Theo diễn viên điện ảnh Đỗ Kỷ, đại diện Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch vào xem diễn báo cáo, thì Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm nay có hơn 100 vở tham dự, chỉ có vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ là vở duy nhất về Bác Hồ. Trước khi mở màn, tôi cứ nghĩ diễn về cuộc đời Bác Hồ là “vượt quá tầm” của một đoàn ca kịch địa phương. Nhưng thật bất ngờ là vở ca kịch đã làm tôi xúc động dàn dụa nước mắt. Tôi xem nhiều vở ca kịch, cả trên sân khấu và trên tivi, nhưng chưa có vở nào lay động lòng người đến vậy. Lâu nay các bộ phim hay vở diễn về lãnh tụ, hay danh nhân lịch sử thường hay bị khô khan, công thức, ít xúc cảm nghệ thuật. Có lẽ vì phim, vở diễn về danh nhân ấy tác giả kịch bản, đạo diễn không dám hư cấu các chi tiết đời thường, những hỉ, nộ, ái, ố vì sợ bị phê phán là làm sai lệch chân dung lãnh tụ, nên họ chỉ dựng lại bộ xương sự kiện lịch sử với những nhân vật khiên cưỡng, thiếu hồn vía, thiếu đi da thịt của cuộc sống đời thường. Cái bệnh này kéo dài nhiều chục năm qua và đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đó là đối với phim, kịch, còn đối với ca kịch hay kịch dân ca căn bệnh này còn nặng hơn. Vì ca kịch phải vừa nói vừa hát, nếu diễn không nhuyễn sẽ gây sáo, phản cảm.
Sau khi diễn xong vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ, trong phần phát biểu đóng góp ý kiến, mới hay không chỉ có tôi khóc, mà hơn trăm người được mời xem, ai cũng khóc đỏ hoe mắt. Nhiều nhà quản lý, lãnh đạo trước đó đã được mời xem diễn thô, đã biết nội dung các trường đoạn, biết hành động từng nhân vật, thế mà xem lại lần này vẫn không cầm được nước mắt. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, một lãnh đạo quan tâm đến nghệ thuật một cách chí tình, ít có. Ông đã bỏ ra hai buổi để ngồi xem diễn thô, rồi diễn báo cáo vở ca kịch. Ông Thiện bảo: “Mừng lắm, mừng lắm. Cám ơn tác giả Nguyễn Quang Vinh, cám ơn đạo diễn Ngọc Bình. Tôi xúc động quá, xem diễn lần trước tôi không khóc, nhưng lần này thì tôi đã khóc thực sự vì quá cảm động…”.
Tại sao vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ lại làm xúc động người xem đến vậy? Lâu nay chưa có vở nào nói về đời thường của Bác Hồ, mà lại toàn những chuyện cay đắng, đau buồn. Đây là lần đầu tiên có một vở nói về chuyện đó. Do kịch bản điểm đúng huyệt, đạo diễn giỏi, bài trí sân khấu và âm nhạc tuyệt vời và một dàn diễn viên trẻ xuất sắc - tất cả đã hoà quyện tạo nên tác phẩm nghệ thuật sân khấu hay, gây xúc động lòng người.
Trước hết xin nói về kịch bản. Đây là kịch bản mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh “viết theo đơn đặt hàng” của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế. Viết theo đặt hàng mà làm say mê khán giả mới là cao cường. Làm một vở ca kịch về Bác Hồ diễn chỉ 2 tiếng đồng hồ là vô cùng khó, vì cuộc đời và hoạt động của Bác qua khắp năm châu, trải dài hơn nửa thế kỷ XX. Và cũng đã có nhiều tác giả làm phim, vở diễn sân khấu về Bác Hồ. Vậy chọn thời điểm nào trong cuộc đời của Bác để vừa không lặp lại người khác, lại vừa gần gũi với người xem? Với tư chất thông minh, nhạy cảm, nhà văn Nguyễn Quang Vinh tìm ra chìa khoá của câu chuyện. Anh đã chọn thời điểm Bác Hồ vào thăm Quảng Bình quê hương anh năm 1959. Cảnh nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, người Vân Kiều, người Kinh nô nức đi đón Bác; cảnh người Vân Kiều xin được mang họ Bác Hồ mở đầu vở diễn muốn gửi đến người xem một thông điệp: Vở diễn đang nói về một lãnh tụ của nhân dân, luôn được nhân dân cả nước kính yêu. Bác Hồ về thăm Quảng Bình là về gần với miền Nam hơn, nên chuyện Bác Hồ đêm không ngủ, nghĩ về bố, mẹ, nghĩ về thời thơ ấu của mình ở Huế là rất lo-gic. Đó là tài năng của nhà biên kịch.
Đồng Hới, biển Nhật Lệ chỉ cách Huế 160 cây số. Lúc đó Bác đã xa Huế hơn 60 năm và xa miền 58 năm. Vì thế mà Bác Hồ thao thức, trầm tư với những hồi ức cuộc đời mình cuộn chảy trong đêm biển Nhật Lệ. Bác đã tâm sự với cấp dưới mà như độc thoại: Từ Nhật Lệ tôi muốn thả câu thơ vô Huế…Từ Nhật Lệ tôi muốn làm cánh buồm dong vào miền Nam…Huế đó, miền Nam đó chỉ một khoảng không gian thôi mà sao cách trở xa vời… Huế là nơi có mộ mẹ và em Bác, miền là nơi có mộ bố Bác… Đi cùng đội vệ binh tháp tùng Bác vào Đồng Hới lúc đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một người con của đất Thừa Thiên, và là vị tướng được Bác rất tin cậy, yêu quý. Đó là cái duyên cớ để Bác tâm sự với đại tướng về thời thơ ấu và thời thanh niên của mình ở Huế và thời khắc từ bến Nhà Rồng bôn ba năm châu tìm đường cứu nước. Đó là sự hư cấu rất hợp lý của nhà biên kịch. Đó là những hồi ức buồn, thật đau buồn, nhưng là những hồi ức đỏ thắm màu tim của một Danh nhân Văn hoá Thế giới. Chuyện Bác Hồ về Đồng Hới là chuyện thật lịch sử. Chuyện Bác kể cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghe những năm tháng tuổi thơ của mình ở Huế lịch sử không chép, nhưng cũng là một sự thật- sự thật trong tâm cảm, tâm linh. Chuyện gia đình Bác những ngày ấu thơ ở Huế với bao nỗi đắng cay, cô độc cũng là sự thật lay động tâm can. Cái thật là tiêu chuẩn đầu tiên của cái hay trong văn chương nghệ thuật. Kể về lãnh tụ kính yêu của dân tộc, lại kể toàn chuyện buồn, chuyện thật, thì không ai không xúc động. Tức là nhà văn đã cho nhân vật Hồ Chí Minh, một con người, kể về mình, là kể về nỗi buồn rất đời thường của một con người. Là con người thì ai cũng có buồn đau, cay cực. Và chính những hồi ức đó càng nâng cao tầm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là phát hiện của tác giả để mở ra bối cảnh để có thể kể về nỗi buồn của Bác. Và sự sáng tạo đó đã thành công đưa người xem vào câu chuyện chân thực, tạo nên xúc động mạnh mẽ.
Với kịch bản rất đời của Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn, NSƯT Ngọc Bình đã bắt được cái hồn của câu chuyện, và anh đã xây dựng rất thành công trên sân khấu ca kịch, nhân vật chính Hồ Chí Minh (mà chính anh là người đóng vai) và các nhân vật Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan và nhiều nhân vật khác để làm nên vở ca kịch sinh động, cuốn hút người xem.
Câu chuyện về đời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế đã được nhiều sách báo nói tới. Năm 1895, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (thường gọi là Công) vừa tròn 5 tuổi cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, được mẹ Hoàng Thị Loan (25 tuổi) gánh vượt đèo Ngang vô Kinh đô Huế để nuôi chồng “dùi mài kinh sử”. Ông Sắc thuê căn nhà 114- Mai Thúc Loan ở trong 5 năm liền (1895 - 1901) (bây giờ đã trở thành một trong những di tích về Bác Hồ ở Huế thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế). Để có tiền giúp chồng khoa cử, nuôi con, bà Hoàng Thị Loan đã phải mang từ Làng Sen, Nam Đàn vào chiếc xa quay, bộ khung cửi dệt vải và chiếc võng ru con. Tại đây bà đã sinh đứa con thứ tư đặt cái tên thật buồn: Nguyễn Sinh Xin. Cuộc đời bà Loan thật ngắn ngủi: 16 tuổi lấy chồng, 33 tuổi đã rời cõi tạm. Bà qua đời vào một ngày giáp Tết Canh Tý (10-2-1901), do bị bệnh nặng sau khi sinh nở. Lúc này ông Nguyễn Sinh Sắc theo lệnh triều đình đi coi thi ở Thanh Hoá rồi ghé về thăm quê, chưa về. Ông Sắc đi chuyến ấy mang theo cả Nguyễn Sinh Khiêm. Ở nhà lúc đó chỉ có Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi cùng đứa em mới sinh. Mẹ mất, em gào khóc vì đói sữa, là cảnh tượng đau buồn, cô đơn khắc thành sẹo trong trái tim bé bỏng của Cung. Bà con lối xóm đã giúp đỡ đùm bọc hai anh em từng lon gạo, bó củi, nắm lá xông…Đám tang bà Hoàng Thị Loan được bà con lo liệu, diễn ra âm thầm giữa lúc thiên hạ đang náo nức đón Tết. Quan tài bà Hoàng Thị Loan không được qua đưa cổng thành Đông Ba gần đó do quy định của triều đình, mà phải đưa đò qua cống Thanh Long ra sông Hương rồi đến bến đò Nam Giao để đưa lên núi. Đám tang thưa thớt chỉ có bà con chòm xóm xứ Huế và cậu bé Nguyễn Sinh Cung 11 tuổi. Sau đó, do đói sữa, vắng hơi mẹ, bé Nguyễn Sinh Xin cũng qua đời. Thế là trong một cái Tết, Nguyễn Sinh Cung phải chịu tang mẹ và tang em, không có sự đau đớn nào hơn. Rồi kỷ niệm những ngày Nguyễn Sinh Cung thành chàng trai Nguyễn Tất Thành học trường Quốc Học đã dẫn đầu đoàn người biểu tình chống sưu thuế năm 1908, bị đuổi học phải vào Nam…
Câu chuyện đau buồn ấy đã được đạo diễn Ngọc Bình biến thành trường đoạn ca kịch chủ đạo, nhiều thời lượng nhất của vở diễn với nhiều tình tiết đời thường vô cùng sống động. Xem sử sách không rung động bằng xem những hình ảnh thực đang diễn ra trên sân khấu. Đó là lý do giải thích tại sao rất nhiều người đã đọc đã biết về tuổi thơ của Bác ở Huế vẫn không cầm được nước mắt khi xem vở diễn. Đây là trường đoạn mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Cảnh Bác Hồ ngồi tâm sự với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên bờ Nhật Lệ, cảnh mẹ con bà Loan tiễn ông Sắc và bé Khiêm lên đường đi Thanh Hoá, cảnh bà Loan vừa quay tơ dệt vải vừa dạy con, bà Loan bị bệnh, cảnh chèo đò đưa đám bà Loan, cảnh bà con đùm bọc Nguyễn Sinh Cung, rồi những gánh hàng rong Huế,…cảnh bé gái Huệ Minh, bạn học của Cung luôn tận tình giúp bạn, cảnh Nguyễn Sinh Cung hát ru em…Tất cả dù ước lệ sân khấu, nhưng đều rất chân thật, rất xúc động nhờ sự phối hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa âm thanh, ánh sáng, diễn suất của diễn viên, và nhất là nhờ những đoạn nhạc, những câu hò Huế, hò ví dặm Nghệ Tĩnh cất lên đúng lúc làm nao lòng người. Bà Loan tiễn ông Sắc đi xa: Thương anh lắm, anh ơi/ Nhớ anh lắm, anh ơi / nhớ ngao ngán khúc nôi/ em thương anh vô kể/ thiếp nhớ chàng vô kể…(ví dặm); Người bán hàng rong thương cảm trước hoàn cảnh thương tâm của bé Nguyễn Sinh Cung: Chiều chiều trước bến Văn Lâu / ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…(hò Huế). Dựng vở về lãnh tụ Hồ Chí Minh, một nhân vật đại nhân, đại dũng, đại trí là vô cùng khó. Qua vở diễn này, từng diễn viên đều thể hiện rất thành công tâm trạng, cá tính của nhân vật trên sân khấu. NSƯT Ngọc Bình đã thể hiện được tài năng của một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp xuất sắc .
Ngọc Bình đã hàng chục lần vào vai Bác Hồ trong những chương trình quảng diễn kỷ niệm Bác ở Vinh, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau v.v.. rất thành công. Dường như việc vào vai Bác Hồ là một đam mê lớn trong cuộc đời nghệ sĩ của anh. Anh đã được giải thưởng Cố Đô Huế lần thứ 3 nhờ vào vai Bác Hồ trong liên ca khúc Hương Sen đất Việt của Đoàn ca kịch Huế. Nhưng ở những chương trình đó, nhân vật Bác Hồ chỉ xuất hiện vài phút, nói vài câu hoặc không nói gì. Còn trong Hồ Chí Minh- Hồi ức màu đỏ, Hồ Chí Minh là nhân vật chính, phải xuất hiện, đi lại, diễn xuất nhiều lần với thời lượng dài, nhưng Ngọc Bình đã thể hiện vai Bác Hồ rất thành công, từ đi đứng, nói năng, cảm xúc đều “rất Bác Hồ”. Vừa tĩnh tại ung dung vừa giằng xé tâm trạng; vừa là lãnh tụ tối cao của đất nước, vừa là con người nhân văn thâm trầm. Tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh đã nhận xét: “Tôi xem nhiều phim, kịch về Bác Hồ, thấy các diễn viên vào vai Bác Hồ, kể cả Tiến Hợi khi diễn thỉnh thoảng cũng để lộ ra nét Tiến Hợi, còn Ngọc Bình vào vai Bác Hồ không lộ mà rất Bác Hồ”. Đây là vai khó nhất và thành công nhất trong vở diễn. NSƯT Đình Dũng trong vai Ông Cử Nguyễn Sinh Sắc cũng rất đạo mạo “thầy đồ xứ Nghệ”. Đặc biệt, NSƯT Kiều Oanh trong vai bà Hoàng Thị Loan rất xuất sắc, gây xúc động mạnh đối với người xem. Nhân vật Hoàng Thị Loan vừa nết na chịu đựng vừa đầy thương yêu lo lắng cho chồng con. Những cảnh tiễn chồng đi xa, cảnh thương con, hát ru con, cảnh đau đớn dằn vặt… Kiều Oanh đều diễn xuất rất tài nghệ. Đây là vai góp được nhiều thành công cho vở diễn. Rồi Thu Hằng trong vai Kan Liên người Vân Kiều ở Quảng Bình đi đón Bác, đã diễn rất có hồn; Lê Anh Cao Cường, mới 20 tuổi, vừa tốt nghiệp trường văn hoá nghệ thuật tỉnh 3 tháng đã vào vai Nguyễn Sinh Cung sinh động, giàu cảm xúc, Trần Phương Loan vai bé Huệ Minh diễn xuất nhí nhảnh, hồn nhiên và cảm động; hay Nguyễn Tâm Phú trong vai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tuấn Lin trong vai Tất Thành, Nguyễn Tuấn Linh trong vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… tuy xuất hiện ít nhưng cũng đã thể hiện được trình độ diễn xuất chuyên nghiệp. Những diễn viên phụ trong vai quan Tây, quan An Nam, ông già, bà lão, bộ đội, người bán hàng rong, người kéo xe, rồi đông đảo diễn viên trong vai quần chúng cũng đã thể hiện hết mình cho vở diễn. Tất cả họ đã cùng chung tay làm nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và xúc động về Bác Hồ.
Làm nên vở diễn đặc sắc Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đo còn có sự đóng góp không thể thiếu của nhạc sĩ Minh Tiến với nền nhạc đậm chất dân gian Huế và Nghệ Tĩnh, với những khúc dân ca được chọn lọc rất kỹ. Đặc biệt là đóng góp của NSND Lê Huy Quang, một bậc thầy trong lĩnh vực trang trí sân khấu Việt . Với hình tượng sáu cánh hoa sen biểu trưng cho phẩm cách Hồ Chí Minh (Tháp mười đẹp nhất bông sen/ Việt đẹp nhất có tên Bác Hồ - Bảo Định Giang) vừa đặc trưng sen Tịnh Tâm Huế cách điệu. Với biểu tượng hoa sen và 5 bậc tam cấp bán nguyệt, nghệ sĩ tài ba này đã dựng nên một cảnh trí sân khấu vừa cách điệu, tượng trưng vừa dân dã truyền thống, vừa thực vừa ảo, tạo ra không gian sân khấu vừa tiện dụng vừa hoành tráng gợi cho diễn viên cảm hứng diễn xuất, đáp ứng được cho tất cả các lớp của vở ca kịch, mang lại hiệu quả trực tiếp của vở diễn.
NSƯT Ngọc Bình cho biết, sau hội diễn, Nhà hát sẽ mang vở diễn về diễn cho bà con Huế, bà con các huyện, bà con Quảng Bình coi, để mọi người hiểu thêm, kính yêu thêm Bác Hồ vĩ đại của chúng ta, qua đó góp phần giúp cán bộ và nhân dân có thêm tư liệu sinh động trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
N.M (252/02-2010)
Vở ca kịch HỒ CHÍ MINH - HỒI ỨC MÀU ĐỎ tham gia Hội diễn Sân khấu Toàn quốc dành cho Tuồng và Ca kịch ở Đà Nẵng từ ngày 7- 16/1/2010 đã làm cho hàng ngàn khán giải rơi nước mắt. Kết quả Ban giám khảo đã tặng cho vở diễn Giải Đặc biệt Xuất sắc và 11 giải thưởng giành cho cá nhân: 3 giải vàng dành cho diễn viên NSƯT Ngọc Bình trong vai Bác Hồ; NSƯT Kiều Oanh vai bà Hoàng Thị Loan; Lê Anh Cao Cường vai Nguyễn Sinh Cung; 3 giải bạc cho NSƯT Nguyễn Đình Dũng vai ông Nguyễn Sinh Sắc, Trần Tố Loan trong vai Huệ Minh và Hoàng Hà trong vai ông già Huế. Hội Nghệ sĩ Sân khấu còn tặng giải thưởng cho diễn viên Tuấn Linh với vai Nguyễn Tất Thành. Vở HỒ CHÍ MINH - HỒI ỨC MÀU ĐỎ còn giành được giải thưởng âm nhạc hay nhất, trang trí sân khấu tốt nhất, kịch bản hay nhất. M.K
|
|