Sân khấu Huế
Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình: Đam mê nghệ thuật truyền thống, trân trọng ngọn nguồn quê hương
15:50 | 27/10/2023

VÕ QUÊ

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình sinh ngày 16/11/1958 tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội; trong khi thôn Uất Mậu, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế là nguyên quán của Nghệ sĩ nhân dân(NSND) Ngọc Bình.

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình: Đam mê nghệ thuật truyền thống, trân trọng ngọn nguồn quê hương
NSND Ngọc Bình

Ông nguyên là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Tại đây, thân phụ, thân mẫu của NSND Ngọc Bình (Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Yến, nghệ sĩ Kim Oanh) đã góp phần ươm mầm nghệ thuật cho cả một thế hệ tài danh trong gia đình với những tên tuổi sáng giá của làng ca kịch Huế: Kim Vàng, Kim Kiều, Ngọc Bình…

Bằng lối giảng dạy nghệ thuật theo phương pháp truyền khẩu, chân phương của cha mẹ và bạn bè đồng nghiệp, đồng môn của thân sinh, từ những ngày niên thiếu, Ngọc Bình đã vượt qua nhiều thử thách để nắm bắt, tiếp nhận các ngón nghề tuyệt kỹ của các bậc thầy tiền bối, khi họ thể hiện cung bậc Bắc, Nam, hơi dựng, hơi ngự, hơi xuân…

Lặng lẽ, âm thầm như con ong luyện mật, tỏa hương, Ngọc Bình đã cùng các anh, các chị, các em theo cha mẹ lưu diễn qua nhiều miền đất nước, trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vừa là một diễn viên, vừa là đạo diễn sân khấu, từ năm 1972 đến nay, Ngọc Bình đã thể hiện thành công trên cả hai lĩnh vực kịch nói và ca kịch Huế. Có thể thấy sự lao động nghệ thuật của NSND Ngọc Bình qua những thành tích cụ thể: Về vai diễn cho thể loại ca kịch Huế: Ngọc Bình đã đóng rất thành công các vai Châu Tuấn (Thoại Khanh Châu Tuấn), Kiếm (Viên đạn súng kíp), Tà Lùng (Vòng oan nghiệt), Tấn (Vụ án ngược chiều), Trung (Lời ru ra đi), Vạn Lịch (Đồng tiền Vạn Lịch), Si Ma (Truyền thuyết tình yêu), Trần Bồ (Trần Bồ), Đức (Lời trăn trối), Minh (Điều không thể mất)…

Cái khó của nghệ thuật ca kịch Huế là giữa động tác và làn điệu, nội dung vở kịch là một thể thống nhất, người nghệ sĩ phải nắm bắt và sử dụng đủ yếu tố, sắc tướng, lời ca cùng vai trò nhân vật để chuyển tải đến người thưởng thức những giá trị đích thực của âm nhạc dân tộc cổ truyền xứ thần kinh. Khi thể hiện vai diễn trong loại hình ca kịch Huế, NSND Ngọc Bình đã xử lý một cách nhuần nhuyễn vai diễn và nội dung, hình thức các làn điệu Ca Huế.

NSND Ngọc Bình (bên phải) vào vai Bác Hồ trong vở diễn “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”

Trong các năm 2000, 2001, 2003, 2004… NSND Ngọc Bình đã thể hiện có hiệu quả vai diễn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gương mặt, vóc dáng, giọng nói… đầy ấn tượng, chuẩn mực, giàu cảm xúc, biểu hiện sự nhân ái của Bác Hồ đã được NSND Ngọc Bình diễn xuất rất thành công, gây nhiều sự chú ý cũng như tạo được nguồn rung động trong công chúng xem các chương trình nghệ thuật ở Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Làng Sen (Nghệ An)… Với vai Bác Hồ trong “Hương sen đất Việt”, NSND Ngọc Bình đã vinh dự được trao giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ 3 (năm 2004), vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế do NSND Ngọc Bình đạo diễn đã đoạt giải đặc biệt tại Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2010.

