Quanh sàn diễn
Đặng Nhật Minh với “Hồi ký điện ảnh”
09:39 | 22/04/2009
NGÔ MINHTôi đã xem một số bộ phim của anh và đã gặp anh mấy lần ở nhà anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi thấy lúc nào anh cũng nói chuyện từ tốn, rỉ rả kiểu Huế. Trên Tạp chí Sông Hương tôi cũng đã đọc mấy đoạn hồi ký của anh viết về sự lận đận xung quanh những bộ phim. Mới đây nhà văn Trần Thùy Mai lặng lẽ đưa cho tôi cuốn “Hồi ký điện ảnh”(*) của Đặng Nhật Minh, bảo: “Đọc đi, được lắm”. Thế là tôi đọc một mạch... Những trang hồi ký đã giúp tôi hình dung 30 năm làm phim vất vả của một nghệ sĩ tài năng. Hồi ký... do đạo diễn Mai Lộc viết “Lời giới thiệu” và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời bạt: “Đặng Nhật Minh- Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh”.
Đặng Nhật Minh với “Hồi ký điện ảnh”

Cuốn sách hấp dẫn người đọc vì những chuyện cảm động về gia đình đạo diễn những năm kháng chiến, những chuyện “bếp núc” xung quanh những bộ phim nổi tiếng của Đặng Nhật Minh. Với giọng văn kể chuyện chân thành nhưng không né tránh, cuốn hút người đọc. Cuốn sách còn hấp dẫn bởi những suy nghĩ, nhận xét tinh tế, sự bày tỏ chính kiến mạnh của tác giả trong đời sống điện ảnh đất nước mấy chục năm qua.

Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh viết rằng: “tôi sinh ra trong một gia đình không có mối liên hệ gì với nghệ thuật, nhất là với nghệ thuật điện ảnh”. Vâng, anh là con của Giáo sư Đặng Văn Ngữ (quê An Cựu Huế - ở đây hiện có con đường mang tên Đặng Văn Ngữ), nhà khoa học đã chiết xuất ra nước cất pénicilline để chữa vết thương cho bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. Giáo sư được Chính phủ Pháp cử sang Nhật nghiên cứu về nấm. Sau 7 năm tu nghiệp tại Nhật, nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, ông quyết định về nước tham gia kháng chiến năm 1946. Trong chống Mỹ, ông vào chiến trường nghiên cứu một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét để chữa cho bộ đội. Ông hy sinh trong một trận bom B52 tại mặt trận Tây Phong Điền, Thừa Thiên vào ngày 1/4/1967, và lặng lẽ nằm trên dải Trường Sơn suốt 20 năm. “Tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông... trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vỏn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 1- 4-1967”. Ông được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Phong Mỹ, Phong Điền. Mãi năm 1992, mới được gia đình đưa về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình” (tr.24). Còn bà mẹ Tôn Nữ Thị Cung của anh, năm 1950, theo chủ trương của trên, đã từ Huế mang ba con nhỏ lặn lội đường rừng gần ngàn cây số ra chiến khu Việt Bắc. Sống với chồng con chưa được 4 năm thì đột ngột qua đời. Là đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn trẻ, nên nỗi đau của con người luôn làm trái tim anh nhức nhối. Có lẽ những bộ phim của anh đã ra đời từ đấy.

Đặng Nhật Minh lúc trẻ đi học ở Liên Xô (cũ), về nước làm phiên dịch 5 năm. Anh không được đào tạo ở trường điện ảnh chính quy. Anh chỉ 2 lần đi “tập huấn” điện ảnh ở nước ngoài. Một lần tại Pháp, một lần tại Bungari 6 tháng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, xem người ta làm phim, chẳng có ai lên lớp chỉ bảo gì cả. Không qua trường lớp chính quy, lại làm đạo diễn trong hoàn cảnh đất nước chưa mở cửa, ai làm phim gì đều do tổ chức phân công, rồi “phim đối ngoại” hình ảnh phải sang hơn, do đạo diễn hạng 1 làm, đạo diễn hạng 2 như Đặng Nhật Minh chỉ được giao làm phim “đối nội”, rồi chuyện kèn cựa, “ghen ăn tức ở” trong các cuộc Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN), chuyện đánh “đòn hội chợ” trên báo để sát phạt người giỏi hơn mình.v.v.. Trong bối cảnh đó, Đặng Nhật Minh đã lặng lẽ chọn cho mình lối đi riêng. Anh viết lấy kịch bản theo cảm hứng từ các truyện ngắn của mình.

Mỗi bộ phim của Đặng Nhật Minh là một bài thơ gắn với những nỗi buồn đau của quê hương, gia đình, bè bạn. Phim của anh là tiếng gọi của trái tim vượt qua những giáo lý cực đoan, những thành kiến hẹp hòi nghi kỵ của một thời, để con người đến với con người, đến với thế giới tâm linh thăm thẳm. Xem phim anh, người xem bao giờ cũng phải suy nghĩ đến một lẽ sống đẹp hơn, nhân bản hơn. Muốn tạo ra được những “vấn đề” ẩn sau những thước phim, đạo diễn phải là người có cá tính, có bản lĩnh sáng tạo. Nhưng anh ít khi toại nguyện với những bộ phim của mình, vì nhiều lúc không thể vượt qua những ngáng trở của khách quan. Những câu chuyện “đằng sau” hay “bên lề” của những bộ phim được “Hồi ký điện ảnh” kể lại rất cảm động.

Phim tài liệu Nguyễn Trãi là thành công đầu tiên của Đặng Nhật Minh (Huy chương bạc LHP VN 1983). Trong kịch bản phim, “đoạn quay ở ải Chi Lăng cần có một con ngựa băng qua một cánh đồng lầy. Nhưng khó kiếm ngựa nên chủ nhiệm phim bắt phải thay con ngựa bằng con bò! Đặng Nhật Minh kiên quyết không chịu... Sau này xem phim, tôi thấy Đặng Nhật Minh đã có lý. Hình ảnh con ngựa khó nhọc băng qua cánh đồng lầy cùng tiếng ngựa hý thảm thiết đã nói lên rất nhiều...” (HPNT- Lời bạt). Hay phim “Thị xã trong tầm tay” là một phim hay, giàu chất điện ảnh (huy chương vàng tại LHPVN 1983), lại bị Hội đồng kịch bản Cục Điện ảnh khi duyệt “có 2 ý kiến cực lực phản đối. Một: Kịch bản thiếu kịch tính, thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện. Hai: không được nói động đến công tác tổ chức (trong kịch bản có một cảnh cán bộ tổ chức chất vấn nhân vật chính về mối quan hệ của anh ta với cô người yêu có lý lịch không rõ ràng” (tr.82). Chủ nghĩa lý lịch một thời đã làm thui chột bao nhiêu tài năng, làm tan vỡ bao nhiêu mối tình trai trẻ. Điều đó đã được Đặng Nhật Minh thể hiện rất thành công trong phim “Thị xã trong tầm tay”. Đúng là “hạnh phúc tạo nên bởi sự hàn gắn thay vì lòng hận thù” (HPNT- Lời bạt).

Bộ phim nổi tiếng thế giới “Bao giờ cho đến tháng mười” lại khởi nguồn từ một đám tang thật ở Quế Võ, Hà Bắc mà đạo diễn ngồi trong quán trú mưa, nhìn thấy. “Một đoàn người đi lầm lũi trong mưa... Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về nghĩa trang làng. Còn anh nằm ở đâu trong chiến trường miền Nam đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười” (tr.88). Trong phim này, tác giả đã tạo ra trường đoạn chợ âm dương rất tài hoa để người âm kẻ dương gặp nhau, mô tả nỗi đau, mất mát trong chiến tranh của mỗi gia đình Việt Nam, rất phù hợp với tập quán tâm linh dân tộc, nhưng Giám đốc phim cho là “mê tín dị đoan” (thực chất là sợ cấp trên không duyệt) nên đã bắt cắt bớt. Do vậy, “...chưa có phim nào của Việt Nam lại phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc như bộ phim này. Người thì cho rằng băn khoăn không biết lúc này đã nên nói đến chuyện đau thương mất mát trong chiến tranh chưa?... Nên xin ý kiến các anh trên.

Cứ như vậy lần lượt các Thứ trưởng, Bộ trưởng, rồi tới đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Uỷ viên Bộ Chính trị xem, cuối cùng phim được chiếu cho Tổng bí thư Trường Chinh duyệt. Tất cả phải qua 13 lần duyệt, bộ phim mới được “tha bổng” (tr.93- 95). Mặc dù vậy, khi mới xuất hiện, lập tức bộ phim gây được tiếng vang lớn ở Pháp, Mỹ và màn ảnh của nhiều nước trên thế giới. Bộ phim đã được giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP tại Honolulu, Hawaii. Có thể nói đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đi ra với thế giới từ sau năm 1975. Phim Cô gái trên sông rất nhân văn và sâu sắc thì bị phê phán “người cán bộ cách mạng thì bội bạc, còn tên lính ngụy, người yêu của cô gái trên sông thì lại thủy chung, tức là bôi nhọ hình ảnh người cán bộ cách mạng” (tr.102). Vì thế mà bộ phim bị tụt từ giải vàng xuống giải bạc trong LHP VN Đà Nẵng 1987, nhưng lại được CHDC Đức (cũ) mua để chiếu tại Tuần phim của các nước XHCN ở Kotbus.

Sau đó Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước mời chiếu, kể cả liên hoan phim Toronto (Ý). Kịch bản phim “Thương nhớ đồng quê” dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, vì Đặng Nhật Minh thấy hứng mà viết. Nhưng khi giao cho Hãng phim Giải phóng thì bị trả lại vì “kịch bản thiếu yếu tố để làm nên một phim truyện” (tr.127). Thế mà đây lại là kịch bản được người Nhật đánh giá rất cao và họ đã đầu tư tiền để sản xuất. Bộ phim được đánh giá là hay nhất trong 4 bộ phim mà Nhật Bản đầu tư ở các nước dịp này. Phim được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Thế mà lại bị một số người phê phán với những lời lẽ tố cáo, chụp mũ hết sức nặng nề, cho là “bôi đen hiện thực, không thấy những thành tựu đổi mới...” (tr.136). Điều trớ trêu là phim Thương nhớ đồng quê bị loại ra khỏi giải thưởng LHP VN lần thứ XI (1996), nhưng đạo diễn lại được giải là Đạo diễn xuất sắc nhất!. Phim Mùa ổi lại là câu chuyện về những người tiểu tư sản, trí thức Hà Nội bị gạt ra rìa cuộc sống sau 1954. Đạo diễn lấy ngay những kỷ niệm về gia đình bố vợ của mình ở ngôi nhà 43- Hàng Chuối để viết kịch bản, nên rất xúc động, được người xem trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.

Đặng Nhật Minh không chỉ biết làm phim ”có vấn đề”, phim về thân phận con người, thân phận của đất nước mình. Anh còn là một “con người chính trị” theo cách riêng của mình. “Người nước ngoài tuy phục dân ta đánh thắng hai đế quốc Pháp- Mỹ, nhưng họ cho rằng người Việt Nam hiếu chiến” (tr.147). Vì thế Đặng Nhật Minh đã chọn Hà Nội mùa đông 46, là lúc mà người Việt Nam không muốn có chiến tranh, tìm mọi cách để dành độc lập bằng thương lượng. Vì thế bộ phim đề tài lịch sử liên quan rất nhiều đến chủ tịch Hồ Chí Minh “Hà Nội- mùa đông 46” nói về số phận của đất nước Việt nam, đã giành được đồng cảm lớn của bè bạn quốc tế. Sau khi xem tại LHP Toronto bộ phim “Hà Nội-mùa đông 46” một nhà báo Mỹ đã viết bài đăng trên tờ International Herald Tribune gọi Đặng Nhật Minh là “Nhà ngoại giao con thoi của điện ảnh Việt Nam” (tr.157). Năm 1987, Đặng Nhật Minh được Mỹ mời sang Honolulu để dự Liên hoan phim Hawai. Tại hội thảo này anh đã phát biểu rằng: ...“các phim người Mỹ làm về chiến tranh Việt nam đều giống nhau một điểm: Những lính Mỹ là những con người... Họ có đủ mọi thứ tình cảm của con người. Còn đối thủ của họ? Họ không có một thứ tình cảm gì khác của con người, ngoài chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của họ. Việt cộng trong các phim Mỹ đều giống Ăngca của PhônPốt... Phát biểu thẳng thắn của Đặng Nhật Minh và hình ảnh chị Duyên trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã làm cho Hội thảo hiểu đúng hơn về Việt Nam. Trong đoàn Mỹ có diễn viên Kiều Chinh, gương mặt sáng giá của điện ảnh Sài Gòn trước đây, bây giờ là nữ diễn viên của Holywood. Cô gặp phái đoàn Việt Nam ban đầu với thái độ lịch sự, xã giao, nhưng rất xa cách. “Thế mà Kiều Chinh sau khi xem phim xong bước ra khỏi rạp đã gục đầu vào vai tôi mà khóc nức nở trước con mắt ngạc nhiên của các đồng nghiệp Holywood” (tr.181-182)

Đặng Nhật Minh đã được báo Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản trao giải thưởng về văn hóa năm 1999. Đây là giải thưởng trao hàng năm cho những nhân vật châu Á nổi bật.Và gần đây, tháng 8/2005, ông được LHP GWANGJU (Hàn Quốc) trao giải Thành tựu suốt đời cho toàn bộ sáng tác của mình. Ông cũng đã được tặng nhiều giải thưởng quốc tế về phim, được mời dự và làm giám khảo nhiều liên hoan phim ở nhiều nước. Nhưng tôi nghĩ, giải thưởng cao nhất là phim anh đã làm cho hàng triệu khán giả Việt Nam Nam xúc động, vì đó là tiếng nói của trái tim đập vì nhân dân, đất nước. Phim Đặng Nhật Minh cũng đã làm cho hàng triệu người xem trên thế giới hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam hơn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại”. Có rất nhiều nghệ sĩ người Việt đã trở nên nổi tiếng thế giới nhờ họ đã đi đến tận cùng truyền thống dân tộc: Đó là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, họa sĩ Lê Bá Đảng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo... Và Đặng Nhật Minh, theo tôi nghĩ, cũng là một người như vậy. Đạo diễn Mai Lộc viết “... có thể nói Đặng Nhật Minh là một nghệ sĩ, một đạo diễn đầy cá tính và tài năng... là con người của nghệ thuật điện ảnh, có tầm cỡ quốc tế” (Lời giới thiệu). Trong lễ bế mạc LHP VN lần thứ XI, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế, ông Klaus Eder, người Đức đã đánh giá: “Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã đưa điện ảnh của các bạn đến với thế giới”. Năm 1994, tại LHP Nantes (Pháp), sau khi xem xong phim Trở về, ông Marcel Martin, nhà phê bình phim nổi tiếng Pháp đã nói với đạo diễn: “Bây giờ thì anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi” (tr.145-146). Đó cũng là những “giải thưởng” đích thực nhất.

Sau câu nói đó, Đặng Nhật Minh khiêm tốn nghĩ: “Tôi hiểu câu nói ấy có nghĩa rằng từ nay tôi đã được xếp vào chiếu của làng điện ảnh thế giới. Chiếu dưới thôi. Nhưng được ngồi vào chiếu đó không phải dễ. Muốn ngồi được chiếu trên, chiếu giữa thì khó lắm. Có thể không bao giờ...” (tr.146). Rõ ràng để giành được giải cao tại các cuộc LHP quốc tế như Cant (Pháp), Berlin (Đức), Venise (Ý), hay cao hơn được đề cử vào giải Oscar (Mỹ), thì rõ ràng vô cùng khó. Muốn được thế, ngoài tài năng, tâm huyết, tư tưởng lớn, quan trọng hơn là phải có “môi trường điện ảnh” thông thoáng, hội nhập với thế giới. Chuyện kể trong Hồi ký điện ảnh Đặng Nhật Minh âu cũng là bài học nóng hổi đối với mọi người trong làng điện ảnh đất nước.

N.M
(
202/12-05)

-----------------------------------------                                        
(*) Hồi ký điện ảnh của Đặng Nhật Minh, NXB Văn nghệ,2005.

Các bài mới
Các bài đã đăng