TRƯƠNG TRỌNG BÌNH
I. Tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu truyền thống Huế
Nghệ thuật diễn xướng của sân khấu truyền thống Huế nguyên xưa thường được sử dụng trong các cuộc tế, lễ hoặc các dịp hiếu, hỉ, giải trí ở triều đình và các phủ đệ.
Dưới triều Nguyễn các loại hình sân khấu truyền thống như Tuồng rất được coi trọng. Ngoài ra, ở các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn xuất hiện thêm một loại hình nghệ thuật khác - Ca nhạc Huế thính phòng - sau này được phát triển và trở thành một thể loại sân khấu mới là Ca kịch Huế.
Lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu truyền thống Huế, chủ yếu là nghệ thuật tuồng nằm trong bối cảnh khá đặc biệt. Năm 1558, trong khi triều đình nhà Lê lâm vào cảnh rối ren, chúa tiếm quyền vua, Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa với ý đồ xây dựng một giang sơn riêng. Sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúa Nguyên (1563 - 1635) với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, thu phục nhân tâm, trọng dụng tướng tài, luyện tập quân sĩ, xây lũy đắp thành, kết hợp với chính sách chiêu dân lập ấp, khai sơn phá thạch nhằm phát triển kinh tế, cũng như mở cửa giao thương với nước ngoài nên đã xây dựng một vương triều độc lập, vững chắc tại xứ Đàng Trong ổn định về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật diễn xướng cung đình được hình thành dựa trên cơ sở kế thừa di sản của các triều đại trước.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) nghệ thuật diễn xướng cung đình khá phát triển. Bấy giờ có Đào Duy Từ, nguyên là người Thanh Hóa, do xuất thân con nhà hát xướng nên không được đi thi ở triều Lê. Ông phẫn chí vào Đàng Trong, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong làm quan nội tán với tước Lộc Khê Hầu. Vừa là một nhà quân sự tài ba, ông còn là người rất giỏi về âm nhạc và tổ chức âm nhạc. Ông đã lập ra Hòa thanh thự trong triều đình gồm ba đội: đội nhất và đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca, múa. Mỗi đội này có một suất đội và 120 người lính đều thuộc quyền trông coi của viên phó quản. Các đội này chuyên phục vụ trong các dịp nghi lễ, tế bái, yến tiệc của triều đình. Thời đó, triều đình chúa Nguyễn đã có khá đầy đủ các thể loại âm nhạc phục vụ cho nhu cầu của chốn hoàng cung như: dàn nhạc Hoàng cung, múa hát cung đình, Tuồng. Thời kỳ này, Tuồng là hình thức sân khấu phát triển nhất ở Đàng Trong. Loại hình nghệ thuật này được các chúa Nguyễn và vua Nguyễn về sau rất yêu thích. Đời Gia Long (1802 - 1820) đã có đội Tuồng cung đình lấy tên Việt Tường đội. Đến đời vua Minh Mạng (1820 - 1840) đổi Việt Tường đội thành Thanh Bình thự, gồm một thự trưởng và 121 ca công, vũ công và nhạc công. Trong Tử Cấm Thành, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây Nhà hát Duyệt Thị Đường để biểu diễn nhạc và Tuồng cho vua, hoàng tộc cùng các quan đại thần xem. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây dựng nhà thờ các vị tổ ngành hát bội. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) nhà vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm Đường tại Khiêm Lăng.
Có thể nói, triều Nguyễn là thời đại hoàng kim của nghệ thuật Tuồng. Thời kỳ này xuất hiện các vở Tuồng có quy mô lớn như: Vạn bửu trình tường, Quần phương Hiến thụy… Những tác giả nổi tiếng thời kỳ này có: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Gia Ngoạn, Nguyễn Văn Diêu… Các vở Tuồng khuyết danh như: Tam nữ đồ vương, Sơn hậu… cho đến nay vẫn được xem là những vở Tuồng kinh điển.
Nói chung nghệ thuật diễn xướng trong cung đình triều Nguyễn thường mang những nội dung trung quân, ái quốc. Tư tưởng Nho giáo giữ vai trò chính với tam cương, ngũ thường cùng các học thuyết về đạo đức xã hội.
1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu Tuồng Huế
Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến nhà Lê bước vào thời kỳ suy thoái. Chúa Trịnh tiếm đoạt mọi thực quyền, vua Lê chỉ là hư vị. Triều đình ngày càng hỗn loạn, ăn chơi xa hoa, nhân dân đói khổ, lầm than. Ở Đàng Trong do chúa Nguyễn trị vì thì cục diện lại trái ngược, kinh tế mở mang, đời sống nhân dân ấm no. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) nối nghiệp cha, giữ vững ngọn cờ cát cứ Đàng Trong, chống lại chúa Trịnh. Trong thời điểm này, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) gặp Đào Duy Từ quê ở Thanh Hóa, học giỏi, kiến thức rộng, cũng là người có chí lớn, luôn mong muốn đem khả năng của mình góp phần trị quốc, an dân. Thân sinh ông là nhạc quan Đào Tá Hán, do sáng tác bài hát phạm tên Trịnh Kiểm nên bị cách chức. Với xuất thân “con nhà hát xướng” như vậy nên Đào Duy Từ không được triều đình nhà Lê trọng dụng mà còn bị coi khinh. Phẫn chí, Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong, ở Vũ Xương, sau đó vào Bình Định, gặp trọng thần của chúa Nguyễn là Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa mến mộ tài năng của ông nên đã gả con gái cho và tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đào Duy Từ được nhà chúa tin cậy cử trông coi việc binh cơ, giúp xây dựng bộ máy hành chính và tham gia cải cách một số lĩnh vực văn hóa xã hội ở Đàng Trong. Những thành tựu mà họ Đào đã giúp chúa Nguyễn trong các lĩnh vực nói trên đã được ghi rõ trong nhiều sách và tư liệu. Từ điển Văn hóa Việt Nam (Nxb. Giáo dục, 1999) ghi: “Đào Duy Từ đã bày nhiều mưu lược, tổ chức hậu phương... đắp lũy, xây thành, tuyển mộ binh lý, góp phần đắc lực vào việc gây dựng thanh thế chúa Nguyễn và phát triển nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội ở Đàng Trong... Do có nhiều công lao giúp nhà Nguyễn xây dựng vương triều mới nên được coi là công thần khai quốc. Khi mất được truy tặng Quận công và thờ ở Thái Miếu”.
Ông là người đã có công lớn trong việc xây dựng ngành Hát Bội ở Cung đình chúa Nguyễn và là người sáng tác vở Tuồng “Sơn Hậu”. Từ điển Văn học Việt Nam, tập I (Nxb. Khoa học Xã hội) ghi rõ: “Đào Duy Từ có công phát triển nghề Hát Bội, là người khởi thảo vở Tuồng Sơn Hậu...”. Có thể nói, tuồng “Sơn Hậu” là kịch bản thành văn đầu tiên của ngành Tuồng, cũng là kịch bản thành văn đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, được sáng tác trong khoảng thời gian Đào Duy Từ làm việc dưới trướng chúa Sãi (1626 - 1634). Vở Tuồng được Đào Duy Từ khởi thảo, về sau có một số tác giả chỉnh biên ở một số lớp. Công tác chỉnh biên chủ yếu là thêm lời Tuồng hoặc thêm một vài hành động trong lớp diễn. Về căn bản vẫn giữ nguyên cốt truyện, chủ đề tư tưởng, tính cách các nhân vật và bố cục vở.
Ngày nay, giới nghệ thuật Tuồng và cổ nhạc Huế vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi năm 1627 là niên đại khởi đầu của lịch sử Tuồng Huế. Nghệ thuật Tuồng đã trải qua 3 thời kỳ phát triển trong dòng văn hóa Phú Xuân, và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức (1847 - 1883) đã từng tổ chức đội ngũ sáng tác Tuồng bao gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn, ông là tác giả kiệt xuất của nhiều vở Tuồng nổi tiếng như: Bình Địch, Tứ Quốc Lai Vương, đặc biệt là 2 vở: Vạn Bửu Trình Tường (soạn các hồi sau) và Quần Phương Tập Khánh (soạn chung). Một số nhà hát được xây dựng dưới triều Nguyễn nhằm phục vụ bộ môn nghệ thuật Tuồng:
- Thanh Phong Đường, do Vua Gia Long (1802 - 1820) cho lập năm 1805.
- Duyệt Thị Đường, do vua Minh Mạng (1820 - 1840) cho xây dựng năm 1826. Đây là nhà hát có quy mô, tuổi thọ và có thành tích hoạt động tiêu biểu nhất trong số các nhà hát cung đình Việt Nam.
- Tĩnh Quan Viện, do vua Triệu Trị (1841 - 1847) cho lập năm 1843 để phục vụ cho Hoàng gia.
- Minh Khiêm Đường, do vua Tự Đức (1847 - 1883) cho xây dựng năm 1865 tại khuôn viên lăng của mình với mục đích xem hát lúc còn sống, đồng thời ngay cả khi qua đời ông cũng muốn được thưởng thức Tuồng, bộ môn nghệ thuật mà chính nhà vua đã hết sức say mê và góp phần xây dựng, phát triển đến đỉnh cao trong lịch sử sân khấu Việt Nam.
1.2. Lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu ca kịch Huế
Với vị trí lịch sử đặc biệt của mình, Phú Xuân - Huế đã từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của hai triều Tây Sơn và nhà Nguyễn. Nơi hội tụ nhân tài và tinh hoa của cả nước. Về âm nhạc, Huế là nơi duy nhất trong cả nước hội tụ đủ cả hai dòng âm nhạc dân gian và âm nhạc bác học chuyên nghiệp. Trong đó đặc sắc nhất là âm nhạc thính phòng ca Huế.
Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm hình thành và phát triển ca Huế có thể từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, đây là giai đoạn bình yên và cực thịnh của các chúa Nguyễn. Nghệ thuật ca nhạc là một thú vui dành cho giới quí tộc. Thế kỷ XIX ca nhạc Huế thực sự hình thành với số bài bản được rút ra từ trong nhạc lễ cung đình như các bản Long ngâm, ngũ đối thương, ngũ đối hạ hệ thống các bài bản trong 10 bài ngự. Và ca Huế thực sự phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều vị quan lại, quý tộc của triều đình nhà Nguyễn. Tương truyền chúa Nguyễn Phúc Chu đã sáng tác ra bài Ai giang nam là tiền thân của bài Nam ai, vua Tự Đức đã dựa vào bài dân ca quan họ Khí tương phùng để sáng tác ra bài Tứ đại cảnh...
Trong một cuốn sách in các điệu ca Huế, phần nhiều là Nam ai, Nam bình của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, có mấy lời giới thiệu như sau: “Ca mà gọi ca Huế, vì thanh âm người Huế hiệp với điệu ca này, mà phía Bắc xứ Huế như người Quảng Trị với Quảng Bình cũng ca được, còn từ Linh Giang dĩ Bắc, Hải Vân quan dĩ Nam, đều có người ca, mà ca giỏi như thế nào, cũng có hơi trạy bẹ. Ấy là câu chuyện ai cũng biết rồi.
Duy điệu ca khởi điểm từ thời nào, khi nào, sử thi không truyền lại, chỉ thấy thời đại yêu chuộng nghề văn mà đoán, thời điểm từ đời Hiếu Minh (chúa Nguyễn về hệ bảy).
Đức Hiếu Minh hiệu Thiên Tùng Đạo Nhơn, là ông chúa thượng văn, năng về vịnh. Con ngài là ông Tứ (tức Đán), cháu là ông Dực đều có tiếng giỏi từ chương. Chúa Nguyễn trấn thủ Thuận Hóa, Thuận Hóa tức là Huế ngày nay, mà Chiêm Thành ngày xưa (Ô châu, Lý châu). Lạ chi, gặp đời ông chúa Thượng văn, thời triều đình sao cũng có ban nhạc phủ, triều đình có nhạc phủ, thời tao nhơn, mặc khách ở tri hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc ca chương...”.
Như vậy, bắt nguồn từ nhạc cung đình, ca nhạc cổ truyền qua nhiều thế kỷ ca Huế đã từng bước hình thành và phát triển đến độ rõ nét và hoàn chỉnh, rồi tách ra thành một bộ phận âm nhạc khác - âm nhạc thính phòng. Loại âm nhạc này có thể có từ thế kỷ XIX, còn trước đó có chăng chỉ là tiền đề về sự phôi thai của hình thức thính phòng mà thôi.
Những hình thức ca nhạc thính phòng của ca Huế ngày càng phát triển và cũng từ đó, đến lượt mâu thuẫn (vốn sẵn có) xuất hiện. Mâu thuẫn này thể hiện hai mặt, bên trong thì những yếu tố có tính sân khấu của ca nhạc Huế bị những hình thức đó khống chế nên không phát huy được, bên ngoài cũng bị hạn chế về số người đến thưởng thức. Hai mặt mâu thuẫn của nội tại và khách quan ấy đòi hỏi phải thiết lập thêm một hình thức mới khác khả dĩ đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, do đó hình thức ca bộ (ca có điệu bộ) ra đời. Những ca sĩ và nhạc công đều ngồi trên chiếu trải giữa sân rộng, vừa ca làm động tác tay đơn giản vừa làm trò để mọi người chung quanh thưởng thức.
Năm 1920, Phường ca bộ Thu Nương lúc ấy đang lưu diễn tại Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rạp hát trình diễn trọn vẹn vở ca Huế Trần Bồ chuyển thể từ vở tuồng đồ cùng tên. Đó là vở ca kịch Huế đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quyết định về sự hình thành và xuất hiện của môn nghệ thuật ca kịch Huế.
Ít lâu sau, một gánh ca Huế mang tên Gánh ca Huế Hồng Thu với đầy đủ phông màn đã biểu diễn ngay giữa kinh đô Huế và giới thiệu với những người dân địa phương một loại hình nghệ thuật ca kịch Huế mới mẻ.
Từ những năm 1920 - 1930, các đoàn ca kịch Huế phần lớn diễn các vở về truyện thơ dân gian như: Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương... Nhưng chẳng bao lâu những diễn viên trẻ của một số đoàn đua nhau diễn các vở thuộc về đề tài hiện đại rút từ phim ảnh như: Ái tình và tôn giáo, Cha con, Người tàng hình, Lá ngọc cành vàng... Tuy vậy, thời gian thịnh đạt nhất của sân khấu ca kịch Huế là thời kỳ 1930 - 1945.
II. Sân khấu truyền thống Huế đang ngày bị mai một, thử đi tìm một số nguyên nhân
2.1. Môi trường diễn xướng
Diễn viên tuồng Đồng ấu |
Sân khấu tuồng Huế được hình thành và phát triển rực rỡ ở chốn lầu son, gác tía của triều đình nhà Nguyễn. Và dù sinh sau đẻ muộn nhưng sân khấu ca kịch Huế cũng đã vang bóng một thời trong các phủ đệ của quan lại triều Nguyễn cũng như trong các gia đình danh giá có mang dòng máu hoàng thất. Đây chính là môi trường diễn xướng nguyên thủy của hai loại hình nghệ thuật sân khấu, và những người dân của Huế xưa luôn tự hào về những gì mà hai loại hình nghệ thuật này vốn có.
Sau khi triều đình nhà Nguyễn cáo chung, kèm theo những cuộc chiến tranh liên miên kéo dài trong những năm của thế kỷ XX, khiến hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống mất dần môi trường diễn xướng. Không còn cơ hội để theo đuổi nghề nghiệp, các nhạc công, ca công, vũ công đành quay về với gia đình, bôn ba tìm kế mưu sinh. Rồi chiến tranh, loạn lạc, kẻ Bắc, người Nam, khiến cho họ càng không có thời gian và cơ hội để thể hiện nghề nghiệp. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu tuồng Huế và ca kịch Huế không còn điều kiện phát triển, thậm chí bị “thui chột” và thất truyền nhiều nhất.
Một sự kiện đã gây dư luận xôn xao ở Huế khi cuối năm 1941, đoàn ca kịch Huế Đồng Thanh bị chính quyền Pháp bắt giam toàn đoàn tại tỉnh Tha Khẹt ở Lào vì đã tuyên truyền diễn vở Hồn lao động. Phản đối bản án của tòa án tỉnh Tha Khẹt, đoàn đã chống án ra tòa án Thượng thẩm Hà Nội với sự nhận lời bào chữa của các luận sư. Sau một tháng, chúng đưa các nghệ sĩ Châu Thành, Văn Lang, Nguyễn Văn Bụi, Lê Văn Tiêm ra giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) để chờ ngày phúc thẩm. Nhưng gần đến ngày xét xử thì các luật sư rút lui. Do đó, các nghệ sĩ phải tự mình bào chữa buộc tòa án phải tha bổng cho tất cả diễn viên. Tuy vậy, chúng cũng tăng án đối với nghệ sĩ Nguyễn Văn Bụi, Lê Quang Tiêm, Châu Thành, Văn Lang vì tội tuyên truyền ca ngợi Mặt trận bình dân ở Pháp.
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, kinh tế dần phục hồi, cuộc sống người dân dần ổn định, bắt đầu an cư, quay về với cuộc sống bình thường. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng tâm lý đã ổn định, ngoài việc chăm lo sinh hoạt hằng ngày, người dân đã chú tâm đến đời sống vui chơi, giải trí. Những người nghệ nhân, nghệ sỹ ngày xưa có thời gian và điều kiện quay trở lại với các loại hình nghệ thuật trước đây đã từng nuôi sống gia đình và bản thân họ. Mặc dù vẫn yêu cái nghiệp tuồng và ca kịch Huế nhưng các nghệ sỹ cũng đành chạy theo thị hiếu của khán giả, và các nghệ sỹ “có nghề” đã theo tiếng gọi của những câu vọng cổ cải lương lúc đó đang được khán giả yêu thích.
Hiện nay, nghệ thuật sân khấu tuồng Huế và ca kịch Huế được hai nhà hát: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Ca kịch Huế chịu trách nhiệm bảo tồn nhằm phát huy những giá trị nghệ thuật mà hai loại hình này vốn có. Tuy vậy, theo thông tin chúng tôi nhận được thì số xuất diễn để phục vụ khán giả hàng năm của hai đơn vị này chỉ đếm trên đâu ngón tay. Theo các nhà quản lý nghệ thuật, vấn đề trên bắt nguồn từ thị hiếu của khán giả và cũng do hai loại hình nghệ thuật này đã mất không gian diễn xướng nguyên thủy nên không còn giữ được diện mạo như xưa.
Ngoài ra, do các tư liệu lịch sử về hai loại hình nghệ thuật này không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về hai loại hình này còn quá ít ỏi... Thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị sân khấu truyền thống của Huế. Nhìn chung, các loại hình diễn xướng của sân khấu truyền thống Huế đã bộc lộ những hạn chế về mặt tư liệu, cũng như các kỹ năng diễn xướng nguyên thủy, mà hầu như những điều đó lại do một số ít nghệ nhân nắm giữ.
2.2. Việc trao truyền nghề nghiệp và thị hiếu khán giả đối với sân khấu truyền thống Huế
Qua tìm hiểu về hai loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Huế, chúng tôi nhận thấy rằng: Đa số diễn viên cũng như người làm công tác giảng dạy chuyên ngành chưa có một giáo trình, một giáo án hoàn chỉnh trong kế hoạch đào tạo sân khấu truyền thống của Huế.
Hiện nay, nhà hát Duyệt Thị Đường chính là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn và làm sống lại môi trường diễn xướng cho các loại hình nghệ thuật cung đình, trong đó có nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế. Tuy vậy, những nghệ nhân tâm huyết với công việc trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ kế cận đang ngày một lớn tuổi nên khó có thể gánh vác công việc này một cách dài hơi.
Vẫn còn những người nghệ sĩ đang sống với nghiệp diễn của hai loại hình nghệ thuật này, nhưng thế hệ kế cận thì không mặn mà gì với sân khấu truyền thống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến sân khấu truyền thống của Huế mất dần đi thế hệ được trao truyền và nắm giữ.
Chúng ta đã có nhiều dự án về việc đưa sân khấu truyền thống đến với học đường, nhưng vì chúng ta không biết hướng và dạy cho các em hiểu thế nào là những giá trị nghệ thuật sân khấu để từ đó các em yêu thích. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này bởi chúng tôi nhận thấy rằng, chúng ta đã quá vội vã khi dạy cho các em các trích đoạn, phải chăng chúng ta mong các em trở thành nghệ sĩ? Chúng ta đưa sân khấu đến với học đường là để dạy cho các em trân trọng những giá trị di sản mà cha ông chúng ta đã để lại, chứ không phải chúng ta dạy những trích đoạn để rồi ngày bế giảng lớp học cũng là ngày các em chẳng nhớ, chẳng biết chúng ta đã dạy gì cho các em.
Xã hội ngày một phát triển, theo đó những loại hình vui chơi, giải trí được du nhập từ nước ngoài cũng nở rộ như “nấm sau mưa” do đó giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến những giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống.
2.3. Những vấn đề khách quan
Như đã nói ở trên, nghệ thuật sân khấu truyền thống Huế manh nha từ lâu đời nhưng đã phát tích rực rỡ dưới triều nhà Nguyễn. Tuy nhiên, những tư liệu thành văn mà tiền nhân đã để lại chúng ta không còn nhiều. Và hiện nay công tác sưu tầm của những người làm nghiên cứu về hai loại hình này vẫn còn rất hạn chế.
Mặt khác, điều kiện xã hội phát triển, nhưng “sân chơi” của nghệ thuật sân khấu truyền thống đối với khán giả thì ngày bị thu hẹp một cách vô điều kiện (do khán giả không còn quan tâm). Do đó, các nghệ sĩ phải làm thêm những công việc bên ngoài để kiếm sống và không còn quan tâm đến việc rèn luyện chuyên môn.
Diễn viên không được và không có điều kiện để tập huấn thường xuyên.
Diễn viên các nhà hát nghệ thuật của Huế đa phần là hội viên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế, nhưng do kinh phí hoạt động của hội còn hạn chế nên không có điều kiện để hỗ trợ cho hội viên.
III. Một số đề xuất trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống
3.1. Hiện nay, Nhà hát Duyệt Thị Đường chính là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn và làm sống lại môi trường diễn xướng cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Huế trong đó có nghệ thuật tuồng. Tuy vậy, những nghệ nhân tâm huyết với công việc trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ kế cận đang ngày một lớn tuổi. Do đó, để những nghệ nhân này tâm huyết trao truyền bí quyết nghề nghiệp, chúng ta cần lựa chọn những người học trò có tâm huyết thật sự. Đây có thể là một định hướng tốt trong vấn đề truyền nghề để những diễn viên, nhạc công hôm nay sẽ trở thành những nghệ nhân tương lai. Nếu làm được theo cách này thì các bí quyết của các nghệ nhân đi trước sẽ dễ dàng được trao truyền lại cho thế hệ kế tiếp và những người nghệ sĩ hôm nay chính là cầu nối.
3.2. Để bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống, chúng ta cần phải tinh gọn lại sân khấu chuyên nghiệp, tránh trường hợp một tỉnh thành có nhiều đoàn kịch hát. Đây là điều không cần thiết, bởi rằng kinh phí sẽ bị phân tán và không tập trung cho việc nghiên cứu, bảo tồn nhằm phát huy tính hiệu quả của nó.
3.3. Nhà nước cần có một dự toán kinh phí và vật chất để sân khấu truyền thống mang đặc trưng của vùng miền có chương trình trong việc bảo tồn và phát huy một cách cụ thể.
3.4. Hiện nay, người dân ở các thành phố lớn không còn mặn mà với các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn do thiếu thốn về nhiều mặt nên sân khấu vẫn là thú vui chơi, giải trí rất cần thiết. Đây chính là cơ hội để chúng ta đưa loại hình nghệ thuật này đến để giới thiệu với những người dân nơi đây. Và một điều đặc biệt mà chúng ta cần quan tâm, đó là chúng ta cần có một nguồn ngân sách để phát triển nghệ thuật truyền thống đối với các đội nghệ thuật không chuyên của các phường, xã.
3.5. Phải tạo ra một chính sách đãi ngộ thích ứng và phù hợp, tiến hành nghiên cứu và xây dựng hồ sơ “Báu vật nhân văn sống” có cơ sở pháp lý, có nguồn trích dẫn kinh phí hỗ trợ lâu dài về vật chất để nghệ nhân, nghệ sĩ của sân khấu truyền thống có thể toàn tâm, toàn ý gìn giữ và trao truyền lại những bí kíp mà họ đang nắm giữ cho thế hệ kế tục. Bởi vì, khi nghệ nhân được nhà nước đãi ngộ, được xã hội tôn vinh một cách thích đáng thì họ sẽ không ngần ngại trao truyền lại các bí quyết nghề nghiệp cho thế hệ tương lai. Mặc khác, các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp sẽ nhìn vào đó để phấn đấu, rèn luyện để trở thành những nghệ nhân kế tục và nhờ đó những tinh hoa của sân khấu truyền thống sẽ không bị gián đoạn, sẽ không bị mai một dẫn đến thất truyền.
T.T.B
(SH291/5-13)