Sân khấu Huế
Thanh Bình Thự, trường dạy nghệ thuật tuồng đầu tiên ở Việt Nam
16:02 | 08/06/2021

TÔN THẤT BÌNH

Cuối năm 1991, Bộ Văn Hóa Thông tin và Thể thao đã cấp kinh phí để trùng tu lại Thanh Bình từ đường. Đây là lần trùng tư thứ ba (lần thứ nhất vào năm Quý Mùi 1823, lần thứ hai vào năm Mậu Tuất 1958).

Thanh Bình Thự, trường dạy nghệ thuật tuồng đầu tiên ở Việt Nam
Thanh Bình từ đường - Ảnh: internet

Thanh Bình từ đường chỉ là nhà Thờ T ngành tung. Từ triều Minh Mạng tại khu vực này còn có tiền đường, rạp hát, cơ sở đào tạo diễn viên cho đoàn tuồng cung đình của Thanh Bình thự và nhà ở của các thy đội tuồng. Chúng tôi xin cung cp một ít tư liệu v hoạt động của Thanh Bình Thự nhân ngày khởi công trùng tu một trong những di tích văn hoá quan trọng ở Thành phố Huế.

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật cao đòi hỏi diễn viên phải khổ công rèn luyện, học tập. Ý thức được tầm quan trọng của sự nghiệp đào tạo, trường dạy nghệ thuật tuồng quy mô đầu tiên ở nước ta được thành lập dưới triều Minh Mạng (1820-1840) có tên là Thanh Bình thự. Qua triều Thành Thái (1889-1907) đổi tên là Võ can thự, đến triều Bảo Đại (1925-1945) lại đổi tên là trường Thanh Bình.

 

"Tam tinh chúc thọ" được biểu diễn trong ngày tái hiện lại lễ tế Thanh Bình từ đường 8-2019 - Ảnh: baothuathienhue.vn

1- L lối tổ chức

Thanh Bình thự đặt dưới quyền điều hành của một thự trưởng, một phó quản, ba chánh phó đội, sáu quyền suất đội. Thự trưởng được phong hàm ngũ phẩm(1). Trường đào tạo ba ngành : nhạc, múa và tuồng. Về tuồng, lúc đầu chỉ đào tạo diễn viên nam, học viên học một khóa hai năm, sau đó dành thời gian tập vở để vào diễn ngự (diễn cho vua xem), hoặc diễn trong các ngày đại lễ. Các tích hát thường là Vương mu hiến đào, Dư Nhượng đ long bào, Tam Anh chiến Lữ Bố, Giang tả cầu hôn, Triệu Vân triệt giang đoạt A đu, Sơn Hậu, Tam nữ đ vương v.v... Y phục và lễ nhạc theo lễ thức của triều đình. Thông thường các học viên phải được Thanh Bình thự rèn tập từ ba đến bốn năm mới được phép diễn, sau khi được chứng nhận là thành thạo vững tay nghề. Các vở diễn ngự thường là nam đóng nữ.

Các học viên đều học tập, ăn ở, sinh hoạt tại khu vực Thanh Bình. Học viên học tập dưới những quy pháp nghiêm ngặt, gian khổ.

Qua mỗi triều đại, từ triều Minh Mạng đến triều Thành Thái, số học viên có những thay đổi. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi(2), số học viên học tập được phân chia theo từng triều vua như sau:

Triều Minh Mạng: 3 đội, 120 học viên, Triều Thiệu Trị: 2 đội, 88 học viên, Triều Tự Đức : 3 đội, 105 học viên, Triều Thành Thái: 3 đội, 120 học viên (sau tuyển thêm 20 đồng ấu).

Triều Khải Định : 2 đội, 66 học viên (sau tuyển thêm 30 đồng ấu).

Qua số liệu được kể trên, ta thấy triều Minh Mạng và Thành Thái, số học viên đông hơn cả. Học viên được chia thành ba đội để học múa, tuồng và âm nhạc, mỗi đội bốn mươi người. Tổng số này khác với tổng số mà Văn Long đã công bố:

"Theo một số nghệ nhân cho biết thì tổ chức ba vũ có từ năm 1817. Đến năm 1820 thì phát triển mạnh. Lúc bấy giờ gọi là "Thanh Bình đội" gồm có 381 người, chia làm ba môn: múa, tuồng và ca nhạc. Mỗi môn có 120 diễn viên, một chánh và sáu phó đội. Sau đổi tên là Võ Can Đội"(3)

2- Phương pháp đào tạo

Học viên ở Thanh Bình thự được huấn luyện, học xướng, học hát, học múa, học làm điệu bộ, tuy không có giáo trình giáo án, chỉ dạy theo lối truyền khẩu, dựa vào kinh nghiệm, nhưng các học viên được dạy theo phương pháp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Có mười bài học cơ bản:

Bài 1: nói lối (Vào thủ) tập nói cho rỗng hơi, vỡ giọng, thầy nói trước từng câu, tất cả học viên nói theo rập ràng. Rồi lần lượt từng học viên nói để thầy uốn nắn, sửa chữa; nói hai câu:

Thần đẳng lưỡng ban tiền tử,
Tề lai hiến thọ ba đăng.
(Chúng tôi hai hàng văn võ chầu vua,
Đến chúc thọ bằng bài múa bông)

Bài 2: Xen tam lang. Tập cách đi uốn mình cho dẻo bằng cách để ba cái chậu theo hình chữ "V" học viên đi đến chậu nghiêng mình bước qua, đây là bài tập cơ bản về nghệ thuật đi.

Bài 3: Bài tập múa "Yên lung bích thọ", điệu múa đơn giản có mục đích tập cho động tác tay chân phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển.

Bài 4: Múa Tam quốc, bài "Thời hồ Huỳnh Cân" điệu múa phức tạp để diễn tả ý nghĩa ngôn từ; thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, ba mươi sáu người cùng thống nhất động tác, theo từng chữ, từng câu. Học viên vừa múa vừa hát:

Thời hồ Huỳnh Cân khởi phân phân,
Nhiễu liễu lương dân loạn phong trần.
(Hỡi ơi giặc khăn vàng nổi lên làm loạn,
Quấy nhiễu lương dân, khắp nơi gió bụi)

Cách diễn đạt như sau:

Thời hồ: dơ hai bàn tay trước mặt.

Huỳnh cân khởi phân phân : xoay tay, chỉ hai ngón tay về một hướng

Nhiễu liễu lương dân: Chân ký, tay làm động tác xô dân xuống hố

Loạn : múa tay nhanh, phong trần : chụp tay xuống đất rồi giơ tay lên cao, rung hai tay, lòng bàn tay ngửa ra.

Bài 5: Múa Tam Quốc: Thời hồ Vu thiên. Múa phức tạp, diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật.

Bài 6: Hát khách hai câu theo tích Tam Quốc:

Tam quốc anh hùng Lữ Phụng Tiên
Thủ đề họa kích thướng điêu yên,
Hổ Lao sách mã đằng tam chiến,
Giải liêu nhất thân thọ địch tiền.

(Anh hùng đời Tam quốc có Lã Phụng Tiên,
Tay cầm họa kích nhảy lên yên ngựa
Cửa quan Hổ Lao đánh nhau với ba người
Thoát được một mình trước quân địch)

Tất cả 36 học viên đều cùng hát và làm động tác rập ràng để diễn tả hành động của Lã Bố.

Bài 7: Bài Tây du : Vãng tây thủ chân kinh.

Bài múa diễn tả cuộc hành trình của bốn thầy trò Tam Tạng, Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới, Sa Tăng qua Tây Trúc thỉnh kinh, đánh yêu ma quỷ quái, múa đồng điệu, thể hiện tính cách nhân vật.

Bài 8: Bài Tây du "đới mã hướng sơn trung".

Múa diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Đây là bài múa phức tạp nhất, tiết tấu nhanh, động tác nhiều và khó.

Bài 9: Hai câu hát khách Tây du:

Tây du đại thánh quảng thần thông.
Tiền hậu trừ yêu đệ nhất công
Vạn quỷ thiên ma vô khủng khiếp
Chỉ hưu sư phụ niệm đầu đông.

(Tây du đại thánh nhiều phép thần thông,
Trước sau mấy lần trừ yêu, công thứ nhất.
Vạn quỷ nghìn ma không khiếp sợ
Chỉ sợ sư phụ niệm thần chú làm cho nhức đầu)

Bài 10 - Múa chúc tạ, vừa múa vừa hát.

Bài Tây du: Đường đường chính tọa hóa kim tiên
Chiếu diệu hào quang thấu cửu thiên,
Đức trạch quần sinh chư thiện đạo
Ân đồng cửu hữu phối lương duyên
Tam đồ thoát liễu vô ưu trệ,
Lục đạo siêu thăng mãn tọa liên
Phúc đẳng hằng hà vô số lượng
Hồi đầu vọng bái tại giai tiền.

(Đường đường chính tọa hoá thân kim tiên,
Hào quang soi thấu chín tầng trời,
Đức thấm nhuần mọi loài gồm đạo thiện,
Ơn ra khắp chín cõi sánh duyên lành.
Ba đường thoát khỏi không lo ngại,
Lục đạo siêu thăng khắp tòa sen.
Phúc ví như cát trên sông không biết bao nhiêu mà kể.
Ngoảnh đầu vọng bái tạ ơn trước thềm.)

Học viên múa xong đi hàng một, rẽ hàng hai, chào từng đội.

Qua những bài học cơ bản trên, học viên ở Thanh Bình thự có điều kiện tập dượt các điệu nghệ cơ bản của múa tuồng như các động tác dựng bàn tay, rung tay, vuốt râu, guộn tay, cầu quay, lệch chân, chỉ tay, chém, rót rượu, đề kích, đâm, nhảy bộ, khai, giàng, ký, đổi trụ, xoay người.

Bàn về múa bông, Quỳnh Hoa có nhận xét:

"Múa bông được sử dụng trong việc huấn luyện cơ bản của diễn viên tuồng vì động tác của nó có thể góp phần vào việc giải phóng cơ thể. Ví dụ:

1. Để tập tay :

Cánh tay, cẳng tay, cổ tay, bàn tay, có hàng loạt động tác:

- Dựng bàn tay; rung bàn tay; guộn bàn tay; - loan bàn tay; khán; - chỉ; - rút; - khai.

Từ trong những động tác này, ta thấy nổi bật một luật động "xoan, xỏ, lật, úp". Hầu hết những động tác tay phải theo luật động này, nhưng từng động tác cụ thể, không nhất thiết phải chứa đựng đầy đủ các yếu tố ấy. Động tác múa tay giúp cho diễn viên, múa tuồng khắc phục tình trạng múa "gãy", múa "đực" và làm cho đôi tay trở nên linh hoạt, mềm dẻo hơn.

2. Để tập chân :

- Tấn; - co; - cầu; - rút; - nhảy lót; - nhảy léo; - nhảy cầu; - quay thuận (quay cao); - quay nghịch (quay rút chân sát mông); - quay trong bộ long (quay co chân phía sau); - lệch (bước ngồi)"(4).

Những nguyên tắc cơ bản về múa tuồng và động tác múa được Quỳnh Hoa nhận xét khá sâu sắc:

"Trong múa bông, nhìn chung ta thấy động tác sinh hoạt được sử dụng khá nhiều và được cách điệu hóa nghệ thuật. Đường nét võ thuật Việt Nam làm cho động tác sinh hoạt thêm phong phú về mặt tạo hình và luật động. Động tác trong múa bông không thể phát triển một cách tùy tiện mà ngược lại phải tôn trọng một số nguyên tắc không kém phần chặt chẽ như:

- sấp ngửa
- cân đối
- day trả
- gốc ngọn

Một động tác múa sẽ gọi là "gãy" nếu sự chuyển động của chân tay không được kết hợp nhịp nhàng cân đối, đường nét không tròn trĩnh. Động tác múa gọi là "đực" nếu sự phối hợp giữa lời hát và động tác, giữa động tác ngoại hình và nội tâm nhân vật không được chặt chẽ"(5).

Như vậy học viên được truyền dạy nghệ thuật tuồng tại Thanh Bình thự phải học những động tác múa tuồng căn bản qua hình thức các bài múa bông. Trường dạy nghệ thuật tuồng này đã đào tạo được một đội ngũ diễn viên tuồng đông đảo qua nhiều thế hệ để phục vụ trình diễn ở cung đình, sau lan ra dân gian. Đội ngũ này luôn rèn luyện để nâng cao nghệ thuật, như tấm bia ở Thanh Bình từ đường đã ghi vào năm Minh Mạng thứ năm (1824).

"Thẩn thời kiến khái thóa cung thương bộ xu độ luật"

(Hơn nữa hàng ngày tập rèn mọi cử chỉ bộ điệu rất điêu luyện)

Phương thức trình diễn dưới triều Minh Mạng đã có phép tắc riêng biệt. Nghệ thuật trình diễn được quan niệm một cách nghiêm ngặt:

"Trường xung xuân thự, nghiễm nhiên vũ dật uy nghi
Đường thương vân khai hòa chỉ thanh âm liệu lượng
Lịch sổ cổ kim lạc sự, tận vi thiên hạ kỳ quan.
Đường hoàng nhã điệu sa khai vận tuyên
Kim thạch cổ xuy hòa âm sơ thính,
Hưởng nhược vân tiêu, tranh công đoạt diệm"

Dịch nghĩa:

"Trong trường hát vào mùa xuân rạng rỡ, ca múa nghiêm trang.
Trên sân khấu có mây lồng hòa với tiếng nhạc lời ca trong trẻo rõ ràng.
Diễn lại mấy chuyện vui xưa nay, làm hết những điều mới lạ nhất trong thiên hạ.
Tiếng nhạc tao nhã rõ ràng, âm thanh phát ra rộng rãi,
Tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng trống, tiếng sáo hòa lại với nhau để nghe.
Âm thanh dội lên đến mây xanh, (các diễn viên) thi đua biểu diễn"(6)

Đến triều Khải Định, đội học tuồng được gọi là đội Võ Can, ngành học ở Võ Can Thự đời Khải Định chỉ còn hai: vũ và tuồng. Đội âm nhạc có tổ chức riêng, tách ra khỏi sự quản lý và đào tạo của Võ Can Thự. Học viên lại gồm cả nam lẫn nữ, được dạy tuồng riêng rẽ. Đoàn tuồng do nữ đảm nhiệm chỉ dành riêng phục vụ cho bà Từ Cung.

Theo truyền thống của Thanh Bình Thự, lối dạy nghề của Võ Can Thự cũng nghiêm ngặt, theo quy pháp khắt khe chứ không buông thả học viên. Theo lời kể lại của các nghệ nhân đã từng học tập ở Võ Can Thự(7), trên hai cột chính của trường dạy nghệ thuật tuồng, treo sẵn hai bó mây lớn để phạt roi những học viên phạm lỗi hoặc lơ là học tập.

Về phương pháp đào tạo, Võ Can Thự truyền nghề tuồng theo cung cách được vạch ra từ Thanh Bình Thự. Học viên cũng học múa bông để rèn luyện vũ đạo tuồng và nghệ thuật diễn suất. Một phương pháp truyền nghề khi học viên đã có trình độ cao là mỗi thầy đội tuồng đảm nhiệm dạy một số vai trò nhất định, như thầy đội Em dạy các vai kép, đào; đội Hứa dạy lão văn, Thất Quơ dạy nịnh, Thất Hoan dạy bông lơn (giễu), Bát Cao dạy lão võ, kép núi. Học viên nào nhanh trí, sáng ý, ngoài học ở trường có thể học nghề thêm ở các diễn viên giỏi khác như theo Viên Lưu (con thầy đội Phước) học bông lơn, hoặc một vài làn điệu khó (nhà nghề gọi là niêu nồi). Lối dạy nghề ở Võ Can Thự có tổ chức, hệ thống khác với lối dạy nghề theo khẩu truyền và kinh nghiệm ở các đoàn hát dân gian.

Các đoàn này thường chọn các trẻ em nghèo "phần nhiều là con các diễn viên theo ban hát lúc còn nhỏ, lúc đầu cầm cờ chạy hiệu, học thuộc lòng bài quân ban, vừa phát cờ vừa ban:

Hành hành khóa mã lăng lang
Hậu chỉ oan môn sát khí đằng
Binh tiền, binh hậu đề kiếm kích
Cơ đạt, cơ đồ bố kỷ cang... dội, dội, dội.

Tiếp đến là học nói lối, xưng tên, một vài bài bạch, một hai câu Khách, học trừng, học liếc (liếc tròn, liếc qua lại, liếc cho tròng đen lên xuống), học chỉ, học lia, múa thương, quất ngựa, tập hạ mã, thượng mã. Khi hát được vững vàng thì thủ vai kép con như Lý Nguyên Bá, La Nhơn"(8)

Võ Can Thự, tiếp nối Thanh Bình Thự đã cung cấp cho ngành tuồng Huế những diễn viên có trình độ nghệ thuật vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những diễn viên này được mời ra Bắc vào Nam để truyền dạy nghề tuồng vào thời kỳ tuồng còn giữ địa vị thống soái của sân khấu Việt Nam. Qua các triều đại phong kiến triều Nguyễn, Thanh Bình Thự đã đào tạo được bao thế hệ diễn viên tài giỏi. Nghệ thuật tuồng được truyền dạy ở Thanh Bình Thự trở thành nghệ thuật mẫu mực cho cả nước. Bao nghệ nhân xuất sắc từ Bắc vào Nam hội tụ lại ở kinh đô trong một khoảng thời gian dài (1802-1945) đã hội ý, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện nghệ thuật, truyền dạy lại cho lớp đàn em, để khi thành nghề, lớp này lại tung ra bốn phương trời tiếp tục sự nghiệp đào tạo. Công lao của Thanh Bình Thự chính là trọng trách duy trì, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng cho cả nước. Công tác đào tạo của Thanh Bình Thự và tầm ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn ở đất Kinh Đô, nhằm phục vụ cho sự thưởng ngoạn của triều đình mà còn lan rộng ra các địa phương trong toàn quốc vậy./.

T.T.B.
(TCSH49/05&6-1992)

 

--------------------
(1) Theo ông La Cháu, thị trưởng phải là người Thừa Thiên.
(2) Dựa theo tài liệu bằng chữ nôm được cất giữ tại Thanh Bình từ đường, người đọc là ông Dương Hòa (Bát Hòa) và theo lời kể của ông Phan Hữu Lễ, cả hai đều là học viên của Thanh Bình thự từ hồi thiếu niên.
(3) Văn Lang : Huế, một cái nôi của nghthuật tuồng, văn hóa Bình Tr Thiên, số xuân Tân Dậu tr. 55
(4) Quỳnh Hoa : Múa bông, Nghiên cứu nghệ thuật số 6 1975, tr. 80-81
(5) Quỳnh Hoa : Bài đã dẫn, tr. 80-81
(6) Bản dịch của Phan Thuận An
(7) Ông Viên Bờ, Dương Hòa và Quyền Nhung
(8) Tôn Thất Bình: Văn chương hát bội - giá trị văn chương và nghệ thuật trong tuồng Sơn Hu, Tiểu luận cao học, Sài Gòn 1969, tr.13-14.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng