịch bản chỉ chọn một lát cắt trong cuộc chiến mùa đông lịch sử ấy. Nhân vật nhiều, nhưng ít người được khắc họa sâu, để lại ấn tượng. Nhân vật phản diện Lê Phát, hay vệ quốc quân Hoàng Dương, ông Phán Tâm có tính cách tương đối rõ nét.

Một trong những điểm nổi bật trong vở kịch này là chất lãng mạn, hào hoa của người Hà Nội. Đó là ý tưởng biến chiến lũy thành lũy hoa, giữa giờ phút căng thẳng, đì đùng súng đạn. Đó là những ca từ cất lên giữa chiến lũy, không phải bài ca cách mạng thôi thúc, mà là giai điệu lãng mạn Bến xuân của Văn Cao.

Nguồn: Nguyên Khánh - TPO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng