PHẠM HỮU
Bộ phim truyện đầu tiên về tuổi trẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh được quay tại Huế, Phan Thiết, Sài Gòn vào cuối năm 1989, đầu năm 1990; khởi chiếu tháng 5/1990 trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Đầu tháng 12/1989, phim được khởi quay tại Huế. Vì sao là Huế chứ không phải là Làng Sen xứ Nghệ?
Thời niên thiếu ở Huế, Nguyễn Tất Thành đã trải 10 năm cay đắng trong nhiều mối quan hệ gắn liền với nỗi đau mất nước. Nơi đây, Nguyễn Tất Thành đã mang trên đôi vai bé nhỏ của mình gánh nặng gia đình. Nơi hằn sâu trong ký ức của Người những kỷ niệm không bao giờ mờ phai. Cho đến ngày Người từ biệt chúng ta đi về thế giới bên kia, “Hằn trong đôi mắt của Người/ Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam” (Thu Bồn).
Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, đất nước đang chìm trong đêm dài nô lệ, muôn dân sống trong đói khổ, lầm than. Những ông vua yêu nước lần lượt bị đi đày. Giữa lúc ấy biết bao người đang cố tìm chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa sắt của dân tộc đang bị giam cầm. Đó là những bậc sĩ phu với tấm lòng yêu nước, thương dân đầy nhiệt huyết nhưng đã hết sứ mệnh lịch sử. Có người thổi bùng lên ngọn lửa Cần Vương khi nhà vua đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc ra đi. Có người tìm đến lòng nghĩa hiệp của người bạn đồng màu da. Có người cầu mong lòng nhân từ bác ái của nền văn minh phương Tây để mở mang dân trí, đợi thời... Trên con đường đi tìm chiếc chìa khóa vàng ấy, họ lần lượt ngã xuống và chỉ để lại những tên tuổi “đẹp một thời”!
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đó và trong mối liên hệ với truyền thống quá khứ, với bạn bè, quần chúng lao khổ. Cảm phục trước những tấm lòng yêu nước, thương dân của các thế hệ cha anh nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thức được vấn đề là phải đi tìm con đường khác, vượt ra ngoài khuôn mẫu của người trí thức phong kiến; phải có sự nhạy cảm, nắm bắt và xử sự theo xu thế thời đại, phù hợp với quy luật lịch sử.
Cuộc đời học sinh của Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu ở Huế. Có điều, ở người học sinh đặc biệt này là ngoài những kiến thức lĩnh hội trên lớp còn có cả sự ham mê học hỏi nhiều hơn trong trường đời. Và trong đời thường bình dị, con người ấy đã sớm bộc lộ những tâm tư, chí hướng khác thường. Các phòng học ở trường Pháp Việt lúc đó đều có câu khẩu hiệu Tự do, bình đẳng, bác ái. Nội dung giáo dục ở các trường Pháp Việt thường ca tụng nền văn minh nước Pháp, tư tưởng tiến bộ của người Pháp. Thành Thái là ông vua có tinh thần chống Pháp, muốn mở trường dạy cho dân mình biết văn minh, văn hóa phương Tây để canh tân đất nước, độc lập với nước Pháp. Các thầy giáo người Pháp không hẳn ai cũng mang tư tưởng thực dân, đế quốc. Đội ngũ giáo viên Việt Nam nhiều người rất giỏi và rất mẫu mực, trong đó có những thầy trực tiếp dạy và rất gần gũi với trò Thành như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến là những nhà giáo đầy tinh thần dân tộc và giàu lòng yêu nước, từng ra mặt chống đối người Pháp. Vì vậy, trường Tiểu học Đông Ba, rồi trường Quốc Học đã đáp ứng khá nhiều điều mà Nguyễn Tất Thành khao khát tìm hiểu, hấp dẫn Nguyễn Tất Thành về một xã hội có Tự do - bình đẳng - bác ái. Từ đó gợi cho Nguyễn Tất Thành khát vọng qua Pháp để tìm hiểu, khám phá những bí ẩn đằng sau những khẩu hiệu, những tư tưởng tiến bộ đó. Và ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn qua nước Pháp với chân phụ bếp trên tàu Latouche-Tréville.
Đó chính là những điều lý thú mà ở phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, tác giả kịch bản văn học Sơn Tùng và đạo diễn Long Vân đã lựa chọn khai thác những chi tiết, sự kiện tiêu biểu nhất trong cuộc đời thực nhân vật, đưa lên màn ảnh để người xem dễ dàng phát hiện ra những tín hiệu của một vì sao.
Lúc đầu kịnh bản văn học và kịch bản phân cảnh đều để tên là “Tín hiệu một vì sao”, tuy nhiên cơ quan chủ quản đơn vị sản xuất phim muốn đặt tên khác. Chưa thống nhất được tên phim nhưng phim vẫn được khởi quay vì thời gian về đích chỉ còn khoảng 5 tháng. Trong quá trình quay phim tạm dùng tên “Tất Thành - Hồ Chí Minh”. Tiêu đề băng rôn gắn trên xe là ĐOÀN LÀM PHIM “TẤT THÀNH - HỒ CHÍ MINH”.
Tác giả kịch bản và đạo diễn phim đều nhấn mạnh: Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huế là nơi phát tín hiệu chứ chưa phải là ngôi sao. Các nhà làm phim đã chú ý khắc đậm những nét tính cách riêng của Nguyễn Tất Thành. Trong suốt cuộc đời học sinh ở Huế, và trong suốt cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước cứu dân: từ Huế vào Phan Thiết, rồi Sài Gòn là sự phát triển thống nhất về tính cách và tư tưởng của Nguyễn Tất Thành, là tín hiệu của vì sao Nguyễn Ái Quốc bắt đầu tỏa sáng ở Paris, để sau này trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế, một danh nhân văn hóa thế giới - người là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một nguồn cảm hứng vô tận. Bên cạnh đó, Người có cả một tuổi thơ gắn liền với xứ Huế thơ mộng, với sông Hương núi Ngự hùng vĩ, Hoàng thành rực rỡ vàng son, lăng tẩm tráng lệ, chùa chiền uy nghi yên tĩnh, phủ thờ trang nghiêm. 100 năm sau (1989), thiên nhiên, cảnh vật và con người xứ Huế vẫn hội được nhiều yếu tố để dựng lại bối cảnh phim. Đó là các yếu tố cơ bản, đã kích thích các nghệ sĩ đam mê sáng tạo nghệ thuật.
Để dựng lại cuộc đời của một bậc vĩ nhân, đạo diễn Long Vân đã bắt tay chuẩn bị cho công việc làm phim từ 3 năm trước đó. Anh tìm ra Nguyễn Tiến Hợi, người có ngoại hình rất giống Bác Hồ thời trẻ trên sàn tập vở “Đêm trắng” của Đoàn kịch nói Quân khu 2. Quê ở xứ Nghệ, sinh trưởng ở Thủ đô. Tiến Hợi ngoài diện mạo, anh có giọng nói rất giống giọng Bác. Vì vậy mà có rất nhiều thư yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại nhiều lần vở kịch “Đêm trắng” để mọi người được nghe “tiếng Bác”. Cũng do vậy trong phim, Tiến Hợi có thêm nhiệm vụ lồng tiếng nhân vật Tất Thành. Nghệ sĩ Đức Chung (Đoàn kịch thanh thiếu nhi Hà Nội), người có giọng nói giống Bác nhất, được chọn lồng tiếng cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Cũng ở Đoàn kịch Quân khu 2, cách đó 2 năm đạo diễn Long Vân phát hiện ra Thu Hà, một diễn viên trẻ đẹp và hồn nhiên đóng vai út Vân sau khi cô xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên trong phim “Đề Thám”. Bá Lộc, Lan Hương trong vai cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được chọn trong quá trình làm phim “Người không mang họ”... Tác giả kịch bản và các nhà làm phim hiểu rằng, quyết định thành công của bộ phim là ở chỗ phải dựng lại được bối cảnh lịch sử để cho nhân vật xuất hiện, bộc lộ tính cách, ở ngoại hình - diện mạo, và tài năng diễn xuất của diễn viên.
Ngoài tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ nhân dân Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh, đoàn làm phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các địa phương khác, của bạn bè gần xa, trong và ngoài nước. Anh Nicôlas Coruet, một phóng viên người Pháp đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh đã ra Huế đóng vai Khâm sứ Trung Kỳ tốn kém khá nhiều, lại bị trễ ngày về vì trở ngại kỹ thuật trong quá trình quay vẫn vui vẻ, thoải mái. Các bạn ở Lãnh sự quán Liên Xô (cũ) tại Đà Nẵng phải “quá tam ba bận” vào ra, tham gia làm phim cũng không hề có một yêu cầu gì về đãi ngộ vật chất. Để có voi, ngựa trong cảnh quay ngày đại triều và cảnh vua Hàm Nghi đi đày, tỉnh Quảng Trị đã đưa vào 6 con ngựa, và cử ông Nguyễn Quang Tám, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa sang mượn voi của các bạn Lào. Anh Tiêng Phết Thìn Sê pôn, Giám đốc Xí nghiệp liên doanh khai thác lâm sản tỉnh Savanakhet, cho đoàn làm phim mượn một con voi kéo gỗ đã thuần phục mà không hề có đòi hỏi gì. Trong thư gửi Tỉnh ủy Quảng Trị, anh viết: “Để đóng góp cho công việc làm phim nhằm thể hiện tình cảm của chúng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với tỉnh Quảng Trị, chúng tôi xin đóng góp - góp chứ không bắt buộc đoàn làm phim phải thuê mướn theo giá trị ngày công hoặc hao mòn voi”.
Đoàn làm phim có một người phụ trách chụp ảnh từ đầu chí cuối nhưng đạo diễn Long Vân vẫn mời tôi xem và ghi hình tất cả các cảnh quay tại Huế, trong thời gian gần hai tháng.
Thực hiện bộ phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn” hồi ấy không còn riêng trách nhiệm của đoàn làm phim mà đã trở thành tình cảm và trách nhiệm chung của cả nước, của bạn bè gần xa với tình cảm ngưỡng mộ và kính yêu Người. Trong đó con người và vùng đất Huế có quyền tự hào. Trong một bài viết gửi đăng báo Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hà, giám đốc nghệ thuật phim, đã viết: “Cám ơn Huế đầu thế kỷ cưu mang Nguyễn Tất Thành, cuối thế kỷ lo cưu mang bộ phim truyện “Tất Thành - Hồ Chí Minh”.
Bức ảnh này tôi chụp ngày 25/12/1989 ở đèo Hải Vân, khi đoàn làm phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đang thực hiện những cảnh quay ở Huế. Đây là hình ảnh gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc vượt Đèo Ngang trên đường thiên lý lai kinh. Vào Huế, ông vừa là một Giám sinh (học sinh trường Quốc Tử Giám), vừa là một ông đồ Nghệ - để kiếm thêm đồng ra đồng vào, giảm tải gánh nặng cho người vợ yêu quý ngày ngày tảo tần bên khung cửi “nuôi đủ hai con với một chồng”! Câu chuyện có thật trong lịch sử là năm 1895.
Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nên duyên với ông Nguyễn Sinh Sắc, tại làng Chùa, bà sinh được 3 người con: Nguyễn Thị Thanh (1884), Nguyễn Sinh Khiêm (1888), Nguyễn Sinh Cung (1890). Năm 1895, bà gửi con gái lại cho mẹ rồi cùng chồng và hai con trai trẩy kinh. Tại Huế, bà làm nghề dệt vải, nuôi con và nuôi chồng theo học trường Quốc Tử Giám, chờ khoa thi Hội. Bà là một mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam: cả đời lam lũ, tần tảo nuôi con, chăm lo cho chồng theo đòi khoa cử và sự nghiệp.
Cho đến phút lâm chung đi vào cõi vĩnh hằng, người mẹ ấy chưa một lần nghĩ rằng mình đã sinh ra một vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, người làm thay đổi diện mạo của đất nước.
Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nên duyên với ông Nguyễn Sinh Sắc, tại làng Chùa, bà sinh được 3 người con: Nguyễn Thị Thanh (1884), Nguyễn Sinh Khiêm (1888), Nguyễn Sinh Cung (1890). Năm 1895, bà gửi con gái lại cho mẹ rồi cùng chồng và hai con trai trẩy kinh. Tại Huế, bà làm nghề dệt vải, nuôi con và nuôi chồng theo học trường Quốc Tử Giám, chờ khoa thi Hội. Bà là một mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam: cả đời lam lũ, tần tảo nuôi con, chăm lo cho chồng theo đòi khoa cử và sự nghiệp. Cho đến phút lâm chung đi vào cõi vĩnh hằng, người mẹ ấy chưa một lần nghĩ rằng mình đã sinh ra một vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, người làm thay đổi diện mạo của đất nước. |
P.H
(TCSH375/05-2020)