Nhan đề phim: Phan Bội Châu Xưởng phim: Asia Film Chủ nhân: Hương Ký Photo - Hà Nội. Nội dung phim: Cuộc đời của nhà sĩ phu yêu nước qua ba thời kỳ: - Thời kỳ hoạt động trong nước trước 1905. - Thời kỳ hoạt động ở ngoài nước 1905-1925. - Thời kỳ bị bắt đưa về nước. Diễn viên chính: Phan Bội Châu Diễn viên phụ: trên 30 người đóng vai sinh đồ.. Đó là những chi tiết chính về phim Phan Bội Châu. Chúng ta biết được nhờ một tin đăng trên tờ Trung Bắc tân văn ngày 14-1-1926. Cuốn phim hiện nay ở đâu? Trong hoàn cảnh chiến tranh đã qua và với điều kiện bảo quản phim ảnh cũ hiện nay, ta ít có hy vọng tìm được. Chúng tôi đã thử tìm ở viện Thông tin Khoa học xã hội (Hà Nội) nhưng không thấy có. May ra, có thể tìm thấy ở Pháp, vì năm 1954 Pháp đã chuyển một số tư liệu quý của ta về Pháp. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể dựa vào các tin tức, các mục quảng cáo trên báo hằng ngày để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời, nội dung cuốn phim và mưu đồ của người dựng phim cùng chính quyền thực dân hồi bấy giờ. Cụ Phan bị Pháp bắt cóc ở ga Bắc Trạm, Thượng Hải vào tháng 6-1925 và đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội dưới tên là Trần Văn Đức. Dù vậy, nhân dân vẫn hay tin cụ Phan bị bắt và một luồng dư luận mạnh mẽ lên án hành động hèn mạt và vi phạm quốc tế công pháp của thực dân, đòi trả tự do cho cụ Phan nổi lên khắp trong và ngoài nước. Bất đắc dĩ, thực dân phải đưa cụ ra Hội đồng Đề hình xét xử và kết án khổ sai chung thân nhà chí sĩ yêu nước. Thực dân đã tính nhầm. Trước tòa, cụ Phan đã dõng dạc lên án thực dân Pháp, hùng hồn bác bỏ mọi luận cứ buộc tội cụ. “Tôi có cái lưỡi, cái bút không được dùng cho nên tôi phải bỏ nước mà đi… Tôi không biết chống Pháp là phạm tội tử hình ư? Nhưng có quan hệ gì cái chết!...” Tòa án xử cụ Phan trước dư luận, trở thành tòa án buộc tội thực dân Pháp. Các bài tường thuật vụ xử án được đăng trên các tờ Thực nghiệp dân báo, Đông pháp thời báo như là những cuốn phim sống động làm xúc động mọi người. Các tờ báo tay sai của thực dân, trước đòi hỏi của độc giả, cũng đã phải đăng lại các bài tường thuật trên. Lần đầu tiên người dân bị áp bức lên tiếng công khai thừa nhận cụ Phan là nhà ái quốc, nhà đại ái quốc.., và yêu cầu thực dân Pháp trả tự do cho cụ. Va-ren, tên toàn quyền Đông Dương buộc lòng phải trả tự do cho cụ Phan nhưng một chuỗi âm mưu nhằm hạ uy tín cụ Phan đã được sắp đặt, tính toán. Trước hết, chúng buộc cụ phải về Huế ngay sau đó và sắp xếp cho cụ ở nhà Nguyễn Bá trác (25-12-1925). Trác vốn là một học sinh Đông Du về đầu hàng Pháp và nay làm đến Thị lang bộ Binh (1). Ở trong nhà một tên phản bội, cụ Phan tránh sao khỏi bị nghi ngờ, dị nghị của đồng bào. Trác lại ngăn cản đồng bào yêu nước thăm viếng cụ Phan. Lợi dụng lúc cụ Phan còn bàng hoàng xúc động, ngay trong ngày đầu tiên ở Huế, Nguyễn Bá Trác đã xui xử cụ làm những việc có hại cho uy tín cụ: tờ “Thông cáo toàn quốc” và cuốn phim Phan Bội Châu! Tờ Trung Bắc tân văn đăng tin: “Hôm 6/1 mới rồi, một nhà chụp ảnh ở Hà thành có đến nơi công thự của quan Binh bộ thị lang Nguyễn Bá Trác là nơi tạm trú của ông Phan Bội Châu, xin làm phim chớp ảnh, được ông Phan bằng lòng cho làm”. Tính ra mới hơn mười ngày về đến Huế. Chắc chắn việc quay phim đã được Nguyễn Bá Trác “bàn” với cụ Phan và điều chắc chắn hơn nữa là phải có ý kiến của mật thám Pháp. Hương Ký - Nguyễn Bá Trác - mật thám Pháp đã thỏa thuận một âm mưu nhằm xuyên tạc trắng trợn cuộc đời hoạt động của Phan Bội Châu, ly gián nhà yêu nước với đồng bào và hạ thấp uy tín của cụ Phan như ta sẽ thấy trong các chi tiết sau đây. Lợi dụng kỹ thuật phim ảnh hồi đó còn là phim câm (?), nội dung tùy thuộc vào lời thuyết minh, Hương Ký đã quay đoạn đầu của cuốn phim với lời thuyết minh như sau: “Hồi thứ nhất là lúc tiên sinh còn ở nước nhà… Ông Phan mặc quốc phục, chít khăn lượt Bắc, bận áo Sa tàu, chân đi giày hạ, tay cầm quạt Thanh, đứng diễn thuyết với một bọn sinh đồ hơn 30 người về cái chủ nghĩa Pháp Việt đề huề” (T.V.N. nhấn mạnh). Xuyên tạc bất chấp sự thực đến như thế thì không thể trắng trợn hơn được! Trang phục của cụ Phan mà Hương Ký mặc cho cụ rõ ràng là muốn mô tả một Phạm Quỳnh thứ hai! Không có gì là dáng dấp của một ông đồ nghệ yêu nước, tác giả của “Lưu cầu huyết lệ tân thư”, phú “Bái thạch vi huynh” và là người sáng lập Duy Tân hội! Đoạn thứ hai, thời gian cụ ở nước ngoài, sự lợi dụng trang phục lại càng rõ nét: “Hồi thứ nhì… mặc đồ Trung Hoa, bận một cái áo nhiễu màu xanh lợt, dài lướt thướt đến tận gót chân, ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ mun chạm lọng, trông chẳng khác gì một nhà thượng lưu nhân vật nước Tàu vậy” (T.V.N. nhấn mạnh). Còn đâu hình ảnh một Phan Bội Châu “lặn lội đất khách, mưa nắng dãi dầu, ngủ giữa núi tuyết, khóc giữa sân Tàu”! Hồi thứ ba Phan Bội Châu trở thành một Bùi Quang Chiêu; chứ không phải hình ảnh một tù quốc sự, đầu cạo trọc, đứng trước vành móng ngựa, sang sảng buộc tội Pháp: “Hồi thứ ba là lúc tiên sinh trở về tổ quốc… bận đồ nỉ màu nâu sẫm, may theo Ăng-lê, đi một đôi dày đen mốt Hoa Kỳ, cổ thắt cravate. Tiên sinh lại có viết mấy dòng chữ đại tự để chụp vào trong phim ảnh nữa”. Mấy chữ đại tự đây là Tuyên cáo quốc dân đồng bào, một bài tuyên cáo viết lúc còn xúc động và chưa rõ mưu cơ thâm độc của thực dân đã làm xôn xao dư luận một thời! Cuốn phim đã hoàn tất, đã được quảng cáo sẽ chiếu ở rạp Cinéma Tonkinois, phố Hàng Quạt Hà Nội. Sau khi được quan Thống sứ cho phép cùng lúc với các phim Tấn tôn Bảo Đại và Ninh lăng Khải Định! Một phim như thế chắc chắn sẽ được quan thống sứ đồng ý. Dù sao chi tiết trên quảng cáo: “đợi quan thống sứ đồng ý”, cho dù là một thủ tục kiểm duyệt đối với bất cứ phim ảnh nào, vẫn là một chi tiết tăng thêm lòng háo hức của khán giả và tầm quan trọng của cuốn phim. Chúng tôi không rõ phim đã thực sự được chiếu chưa nhưng hiện nay chúng tôi đã tìm được những chiếc ảnh cụ Phan với trang phục như đã tả trong phim phù hợp với lời tuyên cáo của Hương Ký về việc phát hành 6 kiểu ảnh của cụ Phan và lời đe dọa những kẻ nào in lại hoặc vẽ lại sẽ bị đưa ra trước pháp luật vì vi phạm bản quyền tác giả! Cho hay dưới chế độ thực dân, phim ảnh rất sớm đã trở thành một công cụ tuyên truyền chống cách mạng và mức độ xuyên tạc của nó trắng trợn chẳng thua gì các phương tiện khác. Một điều đáng ghi nhận là cụ Phan Bội Châu, đã bị đánh lừa để trở nên một diễn viên điện ảnh có thể là đầu tiên của Việt Nam và phim Phan Bội Châu phải chăng là phim đầu tiên được quay trên đất Huế? Huế, tháng 5-1983 T.V.N (Tài liệu tham khảo: - Báo Trung Bắc Tân Văn tháng 1,2,3 - 1926) (2/8-83) ----------- (1). Chức thị lang tương đương với chức thứ trưởng ngày nay, sau thượng thư và tham tri. |