Trên lĩnh vực kịch nói, NSND Ngọc Bình cũng đã đánh dấu một giai đoạn “công thành danh toại”. Chất giọng vang “tròn vành, rõ chữ”, phong cách diễn xuất đĩnh đạc, tự tin, NSND Ngọc Bình đã đảm nhận vai chính trên 12 nhân vật và hàng chục vai phụ khác trong nhiều vở kịch nói. Trong những năm của thập kỷ 70, khán giả yêu chuộng bộ môn kịch nói đã quen thuộc, mến mộ NSND Ngọc Bình qua các vai diễn như Chánh Cương (Làng bên), ông Lục (Mặt phẳng), Êđíp (Vua Êđíp), Đi-mi-nốp (Trên mảnh đất người đời), Phec-đi-năng (Âm mưu và tình yêu), Anh hàng thịt (Hồn Trương Ba, da hàng thịt), Nhơn (Cha con người hát rong)…

Chính từ nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật Kịch nói mà khi lập gia đình, ông đã tìm cho mình một người bạn đời cũng là đồng nghiệp của ông, NSƯT Tiểu Hoa. Hai vợ chồng không đơn thuần chỉ dựng xây một gia đình mà họ còn là những người bạn tâm giao, những đồng nghiệp tốt luôn giúp đỡ lẫn nhau. Khi nói về người vợ, ánh mắt ông ngời lên nguồn hạnh phúc và nụ cười mãn nguyện. Ông cho rằng, trên bước đường sự nghiệp của mình để có được thành công như ngày hôm nay có công lao rất lớn của hiền thê Tiểu Hoa.

Từ 1972, năm khởi nghiệp đầu tiên đến nay, NSND Ngọc Bình đã có một vốn liếng tương đối lớn trong việc chỉ đạo, dàn dựng trên 30 vở ca kịch, kịch nói và gần 100 chương trình ca nhạc, kịch ngắn… cho các đội văn nghệ quần chúng, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp vào dịp kỷ niệm những sự kiện lịch sử, văn hóa, những ngày lễ lớn của đất nước.

Nhắc đến năm khởi nghiệp 1972, NSND Ngọc Bình đã kể lại một kỷ niệm vui trên Tạp chí Sông Hương: “Năm 1972, khi mới 14 tuổi, tôi được tuyển vào Đoàn Ca kịch Trị Thiên Trung ương và được đào tạo 6 tháng trước khi vào biểu diễn phục vụ chiến trường. Vai diễn đầu tiên của tôi là Châu Tuấn trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn là kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Lần làm diễn viên ấy, tôi thích lắm! Buổi đầu tiên tập khoác tay, tập đi hia là những kỷ niệm đáng nhớ. Khi mặc phục trang lên mình để tập diễn tuồng cổ, xong buổi tập đáng lý là phải trả lại, tôi cứ để y nguyên đi ra đường uống nước trà, ăn cháo tôm rồi nhảy xe buýt lên tận Bờ Hồ… chơi luôn. Lúc ấy, cái cảnh tự nhiên giữa đường và trên xe buýt xuất hiện một ông quan áo mũ “rất oách”, trong khi mọi người mặc áo quần bình thường khiến ai nấy xôn xao ngước nhìn. Lúc đó cái cảm giác duy nhất của cái tuổi hồn nhiên ấy chỉ là thấy mình oai và tự hào!”.

Thành tích nổi bật của NSND Ngọc Bình qua các Liên hoan nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là những bằng chứng sinh động, cụ thể về một chuỗi dài hoạt động hết mình với nghệ thuật ca kịch Huế, có thể nêu tiêu biểu như sau: Huy chương Vàng: vai Đức trong vở Lời trăn trối, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 1990; Huy chương Bạc: Trái tim người mẹ, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 1995; đạo diễn xuất sắc kịch thơ Duyên kỳ ngộ (Hàn Mặc Tử), Liên hoan Sân khấu 1996; Huy chương Bạc: Hoa lan tím, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 1999; đạo diễn xuất sắc 2001 với vở ca kịch Điều không thể mất; đạo diễn xuất sắc vở ca kịch Vú cát, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung 2003…

Về công tác lãnh đạo, quản lý, từ năm 1995 đến ngày nghỉ hưu, trên cương vị Trưởng Đoàn Ca kịch Huế rồi Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, NSND Ngọc Bình đã cùng tập thể lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công nhiều hoạt động nghệ thuật có giá trị, đáng chú ý là đã tập hợp, đoàn kết, đào tạo một lực lượng diễn viên tài ba, đức độ. Dưới sự dẫn dắt của NSND Ngọc Bình, năm 1997, Đoàn Ca kịch Huế vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội được diễn ra từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010, NSND Ngọc Bình đưa đoàn ra Hà Nội với những vở diễn chuyên về đề tài Hà Nội phục vụ công chúng; đồng thời nói lên tấm lòng của những nghệ sĩ ca kịch Huế mừng Thủ đô Hà Nội dấu yêu nghìn năm tuổi. Những nơi Đoàn đến biểu diễn luôn được khán giả Thủ đô mến mộ, chào đón, thưởng thức nhiệt tình.

Ngày 19/5/2012, nghệ sĩ Ngọc Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong niềm hân hoan, tự hào của gia đình, đồng nghiệp cũng như công chúng yêu nghệ thuật ca kịch Huế.

NSND Ngọc Bình trong một vai diễn

Từ niềm vinh dự ấy, những năm tiếp theo NSND Ngọc Bình đã phát huy có hiệu quả vai trò người đạo diễn của Nhân dân qua các mùa Festival Huế 2014, 2016, 2018; trong đó điểm nhấn mà giới nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế luôn ghi nhớ, trân trọng là Festival Huế 2014, NSND Ngọc Bình đã thành công lớn khi đạo diễn chương trình nghệ thuật mang tên “Âm sắc Hương Bình” lần đầu tiên được tổ chức vào tối 16/4/2014 tại Nghinh Lương Đình để tôn vinh và quảng bá giá trị của ca Huế; hướng về cội nguồn, thể hiện niềm tự hào về giá trị nghệ thuật của một vùng đất; cũng như tri ân các bậc nghệ nhân tiền bối đã có công bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của ca Huế đến ngày nay, cũng như góp phần khẳng định chất lượng, bản sắc độc đáo, riêng biệt của nghệ thuật ca Huế.

Đam mê với nghệ thuật truyền thống Huế, trân trọng ngọn nguồn quê hương, NSND Ngọc Bình tâm niệm: “Với cách mạng, với Nhân dân, suốt 40 năm gắn bó cùng nghệ thuật, tôi đã cố gắng khắc phục nhiều khó khăn gian khổ, vượt qua nhiều chướng ngại lớn trong đời. Với tôi, được tham gia biểu diễn, dàn dựng, tham gia công tác quản lý nghệ thuật là niềm vinh hạnh lớn. Những hoạt động này đã cho tôi nguồn cảm hứng tuyệt vời. Được sinh ra, lớn lên trong một gia đình mà từ cha mẹ, anh chị, dâu rể, các cháu… đều cùng tham gia nghệ thuật Ca Huế, ca kịch Huế nên tình yêu nghệ thuật truyền thống đã thấm vào máu thịt, tâm hồn tôi. Tôi luôn tự nhủ mình cần phải rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo nghệ thuật để trở thành con người mới trong xã hội. Người nghệ sĩ chân chính là đam mê với nghề, với đời, với cộng đồng mình đang sống, nhất là biết trân trọng ngọn nguồn quê hương dấu yêu!”

V.Q
(TCSH50SDB/09-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng