Quanh sàn diễn
Molière ở An Nam
16:22 | 26/01/2015

Hà Nội, tháng 5, 1920. Đây là lần đầu tiên một sự kiện trọng đại, vở kịch “Người bệnh tưởng” được trình diễn tại nhà hát thành phố Hà Nội ngày 25/4/1920. Làm sao mà người An Nam dám mơ dịch tác phẩm này ra tiếng Việt và tự dàn dựng, trình diễn vở kịch này?!

Molière ở An Nam
Hồi 2, cảnh 6: Cảnh Beline tố cáo thái độ hỗn láo của Angelique. Ông Vượng (trong vai Thomas Diafoirus); Ông Vĩnh (trong vai Diafoirus); Ông Duyệt (trong vai Argen); Cô Tửu (trong vai Toinette); Bà Kao (trong vai Angelique); Bà Tuất (trong vai Beline)

Vở kịch của Molière được dịch ra tiếng Việt là điều mới lạ vô cùng! Thần khí nhà hài kịch vĩ đại Pháp đã nhập được vào hồn người dân Bắc Kỳ, và đã chinh phục một dân tộc khác chúng ta rất xa về cách suy nghĩ, chắc chắn đây là một sự kiện đầy bất ngờ mà trước đó chẳng ai dám nghĩ đến, và nảy sinh các ý kiến rất trái ngược nhau, bán tín bán nghi về một sự thành công.

Tuy nhiên, những người cách tân đã không lầm, và họ đã thành công, nhất là khi người ta muốn đưa ra một tác phẩm đầy tính nhân văn sâu sắc với sinh lực mạnh mẽ của Molière, nó đã hấp dẫn được những khán giả An Nam. Người ta có thể nghi ngại về chất hài hước của vở kịch bị biến đổi, có khi tức bực vì sự nghịch nghĩa do mô phỏng tính hài. Nhưng tài dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đã tránh được những sai sót này. Nếu tác giả không thể chuyển tải tuyệt đối được cách nghĩ của người Pháp, - từ vựng trong tiếng An Nam còn khá giới hạn, và chữ Quốc ngữ chưa sẵn sàng để diễn đạt được sự uyển chuyển của văn chương Pháp. Song, chí ít tác giả đã lột tả được giá trị cốt lõi của chất hài trong vở kịch “Người bệnh tưởng”.

Mặt khác, Nguyễn Văn Vĩnh cũng không phải là lần đầu tiên thực hiện việc mô phỏng một tác phẩm văn học Pháp. Ông đang điều khiển tờ báo “Trung Bắc Tân Văn” (La Gazette de l’Annam - Tonkin). Từ 1913, ông đã cố gắng tặng cho độc giả rất nhiều (có thể đến hàng nghìn) trích đoạn từ các tác phẩm văn học cổ điển Pháp. Ông đã dịch “Trưởng giả học làm sang, Lão Hà tiện, Tartuffe, Ngụ ngôn La Fontaine (dịch theo thơ vần), chuyện cổ tích của Perrault, và Gil Blas (tác phẩm đặc biệt thu hút được người dân bản địa). Nhờ vào sự lựa chọn rất thận trọng của Nguyễn Văn Vĩnh, độc giả An Nam đã biết đến những tác phẩm chính của Balzac, và A. Dumas. Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã dám tấn công vào việc dịch Anatole France tinh tế của chúng ta. Gần đây nhất, người ta có thể đọc “Vườn Epicure” trên tờ Trung Bắc Tân Văn.
Do đó, chẳng ai vượt được Nguyễn Văn Vĩnh trong việc truyền bá các tác phẩm văn học cổ điển của chúng ta và thu hút được quần chúng với vở kịch “Người Bệnh tưởng”.


Hồi 3, cảnh 14: Argan (Do ông Duyệt thủ vai) đang làm cho Angelique (Do bà Kao thủ vai) yên lòng, người tưởng là đã chết. Ảnh: tư liệu từ tờ báo bản gốc

Việc lựa chọn vở kịch này lại càng thích hợp hơn vào thời buổi này, vì trong những năm qua nền giáo dục khoa học đã hoàn toàn đổi mới ở Đông Dương. Những người với lối suy nghĩ cổ hủ theo kiểu nhân vật Diafoirus trong bản kịch được thay thế bởi cả một thế hệ các y sĩ trẻ đầy nhiệt huyết. Biết bao nhiêu điểm tương đồng trong cuộc sống đương thời mà người dân An Nam nhận thấy trong ba màn kịch này của Molière, nó chỉ tô điểm thêm cho tính châm biếm sâu sắc của kịch bản. Tất cả những người nổi tiếng ở bản địa đã chen nhau đến dự buổi trình diễn ngày 25/4 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhiều vị quan chức quần áo chỉnh tề, sang trọng, dẫn đầu là Tổng đốc Hà Đông cùng gia quyến đến xem (Hoàng Trọng Phu - con trai Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải - người dịch). Các doanh nghiệp danh tiếng, sinh viên và dân chúng đến chật kín nhà hát từ sớm. Nhiều phụ nữ An Nam kiều diễm trang điểm như đi lễ hội kích thích sự tò mò của đám đông. Tất nhiên, ngài phụ trách hội Khai Trí Tiến Đức An Nam (Phạm Quỳnh - Chủ bút báo Nam Phong và Tổng thư ký hội Khai Trí Tiến Đức - người dịch) đã đứng ra trình bày về ý tưởng và mục đích dàn dựng vở kịch “Người bệnh tưởng” khi vở kịch đã được dịch ra Quốc ngữ. Hội có hai mục đích: đầu tiên là cách tân sân khấu An Nam, sau là góp quỹ cho những người lính thợ Đông Dương hy sinh vì nước Pháp trong đại chiến Thế giới.

Tiếp đó, chính ngài đã trình bày một cách uyên bác sự khác biệt giữa sân khấu châu Âu và An Nam. Cuối cùng, theo ngài sự khác biệt này chính là việc hát đi kèm với dáng vẻ, điệu bộ và âm nhạc trên sân khấu, nó có thể làm cho sướng mắt và vui tai, mà điều này tuyệt nhiên không hề ảnh hưởng chút nào đến thần cảm (tinh thần và cảm xúc - người dịch)”.

Sau khi chỉ ra một cách chính xác rằng, nền sân khấu châu Âu luôn nhắm đến trí tuệ và cảm xúc, và đó cũng là cách giáo dục xã hội tuyệt vời, đúng như lời kết của ngài Phạm Quỳnh “Chúng tôi xin giải thích trước để tránh cho mọi người vốn quen với sân khấu truyền thống, không bị lối nhận định theo cách nhìn cũ khi xem cách trình diễn vở kịch sắp tới của chúng tôi, tránh khỏi những nhận định không đúng. Nếu vở hài kịch sắp diễn được các quý vị yêu thích, nếu các quý vị thể hiện việc muốn thưởng thức, hơn là vẫn nghe những tiếng kêu than, rên rỉ trên sân khấu quen thuộc của chúng ta, vậy thì việc thử nghiệm của chúng tôi đã thành công. Nếu không đạt được điều đó, chúng tôi cũng xứng đáng vì đã dám làm một việc chưa từng có trước đây. Chúng tôi cũng mong có sự độ lượng của các quý vị, tránh không đánh giá nhầm theo lối cũ, dù thế nào đi nữa, mong các vị đừng gay gắt phê phán chúng tôi!”.

Mở màn, 16 nghệ sỹ Thái Hâp (tạm phiên âm từ tiếng Pháp - hiện chưa tra cứu được - người dịch), áo dài hồng, đầu chít dải khăn xanh mềm mại đi vòng tròn, như khúc dạo đầu, các cô múa quạt với thân hình mềm mại uốn lượn một cách kiều diễm. Sau màn dạo đầu, các cô biến vào trong sân khấu, ba hồi trống nổi lên, các nghệ sỹ người An Nam bắt đầu trình diễn vở kịch của Molière.

Cả nhà hát im lặng chăm chú theo dõi. Tất cả khán giả đều tỏ ra căng thẳng, họ cố gắng lắng nghe sao cho chính xác các lời thoại của các nhân vật. Rồi đột ngột, sự im lặng bị phá vỡ bởi tiếng cười qua mỗi cảnh diễn. Người xem cảm thấy mỗi từ ngữ nghe như rõ hơn, dường như mọi người ngày càng bị cuốn hút, vở diễn càng ngày càng trở nên sống động, Molière cứ thế thấm dần với những khán giả mới, với những “đệ tử” mới.

Khi vở diễn kết thúc, tất cả các diễn viên đã trở lại sân khấu, họ trình diễn một màn trang phục dân tộc thật ấn tượng. Đây là một tạp chí sân khấu gồm các nhân vật trong các truyền thuyết kỳ quái kiểu Tàu, như: mặt nạ tuồng, màu sắc sặc sỡ, áo quần trang trí rực rỡ và lạ mắt, kèm theo là những tiếng hét nạt nộ, cùng với những tiếng kêu thất thanh theo lối tưởng tượng của các dân tộc châu Á. Và một lần nữa, lại xuất hiện trên sân khấu rực rỡ sắc màu vàng đỏ, chính là các nữ nghệ sỹ với áo dài hồng và khăn xanh nhạt đã xuất hiện ngay từ đầu của buổi trình diễn. Các nghệ sỹ đã gửi lời chào mừng từ đất nước An Nam tới ông Tổng phụ trách hội Khai trí Tiến Đức, người đã trịnh trọng đến dự buổi ra mắt đầu tiên vở hài kịch của nhà đại văn hào thiên tài Pháp Molière.
 

Tài dịch và công lao của Nguyễn Văn Vĩnh 

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) nhà báo, nhà văn, dịch giả nổi tiếng, người đã góp phần xây cầu nối giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt được nhiều người biết đến. Nhưng không nhiều người biết ông là một trong những người đầu tiên tham gia cách tân sân khấu kịch Việt Nam (thời đó vẫn mang tên An Nam). Ông biết chọn dịch những tác phẩm, tác giả Pháp nổi tiếng hợp với hoàn cảnh Đông Dương thời đó để nói lên tiếng nói ngầm phản ứng cuộc sống đang bị giằng co giữa cái mới và cái cũ. Ông đã chọn Molière với vở “Người bệnh tưởng” để dịch và chính ông cùng với các nghệ sỹ thời đó dàn dựng lần đầu tiên một vở hài kịch phương Tây trên sân khấu VN. Chất hài vốn có trong sân khấu cổ truyền VN (chèo, tuồng, cải lương...), được sử dụng đan xen vào nội dung kịch Pháp qua làn điệu nhạc và điệu bộ. Hài kịch của Molière khi đó hoàn toàn xa lạ với công chúng VN. Toàn bộ vở kịch mang tính hài hước châm biếm công khai thói xấu của xã hội.

Bài viết dưới đây của F. de Tessan đã nói lên tài dịch và công lao của Nguyễn Văn Vĩnh đối với nền sân khấu VN. Bài được đăng trên tờ “L’Illustration” (Minh họa) số 4038 (24/07/1920). Đây là một tư liệu quý đối với những nhà nghiên cứu nguồn gốc sân khấu VN hiện đại. Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã có tài liệu này do một thủ thư bên Pháp đã tặng. Ông Bình đã nhờ tôi (Trần Thu Dung) dịch và tham gia hiệu đính. 

F. de Tessan (1883-1944) là nhà chính trị nổi tiếng thời đó. 
Dịch một tác phẩm văn xuôi đã khó, dịch một vở hài kịch càng khó. Molière là nhà hài kịch nổi tiếng với lối chơi chữ. Tháng 5/1920, Nguyễn Văn Vĩnh và các nghệ sỹ đã thành công cách tân sân khấu VN khi buổi biểu diễn đầu tiên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội chật ních khán giả và những tràng vỗ tay cổ vũ. 

(Lời giới thiệu của TS Trần Thu Dung)


Trần Thu Dung dịch
Nguồn: Francois de Tessan - TP





 

Các bài mới
Các bài đã đăng