VĨNH BIỆT NGHỆ SĨ VĂN LANG
(Trích điếu văn do ông Nguyễn Xuân Hoa, phó Phó giám đốc Sở Văn hoá thông tin đọc tại lễ truy điệu)
… Với anh, nghệ thuật không chỉ là niềm đam mê, không chỉ là duyên nợ, mà còn là lẽ sống, đã gắn kết cuộc đời của anh với chị, gắn kết anh chị với cách mạng, gắn kết anh chị với tiến trình phát triển của nền ca kịch Huế.
Từ tuổi 15, 16 khi còn là công nhân nhà in ở trọ gần rạp hát Đồng Xuân Lâu, anh đã say mê nghệ thuật và 18 tuổi trở thành diễn viên của gánh ca Huế Hồng Thu đi lưu diễn khắp miền Trung. Những năm 1938 - 1945 qua hoạt động nghệ thuật, hai sự kiện lớn đã đến với đời anh: gặp gỡ người bạn diễn ca Huế rồi nên duyên chồng vợ đến tuổi “đầu bạc răng long” và bị thực dân Pháp đưa ra tòa kết án tù cùng với nghệ sĩ Châu Thành vì vở diễn “Hồn lao động” ca ngợi phong trào bình dân. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, anh lại tiếp tục hoạt động nghệ thuật với tinh thần mới. Bằng vốn liếng kinh nghiệm nghề nghiệp, bằng tài năng sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn, đặc biệt với ước vọng tiềm tàng của một nghệ sĩ say mê ca kịch Huế, anh đã làm tốt nhiệm vụ của một trong những người đầu tiên vun đắp cho bộ môn ca kịch Huế thăng hoa. Anh đã từng bước đưa ca Huế vốn là bộ môn nghệ thuật thính phòng phát triển thành một loại hình ca kịch sân khấu dân tộc.
Nhưng trong giờ phút này, những người thân thuộc, bạn bè, lớp đàn em, con cháu, những người hoạt động văn hoá nghệ thuật ở Huế đến tiễn biệt anh vẫn cảm thấy thiếu vắng anh là một mất mát lớn.
Anh ra đi để lại một khoảng trống lớn, khoảng trống của một người có thực tài và đầy tâm huyết với nghệ thuật ca kịch Huế. |
Xuất thân là một công nhân nghề in từ năm 14 tuổi, mỗi ngày Văn Lang đến nhà in Đắc Lập, lối về nhà trọ sau rạp hát Đồng Xuân (rạp Bà Tuân) ở Huế; thừa được đồng nào, ông đun vào cửa xem hát. "Biết rồi thành mê, ông theo luôn gánh ca Huế Hồng Thu, trở thành kép chính và được đi lưu diễn khắp nơi ở Thừa Thiên và các tỉnh miền Trung. Chính thời gian này ông và người bạn gái đồng nghiệp (chị Lê Thị Ân, một diễn viên ca Huế nổi tiếng thời bấy giờ) yêu nhau và nên vợ nên chồng cho đến khi "đầu bạc răng long"...
Cách Mạng tháng 8 thành công, Văn Lang được phân công phụ trách Đoàn ca kịch tuyên truyền lưu động xung phong (ở Hội An) rồi được chuyển ra Đòan ca kịch tuyên truyền lưu động (Quảng Bình). Duyên nợ ấy theo mãi với ông suốt 9 năm kháng chiến rồi hòa bình lập lại sau chiến thắng Điện Biên, ông đều công tác trong lĩnh vực văn công văn nghệ" (1).
Năm 1962 ông được Bộ văn hóa điều về làm trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn ca kịch Trị Thiên - Huế (Trung ương). Đây là thời gian ông đã dồn hết nghị lực, nhiệt tình cùng với lãng mạn của tâm hồn nghệ sỹ để hết sức làm việc, cũng vượt qua bao gian khó của những ngày thành lập đoàn: sắm sửa phông màn, đạo cụ, tập hợp diễn viên, vừa biểu diễn vừa dàn dựng vở.
Nhiều người cho rằng, trong thời kỳ này Văn Lang sung sức nhất, chững chạc nhất, đã đóng góp cho ca kịch Huế những vở do ông biên kịch và phóng tác, chuyển thể còn mãi với thời gian.
Bằng ước vọng tiềm tàng và tài năng đầy sáng tạo ông đã vun đắp, dựng xây cho một nền ca kịch Huế được thăng hoa. Biết bao làn điệu quê hương miền Trung được vang lên giữa lòng thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nhiều vở diễn thành công: con gà chân chì, tuổi 20, Người con gái Pa Kô, Viên đạn súng kíp, Tín hiệu trái tim. Một số vở diễn khác bao gồm các đề tài hiện đại, lịch sử, truyện dân gian cùng với sự hoạt động mỗi ngày thêm rộng rãi (từ miền duyên hải, trung du, đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh khu 4 dưới bom đạn Mỹ đánh phá đầu tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh). Được sự hưởng ứng, cổ vũ ngày càng đông đảo của quần chúng, đặc biệt là khán giả thủ đô Hà Nội, đoàn đã khẳng định vị trí của bộ môn Nghệ thuật ca kịch Huế trong nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc.
Vở kịch thơ Tuổi 20 (2) và vở Con gà chân chì (3) một thời gian tạo nên những dư luận khen ngợi sôi nổi cho đến nay vẫn còn dư âm ấy. Đoàn cũng đã góp phần tích cực xây dựng đội ca kịch Huế cho chiến trường quê hương Trị Thiên, kể cả việc chi viện diễn viên (Thu Sen, Thu Lưỡng, Kim Vàng, Hữu Hiếu), giúp công tác đào tạo cho đội Quảng Trị, Vĩnh Linh, trợ lực xây dựng vở diễn cho đoàn ca kịch Quảng Bình...
Đoàn cũng đào tạo thêm một lớp diễn viên trẻ có trình độ, năng lực biểu diễn, trở thành lực lượng chủ yếu của đoàn. Sau đó đoàn tiếp tục đào tạo thêm một lớp diễn viên mới.
Có được kết quả này là do ông đã cùng cố nghệ sĩ ưu tú Châu Thành để bao tâm huyết tìm tòi nghiên cứu những đề tài mới. Trong cấu trúc kịch bản, ông đã kết hợp được một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, làm cho ca Huế vừa sinh động, vừa mang được phong cách mới. Ông lại còn biết cách xử lý bài ca đúng lúc, phù hợp với tâm trạng nhân vật, hòa hợp với yêu cầu thực tiễn của Cách mạng. Trong công tác chỉ đạo nghệ thuật, ông rất chú ý đến sở trường, sở đoản, tính cách từng diễn viên, nhằm tạo điều kiện cho họ phát triển tài nghệ. Đối với các diễn viên có kinh nghiệm, ông rất trân trọng những sáng kiến của họ, những lời góp ý chân thành để mong sao nghệ thuật ca kịch Huế ngày càng phát triển.
Sau ngày giải phóng, Văn Lang đưa đoàn ca kịch Huế - Trị Thiên (nay là đoàn ca kịch Huế) về với quê hương. Đoàn về Huế đã nhen nhóm, thổi bùng lên từ đám tro tàn của nghệ thuật ca kịch bị mai một ở miền Nam trước đó. Trong cuốn sách "Ca Huế và ca kịch Huế", Văn Lang đã tâm sự cho biết:
"Từ ngày giải phóng đến nay (1975 - 1992) đã 17 năm qua - một khoảng thời gian tuy chưa dài lắm nhưng cũng không phải là quá ngắn, đoàn ca kịch Huế, một đơn vị đang hăng hái tiến bước khi còn trực thuộc Bộ Văn hóa cũ nay trở về quê hương, bỗng như bị chùn chânvà mãi quẩn quanh, lúng túng trước những khó khăn bủa vây nhiều mặt" (4).
Nhìn lại những năm trước đây, nhất là mười năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) ai cũng vui mừng thấy tiền đồ ca kịch Huế ngày càng thêm tươi sáng, khẳng định những bước tiến vững vàng mà lịch sử văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đã ghi lại những dòng đậm nét khó phai mờ. Những khó khăn đó rồi sẽ được khắc phục nhằm tạo ra một hướng mới phù hợp với yêu cầu của thời đại, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân, xứng đáng là một đại biểu ưu tú của sân khấu Huế, đó là nguyện vọng tha thiết của Văn Lang, người đã đem hết tâm sức mình khả năng mình để đóng góp cho sự phục hồi phong trào ca nhạc Huế cùng với nghệ thuật sân khấu ca Huế ngày càng phát triển vững vàng tốt đẹp.
Cuộc đời của Văn Lang là dành trọn 50 năm với nghề (ông nghỉ hưu năm 1984). Trong quãng thời gian ấy, đã có lúc ông và cố nghệ sĩ Châu Thành bị tòa án Pháp tăng án từ 18 tháng đến hai năm về tội tuyên truyền ca ngợi Mặt trận Bình dân ở Pháp do vụ đoàn ca kịch Huế Đồng Thanh (5) diễn vở Hồn lao động tại tỉnh Tha Khẹt ở Lào cuối năm 1941, có lúc ông phụ trách đoàn ca kịch Trị Thiên - Huế ở Trung ương, 15 năm trực thuộc Bộ Văn Hóa đoàn có điều kiện củng cố và phát triển nghệ thuật của mình với một số vở diễn thành công, có lúc góp phần tích cực xây dựng đội ca kịch Huế cho chiến trường quê hương Trị Thiên v.v... Ông còn là người sáng tạo, nghiên cứu. Tác phẩm Ca Huế và ca kịch Huế không dày song nó mang nặng một quá trình lao động nghệ thuật. Sách đã ghi nhận ca Huế là một loại ca nhạc cổ truyền phát sinh và phát triển lâu đời, chứng minh sự phong phú và đa dạng của ca nhạc Huế, khẳng định những yếu tố sân khấu của ca nhạc Huế. Ông cho rằng ca nhạc Huế có một số lượng bài bản, làn điệu phong phú tạo thành một điều kiện cần thiết để có thể trở thành những bài bản, làn điệu của kịch hát. Ca nhạc Huế mang trong mình sự đa dạng về tình cảm, vì vậy chúng có khả năng thể hiện những trạng thái tâm lý của nhân vật trong quá trình diễn biến của kịch. Bên cạnh đó còn có một số bài bản, làn điêụ có tính cách, hỗ trợ đắc lực cho sự thể hiện một số loại nhân vật (ngư, tiểu, canh, mục, anh hề, người say rượu, tên du côn, người chủ quán v.v...) Đây là một yêu cầu quan trọng của kịch hát. Chính những điểm ấy hợp thành những yếu tố có tính sân khấu (hay còn gọi là tính kịch).
Văn Lang cũng là người đầy kinh nghiệm, đủ khả năng để trình bày một cách rõ ràng và đầy thuyết phục quá trình sân khấu hóa của ca nhạc Huế. Ca nhạc Huế bắt nguồn từ nhạc cung đình, ca nhạc cổ truyền qua nhiều thế kỷ từng bước hình thành đến độ hoàn chỉnh, rồi tách ra thành một bộ phận âm nhạc khác: Âm nhạc thính phòng. Âm nhạc thính phòng phát triển đến độ cao thì ở Huế nẩy sinh một hình thức mới gọi là chơi tài tử (hay gọi là ca nhạc tài tử, phong trào này phát triển thì hình thức ca bộ ra đời. Ca sĩ và nhạc công đều ngồi trên chiếu trải giữa sân rộng, vừa ca vừa làm động tác tay đơn giản vừa làm trò để mọi người ngồi chung quanh thưởng thức phường ca bộ Thu Nương và Don Hà là hai phường ca bộ ở Huế nổi danh. Năm 1920, phường ca bộ Thu Nương lúc ấy đang diễn ở Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rạp hát trình diễn trọn vẹn vở ca Huế Trần Bồ chuyển thể từ vở tuồng đồ cùng tên. Đó là vở ca kịch Huế đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quyết định về sự hình thành và xuất hiện của môn nghệ thuật ca kịch Huế.
Văn Lang đã thầm lặng và kiên trì để kịp ghi lại những gì mà ông đã sưu tầm, nghiên cứu qua bao năm hoạt động Tập ca Huế và ca kịch Huế đã trở thành một tập tư liệu quí, một thành tựu độc đáo, tuy phần ca Huế còn nhiều phần cần được triển khai và đào sâu hơn. Tác phẩm đã được Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế đề nghị tặng giải Cố Đô lần thứ nhất năm 1993 và Hội Đồng giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc cuối năm 1993 tặng giải cho tác phẩm của tác giả cao tuổi.
Qua lịch sử hoạt động nghệ thuật cùng điểm lại những đóng góp, thành tựu của ông đối với ngành ca kịch Huế, chúng ta vô cùng trân trọng...
Tháng 4-1999 T.T.B (123/05-99)
|