Những mẫu chuyện diễn ra trên sân khấu mà có thể đa số khán giả đã nghe, đã biết qua những quyển sách như “Búp Sen Xanh”, “Bông Sen vàng” của Sơn Tùng, hoặc qua những chuyện kể khác về cuộc đời Hồ Chủ tịch, nhưng những chuyện kể đó được chắt lọc, được nghệ thuật hóa, hình tượng hóa một cách sinh động và xúc động nên hầu hết người xem lần đầu đều cảm thụ một cách chân thực và xúc động qua vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ do Đoàn ca kịch Huế trình diễn tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc vào giữa tháng 1 năm 2010 ở thành phố Đà Nẵng.
Câu chuyện kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ được bắt đầu từ chuyến thăm Quảng Bình của Bác Hồ vào tháng 6 năm 1957, trong không khí đón tiếp tưng bừng của đồng bào Quảng Bình và Quảng Trị.
Khi đứng trên bờ sông Nhật Lệ nên thơ và hùng vĩ, Bác xúc động nhìn về phía Nam
xa xăm và hồi tưởng về thành phố Huế, nơi cả gia đình Bác đã từ Nghệ An vào đây sống gần 10 năm. Cũng từ Huế, cha và anh của Bác phải đi Thanh Hóa coi thi. Bác lúc này là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, tóc còn để chỏm, vừa đi học, vừa nuôi mẹ và chăm em trai sơ sinh - không may mẹ Bác (Bà Hoàng Thị Loan) bị ốm chết, tiếp theo đứa con cuối cùng của bà cũng chết theo. Đau đớn dồn dập đến với Nguyễn Sinh Cung. Tuy được bà con láng giềng hết lòng giúp đỡ, nhưng không ai chia sẻ hết nỗi đau tinh thần đến tột cùng của cậu bé Cung trong cảnh tang tóc đau thương dồn dập ập tới! Ba ngày Tết, Sinh Cung quỳ trước bàn thờ mẹ mà thương nhớ khóc than, khiến cho bà con xóm làng không cầm được nước mắt, trong khi bọn thực dân Pháp và lũ Việt gian lại ra sức đàn áp dân lành. Trước cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Sinh Cung sau đó là Nguyễn Tất Thành, đi đầu trong những cuộc biểu tình chống lại chính sách đàn áp của thực dân Pháp ở Huế. Bị truy bắt Nguyễn Tất Thành trốn vào Nam
và tìm đường cứu nước.
Lớp cuối của vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đo là cảnh Bác Hồ trước lúc lâm chung muốn nghe một khúc hát dân ca và tiếng hát quan họ của cô y tá nghẹn ngào trong lúc trái tim vĩ đại dần dần ngừng đập. Vở diễn thật sự gây xúc động, bi mà không luỵ, hào hùng chính trị nhưng không lên gân, không khô cứng. Nói chung vở diễn được điều tiết hợp lý trong âm điệu hào sảng, ngợi ca và đậm đặc chất trữ tình tha thiết. Trước hết là kịch bản văn học viết khá tốt từ cấu trúc màn lớp, xây dựng tính cách nhân vật hợp lý đến chất thơ trữ tình trong sáng phù hợp với thể loại dân ca. Nhạc sĩ vận dụng làn điệu dân ca Huế kết hợp dân ca Nghệ Tĩnh thật ngọt ngào, sâu lắng. Những ca khúc mới sáng tác cũng thể hiện được những tình huống, những biến cố trong truyện kịch, những giọng ca hay của các nghệ sĩ cũng góp phần làm nên sự thành công của một vở ca kịch. Thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bình đã có nhiều cố gắng để vượt qua những trở lực về hình thể, về cách đi và giọng nói để cho hình tượng Bác Hồ được rõ nét hơn, chân thực hơn, như trong tâm khảm, trong nhận thức của người xem là Bác Hồ, một vĩ nhân, một lãnh tụ thiên tài nhưng rất bình thường giản dị luôn gần gũi với mọi người, không xa cách với nhân dân.
Góp phần thành công cho vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ còn có sự sáng tạo mỹ thuật xuất sắc của NSND - Hoạ sĩ Lê Huy Quang với một chiếc bục tròn năm bậc, tạo đất cho diễn viên hành động trên nhiều bình diện, sáu hình tượng hoa sen cỡ lớn cùng với tấm phông hình tròn thể hiện mặt trời và mặt trăng (qua ánh sáng) đều nhằm biểu trưng cho một nhân cách một tâm hồn vĩ đại Hồ Chí Minh - “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ là một tác phẩm nghệ thuật thiết thực phục vụ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch, thiết thực phục vụ kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 120 năm ngày sinh của Bác và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với sự thành công về nội dung đến sự thành công về hình thức mà vở diễn Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ đã nhận được Giải thưởng Đặc biệt xuất sắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2009; - Giải thưởng Đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; - Giải thưởng xuất sắc nhất cho tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Quang Vinh; - Giải thưởng xuất sắc nhất cho Thiết kế mỹ thuật - NSND - Họa sĩ Lê Huy Quang và giải thưởng xuất sắc nhất cho Âm nhạc - nhạc sĩ Minh Tiến.
Ban giám khảo Hội diễn cũng đã tặng 3 Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ: - NSƯT Nguyễn Ngọc Bình (vai Hồ Chí Minh), - NSƯT Phạm Thị Kiều Oanh (vai Hoàng Thị Loan), - Nghệ sĩ trẻ Lê Cao Anh Cương (vai Nguyễn Sinh Cung)
Và 3 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ: NSƯT Nguyễn Đình Dũng (vai Nguyễn Sinh Sắc), Nghệ sĩ Trần Thị Phương Loan (vai Huệ Minh), nghệ sĩ Hoàng Hà (vai ông già Huế) và giải diễn viên tài năng cho nghệ sĩ Trần Tiến Lin (vai Nguyễn Tất Thành).
Tất cả những thành công nói trên đều chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của những người nghệ sĩ kiểu mới. Họ tự do sáng tạo, nhưng không rời quỹ đạo của Đảng và luôn luôn hướng theo, làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Vì thế mà vở ca kịch Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ không chỉ thành công ở sân khấu Hội diễn toàn quốc tại Đà Nẵng mà còn chinh phục hoàn toàn tình cảm của khán giả ở Nhà hát lớn Hà Nội trong tối biểu diễn chào mừng 80 năm thành lập Đảng (27 tháng 1/2010) vừa qua. Bí thư Thành uỷ Hà Nội - Phạm Quang Nghị nhận xét: Đây là một tác phẩm thành công về đề tài Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thì cho biết, ông đã rất xúc động và đã không cầm được nước mắt trong khi xem. Rõ ràng đề tài Hồ Chí Minh vẫn là kho tàng rộng lớn và hấp dẫn để cho các nghệ sĩ sân khấu khám phá và sáng tạo đáp ứng nguyện vọng của nhân dân là được nhìn thấy Bác và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác trên sân khấu bằng hình tượng nghệ thuật sinh động.
H.C (253/03-10)
|