Quanh sàn diễn
Xung quanh vấn đề không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu hiện nay
15:21 | 28/10/2010
MINH HẰNGTừ trước đến nay vấn đề không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật là một yêu cầu hàng đầu, thường xuyên và nghiêm túc đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Thông qua chất lượng nghệ thuật chúng ta có thể đánh giá sự trưởng thành của mỗi đơn vị nghệ thuật trên các mặt chính trị, tư tưởng và khả năng chuyên môn của một tập thể nghệ sĩ.
Xung quanh vấn đề không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu hiện nay
Ảnh: Internet
Không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật là biểu hiện ý thức, trách nhiệm cao của người nghệ sĩ đối với đông đảo khán giả và sự vươn lên không ngừng của người nghệ sĩ đối với nghề nghiệp của mình. Chúng ta không thể xem một đơn vị nghệ thuật mạnh mà lại không có những vở diễn hay, làm rung động trái tim của khán giả chân chính đương thời và đánh giá một nghệ sĩ có tài năng mà lại không có những vai diễn đầy sáng tạo làm cuốn hút tình cảm người xem.

Xuất phát từ quan điểm trên, chúng ta vui mừng thấy rằng, sân khấu Bình Trị Thiên trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật. Những bước tiến ấy biểu hiện một cách sinh động và cụ thể qua các khâu sáng tác, dàn dựng và biểu diễn mà quy tụ là thông qua các vở diễn - sản phẩm cuối cùng - của các đoàn văn công chuyên nghiệp của tỉnh.

Điều đáng ghi nhận là trong lúc không ít đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật tập thể ở các địa phương khác đang có chiều hướng xa dần các đề tài hiện đại, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít khán giả thì các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Trị Thiên vẫn bám sát đề tài về con người mới, cuộc sống mới, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra trong sản xuất và chiến đấu của hôm qua và hôm nay. Những tấm gương sinh động và đẹp đẽ trong cuộc sống dần dần chiếm lĩnh vị trí trung tâm trên sân khấu của các đoàn. Đoàn kịch nói trong bốn năm liền dựng bốn vở về đề tài nông nghiệp và ngư nghiệp, trong đó có vở Bão tố ngoài khơi đã gây tiếng vang lớn trong đợt liên hoan nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại thủ đô Hà Nội; đoàn ca kịch, sau một thời gian dài chuyên dựng các đề tài về dân gian, lịch sử và đấu tranh thống nhất tổ quốc, đã bước đầu mạnh dạn đưa đề tài xây dựng vùng kinh tế mới lên sân khấu nhằm trực tiếp ca ngợi con người mới, cuộc sống mới. Đoàn múa hát truyền thống cùng với việc khai thác và trích đoạn các vở tuồng truyền thống, đã vươn lên xây dựng những vở diễn hoàn chỉnh mà ý nghĩa giáo dục của nó gần gũi với cuộc sống hôm nay; đoàn cải lương Sông Hương, một đơn vị nghệ thuật tập thể cũng đã cùng sánh vai với các đoàn nghệ thuật Nhà nước, trong ba năm dựng liền bốn vở về đề tài hiện đại… Hầu hết những vở diễn trên đều thu được cảm tình của đông đảo người xem trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng trong ba năm (1981-1983) đã có 3 triệu 485 ngàn lượt người xem đến với sân khấu của bốn đoàn, và số lượt người xem năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Đạt được thành quả đó, tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả cuối cùng của việc không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Những tác phẩm nghệ thuật sân khấu thành công bao giờ cũng mang lại cho người xem những hiểu biết mới mẻ, những khám phá thú vị, những điều sâu kín, tế nhị từ trong chiều sâu và chiều rộng của cuộc sống, của lòng người, đem lại cho họ một niềm ước mơ, khát vọng đẹp đẽ và cao thượng cần vươn tới và chiếm lĩnh. Vượt qua những khó khăn gay gắt về đời sống, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán bão lụt liên miên; vượt qua những thiếu thốn và nghèo nàn của trang bị vật chất và kỹ thuật; vượt qua những bước thăng trầm do tình hình sân khấu có những biến động phức tạp, đội ngũ sân khấu Bình Trị Thiên đã phần nào đáp lại lòng tin yêu của nhân dân, của Đảng và của anh chị em đồng nghiệp xa gần. Qua một số vở diễn như “Bão tố ngoài khơi” của Đoàn kịch nói; chương trình tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc của Đoàn ca múa năm 1983 được đánh giá cao và một số vở diễn như “Người đẹp suối tiên” của Đoàn ca kịch, vở “Phạm Công Cúc Hoa” của Đoàn múa hát truyền thống; vở “Vòng hoa tím” và gần đây vở “Đừng quên dòng nước mắt” của Đoàn cải lương Sông Hương đã nói lên điều đó.

Song, vấn đề đặt ra hiện nay là, bên cạnh nâng cao về diễn xuất và các mặt khác có liên quan đến việc xây dựng một sân khấu tổng thể, sân khấu Bình Trị Thiên cần không ngừng nâng cao tính chiến đấu và chức năng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ của các vở diễn.

Nghị quyết V của Đảng đã chỉ rõ “Chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh tình hình quốc tế đang diễn ra phức tạp, tình hình đất nước đang có nhiều khó khăn nghiêm trọng, cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang diễn ra gay gắt”. Trước tình hình đó tính chiến đấu trong các tác phẩm nghệ thuật càng phải được đề cao hơn bao giờ hết.

Điều đáng mừng là Sân khấu Bình Trị Thiên trong thời gian qua, không vấp phải những sai lầm nghiêm trọng. Nhìn chung, các vở diễn đều trong sáng về nội dung, phong phú về hình thức và lành mạnh về phong cách biểu diễn. Tuy vậy, tính chiến đấu của một số vở diễn chưa cao, tầm tư tưởng của tác phẩm chưa vươn tới hoặc tiếp cận được những vấn đề mà cuộc sống sôi động đang đặt ra và yêu cầu cần được giải đáp. Hình ảnh con người mới, cuộc sống mới chưa thực sự chiếm vị trí trung tâm trên sân khấu. Nhìn vào chương trình biểu diễn hiện nay của các đoàn, ta thấy hầu hết các vở đều nêu lên những vấn đề hôm qua nhiều hơn những vấn đề hôm nay, nói gián tiếp nhiều hơn nói trực tiếp; những vở diễn hiện đại, nói về con người và cuộc sống hôm nay không được đầu tư, duy trì nuôi dưỡng và phát huy tác dụng, làm cho nó giữ được sức sống lâu bền, ngược lại những vở diễn về đề tài lịch sử, về chuyện dân gian v.v… lại được đưa lên hàng đầu. Điều ấy, không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ đề tài lịch sử mà chỉ muốn nói rằng, sân khấu hôm nay, trước hết phải đề cập đến những vấn đề về cuộc sống hiện tại, nếu như né tránh thì vô tình chúng ta đã giảm nhẹ tính chiến đấu, một yếu tố hết sức quan trọng của tác phẩm nghệ thuật.

Nhất là trong lúc này, nhiệm vụ trung tâm trước mắt của văn hoá - văn nghệ đã được xác định là phải khẳng định mạnh mẽ những giá trị mới của cuộc sống hôm nay, bám sát nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chống cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt rất thâm độc của tập đoàn phản động Bắc Kinh… thì tính chiến đấu và sự nhạy bén của các tác phẩm nghệ thuật cần được đặc biệt chú trọng. Trước mắt ngành nghệ thuật sân khấu đang khẩn trương chuẩn bị phục vụ những ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 1984-1985 và tham gia hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 1985 mà yêu cầu cụ thể đã được đặt ra là phải nâng cao chất lượng tư tưởng và nghệ thuật của các vở diễn theo phương hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, lấy việc xây dựng hình tượng con người mới, ca ngợi cuộc sống mới làm nhiệm vụ trung tâm, tích cực đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc, đặc biệt, sớm loại trừ khuynh hướng thương mại trên sân khấu cả nước. Và thông qua việc chuẩn bị cho hội diễn mà tạo ra một bước chuyển biến mới của ngành nghệ thuật sân khấu, có sự phát triển cao hơn về đề tài, về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật của vở diễn, có tác dụng nâng cao nhận thức tư tưởng, nâng cao trình độ thẩm mỹ, tạo ra những đối tượng khán giả chân chính của sân khấu cách mạng. Những yêu cầu đó là thước đo tài năng và sức sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên trong thời gian tới.

Trong những năm đánh Mỹ chúng ta đã có những vở diễn mà tính chiến đấu đã hòa chung với khí thế của chiến trường, không lẽ trong cuộc sống sôi động hôm nay, chúng ta lại không có những vở diễn ngang tầm với thời đại hay sao?

Cuộc sống mới đang đặt ra cho sân khấu những đòi hỏi mới, những tầm cao mới và việc không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của vở diễn, nhất là nâng cao tính chiến đấu của mỗi tác phẩm nghệ thuật là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, với tài năng, trí sáng tạo và lòng say mê nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ, sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, với sự mong chờ của đông đảo khán giả, trong không khí chào mừng những ngày hội lớn của dân tộc, đặc biệt là việc chuẩn bị tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng các đoàn nghệ thuật của Bình Trị Thiên trong thời gian tới sẽ có những tác phẩm mới ngang tầm với thời đại, mang đậm đà bản sắc địa phương xứng đáng là một bông hoa trong vườn hoa rực rỡ của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Huế, ngày 26 tháng 3 năm 1984
M.H.
(7/6-84)





Các bài mới
Các bài đã đăng