Đạo diễn Lê Mộng Hoàng sinh năm 1929 tại Huế. Ông sang Pháp du học ngành âm nhạc, sau đó là điện ảnh. Về Việt Nam, ông thực hiện bộ phim đầu tay Bụi đời dựa trên tập truyện Những hòn sỏi của Võ Đình Cường vào năm 1957.
Sau đó, ông tiếp tục đạo diễn nhiều phim điện ảnh trước năm 1975 như Vụ án tình, Nàng, Chiều kỷ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Con gái chị Hằng, Gánh hàng hoa, Ly rượu mừng, Xin đừng bỏ em, Năm vua hề về làng… Trong đó, bộ phim Nàng với diễn xuất của diễn viên Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang đã đoạt Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần thứ 17. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục làm nhiều phim như Tình khúc 68, Ngọn lửa thành đồng, Bản tình ca…
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng (trái) và diễn viên Trần Quang
|
Ông càng nổi tiếng hơn khi thực hiện nhiều phim Việt ăn khách ở thập niên 1990: Tráng sĩ Bồ Đề, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc, Thăng Long đệ nhất kiếm, Vĩnh biệt mùa hè, Tóc gió thôi bay…
Với công lao và tài năng sáng tạo phục vụ sự nghiệp điện ảnh dân tộc, đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú.
Lê Mộng Hoàng từng được mệnh danh là “đạo diễn mát tay” nhất khi đã phát hiện các tài năng và ''nhào nặn'' ra nhiều ngôi sao sau khi họ đóng các phim ăn khách của ông. Những tên tuổi lớn như Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Thanh Lan, Trần Quang, Phương Hồng Ngọc và các thế hệ diễn viên vàng thập niên 90 như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Y Phụng, Mộng Vân, Giáng My… đều nổi tiếng từ phim ông, hoặc càng nổi tiếng hơn khi làm việc với ông nên họ đều dành tình cảm yêu quý ông cho đến tận bây giờ.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng và diễn viên Mộng Vân
|
Diễn viên Lý Hùng, người gắn bó và đóng nhiều vai chính trong các phim của đạo diễn Lê Mộng Hoàng không giấu vẻ bất ngờ khi nghe tin đạo diễn qua đời. Lý Hùng cho biết: “Ngay từ năm 18 tuổi, tôi đã được đạo diễn Lê Mộng Hoàng mời đóng trong bộ phim Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, rồi sau đó là Ngôi nhà oan khốc đóng cùng Việt Trinh. Tôi là người được bác dìu dắt, chỉ dạy nhiều ngay từ mới chập chững ngày đầu đóng phim; và sau đó lại được bác tạo điều kiện mời đóng rất nhiều phim khác và phim nào cũng ăn khách, được khán giả yêu thích, bán ''cháy vé''. Trong công việc, bác rất kỹ tính, chuyên nghiệp, nhưng ngoài đời lại rất vui vẻ, rất thương quý anh em, con cháu trong đoàn làm phim”.
Vào lúc 14 giờ chiều 23.2, thi thể của ông đã được tẩm liệm, sau đó linh cữu đạo diễn Lê Mộng Hoàng được đưa đến chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ chiều cùng ngày. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 28.2 và chôn cất tại nghĩa trang Củ Chi (TP.HCM).
Theo P.C. Tùng - TNO