Riêng Bình Trị Thiên có những 4 đoàn nghệ thuật: ca Huế, kịch nói, cải lương và tuồng. Trong đó có hai sản phẩm lâu năm nhất của địa phương là tuồng và ca Huế. Nhưng tuồng chưa tổ chức hẳn thành một Đoàn như các Đoàn khác mà chỉ là một bộ phận của Đoàn Hát múa truyền thống. Cái tên Đoàn nghe mới lạ! Nhưng nó có nguyên nhân. Tôi muốn nói đến chủ trương phục hồi tuồng Huế hiện nay của Bình Trị Thiên. Vậy trước hết, cũng cần biết vài nét về cội nguồn của Đoàn Hát múa truyền thống như thế nào? Đoàn Hát múa truyền thống được tổ chức từ năm 1979 trên cơ sở của Đoàn Ba Vũ (sau khi đoàn tuồng Đồng Xuân Lâu được giải thể). Riêng đoàn Ba Vũ thì đã có một lịch sử lâu đời. Theo một số nghệ nhân (1) cho biết tổ chức Ba Vũ có từ năm 1817. Đến năm 1820 thì phát triển mạnh. Lúc bấy giờ gọi là Thanh Bình đội gồm có 381 người chia làm 3 môn: múa, tuồng và ca nhạc. Mỗi môn có 120 diễn viên, 1 chánh và 6 phó đội. Sau đổi tên Võ Ca đội. Đến thời Khải Định gọi đội múa là Đoàn Ba Vũ. Do sự phát triển nhanh, mạnh nhất là tuồng, triều Nguyễn xây dựng Thanh Bình Thự (2) gồm có một ngôi đền thờ Tổ và một khu trường chuyên đào tạo diễn viên dưới quyền điều hành của một ông Thự. Riêng môn hát Bội chia làm 3 ban. Hàng năm (tính theo âm lịch). Thanh Bình Thự tổ chức các ngày lễ như Xuân tế (tức là lễ Thánh Tổ 14 tháng 3), ngày giỗ Tổ Sư (19 tháng chạp). Trước đó một ngày có làm lễ chạp hơn 500 ngôi mộ nghệ sĩ) và ngày lễ Thu tế (15 tháng 7, lễ cúng chung cho tất cả vong linh nghệ sĩ tuồng ở khắp nơi trong nước dù hữu danh hay vô danh). Và cứ 3 năm, Thanh Bình Thự tổ chức đại đàn một lần có đông đủ các nghệ nhân, diễn viên xa gần tập trung về dự. Đại đàn thường có phần biểu diễn Thơ cách và phần Đưa linh tập chèo (3). Nhân dân chung quanh kéo nhau đến xem đông vui như ngày hội. Trường nghệ thuật hát Bội Thanh Bình Thự đào tạo mỗi khóa 2 năm, sau đó dành thời gian tập vở để vào diễn Ngự (4). Các nghệ sĩ bậc thầy ở đây ngoài nhiệm vụ đào tạo theo chương trình chính quy tại trường, còn tranh thủ đào tạo ở ngoài nhiều diễn viên xuất sắc. Do đấy, nhiều gánh hát bội của nhân dân được thành lập, kể cả các gánh của ông hoàng, bà chúa như gánh hát bà chúa Tám, gánh bà chúa Nhất, gánh ông hoàng Chín, gánh bà Tuần (chuyên ở rạp Đồng Xuân Lâu); ngoài ra còn có gánh ông Tá Heo, gánh ông Cữu Hiệu v.v… Lúc đầu - suốt một thời gian dài - trường nghệ thuật Thanh Bình Thự chỉ đào tạo diễn viên nam. Các vở diễn - kể cả những vở diễn Ngự thường là nam đóng các vai nữ. Mãi sau này, từ thời Khải Định trở đi, trường mới có những khóa đào tạo cả nam lẫn nữ. Đặc biệt bà chúa Nhất, bà chúa Tám và bà Từ Cung (5) chuyên đào tạo nữ đóng kép và tổ chức ra các đội hát nữ ban. Đó cũng là một nét độc đáo của tuồng Huế trước đây. Những nghệ sĩ bậc thầy lớp trước có các ông Lê Thước (giữ chức Chánh quản), Nguyễn Văn Em (phó quản), Đội Hứa, Bang Bé, Thất Luận, Thất Quơ; lớp kế tục có Bang Tá Duy, Võ Đốc, bác Tú, bác Cao, Nguyễn Lớn, Thất Hoan, Bếp Thứ, Tư Thương, Nguyễn Nậy, Năm Tồn, Sáu Đá… lớp hậu kế có bác Viên Bờ, Trần Dục, Dương Hòa, Phan Lễ… và một số nữ nghệ sĩ có tài năng được đông đảo khán giả đương thời yêu mến như cô Ba Lài, Tư Huệ, Ba Vĩnh, Cháu Em, bà Quang, Ngô Thị Liễu, Bạch Trúc và nhiều diễn viên ưu tú khác. Những nghệ sĩ trên đây không những đã góp phần rạng rỡ một thời cho sân khấu tuồng Huế nói chung, mà còn khắc sâu trong tâm trí khán giả hàng bao nhiêu năm nay những vai tuồng đầy sáng tạo và độc đáo trong các vở tuồng nổi tiếng như Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Dương Chấn Tử, Lý Phụng Đình, Đào Phi Phụng, Trầm Hương Các, Tái Sinh Duyên, Hồ Sinh Đường, Quần Phương, Yến Thụy, Tam Quốc, Tây Du, Chinh Đông, Chinh Tây v.v… Với lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài Thanh Bình Thự cùng với hàng trăm vở diễn, trong đó có những pho tuồng đồ sộ như thế, nên các rạp hát tuồng cũng mọc lên khắp nơi. Chỉ tính riêng trong nội thành phố Huế và chung quanh ngoại vi, cho đến năm 1945 vẫn còn đến chục rạp hát: Đồng Xuân Lâu, An Cựu, Vĩ Dạ, Kim Long, Tuần, Bắc Hòa, Đệ nhị (nay là Phú Bình), Bao Vinh. Nếu tính chung cả 3 tỉnh cũ (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình) thì còn hàng chục rạp hát khác nữa. Điều đó xuất phát từ yêu cầu của đông đảo quần chúng lúc bấy giờ và ngược lại do sự phát triển và hoạt động mạnh của tuồng cùng với một mạng lưới rạp hát như thế đã tạo ra một đối tượng khán giả sành xem tuồng trong nhân dân địa phương, biết đánh trống chầu giỏi (đầu xuân năm nay, đoàn Hát múa truyền thống của tỉnh về diễn tuồng tại Cự Lại ở Thuận An thuộc huyện Hương Phú. Ở đây, xã đã dựng lên một cái rạp có đủ chỗ ngồi cho trên 1000 người xem với 4 đến 6 trống chầu mỗi đêm diễn. Cho đến nay, từ rạp Đồng Xuân Lâu ở Huế đến nhiều nơi trong tỉnh (Quảng Trị - Thừa Thiên cũ) hễ có diễn tuồng là có tiếng trống chầu vang lên dòn dã). Trên sân khấu tuồng Huế, khán giả đã từng xem đủ các loại kịch bản Tuồng Cổ, Tuồng Pho, Tuồng Ngự, Tuồng Văn Thân, Tuồng Sử, Tuồng Đồ, Tuồng Dân Gian, Tuồng Tiểu Thuyết v.v… Có thể nói rằng tuồng Huế đã diễn hầu hết các loại kịch bản tuồng, dù loại kịch bản đó do một tác giả nào viết từ đâu. Nghệ thuật tuồng đối với xứ Huế là cả một duyên nợ gắn bó xa xưa, cho đến nay vẫn còn nhiều vương vấn. Thế nhưng, cũng trong tình trạng chung, tuồng Huế đã trải qua lắm bước thăng trầm. Như chúng ta đã biết, Huế đã có một thời là trung tâm của nghệ thuật tuồng. Và rồi từ tuồng chính thống nói trên dần dần đã dẫn đến một loại tuồng pha tạp hổ lốn, vàng vọt suy tàn như các vở Đảng cướp áo đen, Sau cơn ác mộng, Kim Tự Tháp đẫm máu, Đứa con hoang, Trong rừng thẳm, Tướng cướp ba mặt v.v… của Đoàn Đồng Hỷ Ban từng làm mưa làm gió một thời tại rạp Đồng Xuân Lâu trong những năm Pháp chiếm đóng và thời gian Mỹ ngụy sau này. Sự suy thoái ấy của tuồng Huế vẫn còn lay lắt, đeo đẳng đến mấy năm sau ngày miền Nam giải phóng. Thông cảm và xót xa hơn hết là khi chúng ta thấy một số nghệ nhân ít nhiều có tài năng, tên tuổi ở Huế trước đây xuất phát từ lòng yêu nghề, đồng thời cũng vì cuộc sống đã phải lăn lưng vào các đêm diễn tuồng hổ lốn ấy. Mặc dầu các bác vẫn diễn rất hay theo phong cách nghệ thuật tuồng truyền thống, nhưng trông các bác lúc bấy giờ sao mà lạc lõng đáng thương đến thế. *** Trong một bài nói về sân khấu cải lương cách mạng (đăng báo Sân khấu số 1 (22) đầu năm nay) anh Hoàng Như Mai có khẳng định rằng không có cải lương miền Bắc, cải lương miền Nam, mà chỉ có một nền nghệ thuật cải lương trong tổ quốc thống nhất. Đó là cái lý về sân khấu cải lương, bởi vì nó có khác chăng chỉ khác giọng nói, giọng hát theo thổ âm địa phương. Còn sân khấu tuồng thì không phải thế. Tuy rằng tuồng là một bộ môn nghệ thuật chung của cả nước, nhưng có tuồng Bắc, tuồng miền Trung và tuồng Sài Gòn. Nói thế không phải để phân chia nghệ thuật tuồng, mà chính là để chỉ phong cách diễn tuồng của mỗi vùng, mỗi miền vốn đã được hình thành rõ nét từ lâu ở các nơi ấy. Đúng vậy, tuồng Huế (cũng như tuồng Quảng (6) nói chung) trải bao đời đã tạo cho mình một phong cách nghệ thuật biểu diễn - chủ yếu là hát (bao gồm bạch, thán, oán, xướng, ngâm, vịnh) và vũ đạo có những đặc điểm riêng biệt, cụ thể. Rất tiếc sự hài hào nhịp nhàng mang tính mẫu mực về động tác hình thể và sự trong sáng, nhuần nhuyễn tinh tế về hát theo phong cách biểu diễn nghệ thuật tuồng Huế ngày nay đã bị pha trộn mất chất. Các nghệ sĩ tuồng có tên tuổi nói ở trên phần đông đã qua đời; số ít còn lại hoặc vì già yếu không còn đủ sức khỏe để tiếp tục hành nghề hoặc đã buộc lòng vĩnh viễn từ giã sân khấu đáng yêu của mình để theo một hướng làm ăn mới khác; một số khá đông còn khả năng hoạt động và đáng được khán giả yêu mến như Văn Châu, Ngọc Tú, Tân Phát, Minh Trai, và các chị Tuế Nguyệt, Kim Phúc, Năm Út, Hồng Thu, Tư Nỡ v.v… thì đi diễn phân tán ở các địa phương khác, thiếu cơ sở và điều kiện để tập trung ở tỉnh nhà. Trong đó phần đông (từ lớp đồng ấu của đoàn tuồng Đồng Hỷ Ban trước kia) đã quen lối diễn tuồng xen nửa cải lương làm hủy hoại tính thẩm mỹ thuần thục của tuồng Huế, gây nên một sự lộn xộn, mất gốc rất đáng lo ngại. Trước tình hình đó Ty Văn hoá và Thông tin Bình Trị Thiên chủ trương giao cho đoàn Ba Vũ, nhiệm vụ phục hồi tuồng Huế, bước đầu là khai thác xây dựng các trích đoạn. Như tôi đã trình bày ở phần đầu, Ba Vũ và tuồng đã từng gắn bó hữu cơ cả về nghệ thuật (hát và động tác múa của Ba Vũ cơ bản là tuồng) lẫn tổ chức từ trên trăm năm trước đây. Vì vậy, đoàn Ba Vũ nhận thêm nhiệm vụ phục hồi tuồng Huế là rất phù hợp, nó không những không gây trở ngại gì, trái lại, càng tạo điều kiện cho chúng gắn chặt nhau, hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển. Cái tên đoàn Hát múa truyền thống xuất hiện trên cơ sở chức năng nhiệm vụ mới được đặt ra như thế đấy (tất nhiên cái tên này chỉ là tạm thời của giai đoạn đầu kết hợp giữa hai bộ môn tuồng với Ba Vũ). Tuy nhiên, nhiệm vụ phục hồi tuồng Huế đặt ra hiện nay so với yêu cầu của địa phương và tình hình chung của cả nước là chậm, và đang gặp nhiều khó khăn. Cái khó ở đây không phải là do nghệ thuật. Cũng không hoàn toàn do các điều kiện về tổ chức biên chế, công tác đào tạo và ngân sách còn đang lúng túng, hạn chế. Cái chính là do nhận thức vấn đề chưa thấu suốt từ khâu chỉ đạo, chưa quan niệm sâu sắc vị trí tuồng Huế trong nền nghệ thuật tuồng Việt Nam, và ý nghĩa chính trị của nó đối với Huế, một trung tâm văn hoá lâu đời của cả nước và của Bình Trị Thiên trước kia cũng như ngày nay. Vả lại, nhìn vào thực tế hiện nay chúng ta thấy có tuồng Bắc (đoàn tuồng Trung ương là tiêu biểu), có tuồng cải lương Sài Gòn (chủ yếu là tuồng hò Quảng), có tuồng miền Trung (ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - Nghĩa Bình - Phú Khánh v.v…) Thế mà, Huế là một cái nôi tuồng, cho đến nay vẫn chưa có một đoàn tuồng hoàn chỉnh. Trong khi đó, tuồng Huế đang báo động cấp 3 về một nguy cơ (chỉ trong một thời gian ngắn nữa) sẽ mất hẳn phong cách nhuần nhị đáng yêu của nó mà nó phải trải qua mấy thế hệ ngọt bùi cay đắng mới hình thành nên. Công việc phục hồi và xây dựng tuồng Huế đang gặp trở ngại, mâu thuẫn giữa phương hướng kế hoạch với tình hình thực tế chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong đợt I Hội diễn nghệ thuật sân khấu tại thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng sau khi xem xong vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh của Nhà hát tuồng Nghĩa Bình đã tỏ ý hài lòng khích lệ và chỉ rõ hướng đi lên của tuồng (làm cho tuồng tiếp cận với hiện tại, gần với hiện tại và tiếp thu hiện tại (7); trong nghị quyết của Bộ Văn hoá về kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1975-1980) có đoạn nhấn mạnh vị trí của tuồng trong nền nghệ thuật kịch hát dân tộc và hướng phát triển của nó. Đó là những điều kiện cơ bản nhất về mặt lãnh đạo, về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra từ bấy lâu nay. Nếu có một nhận thức thấu triệt, đúng đắn được thể hiện sắc cạnh trong sự chỉ đạo đối với việc phục hồi và xây dựng tuồng Huế, chắc chắn Bình trị Thiên sẽ có một đoàn tuồng mang bản sắc và phong cách (ý nhị, đường hoàng) của địa phương cùng với sự mạnh dạn đổi mới thích hợp với yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đời sống quần chúng của thời đại - trước hết là quần chúng nhân dân trong tỉnh. Đã đến lúc không nên họp bàn nhiều và chần chừ do dự gì nữa. Các nghệ nhân và diễn viên tuồng đang mong mỏi sốt ruột; nhân dân trong tỉnh đang nóng lòng chờ; khán giả yêu tuồng trong cả nước đang đòi hỏi sự có mặt của tuồng Huế trên sân khấu! Chỉ cần có một quyết định mạnh bạo dứt khoát, rõ ràng và cụ thể, đồng thời với việc chọn giao cho những cán bộ phụ trách có nhiệt tình, có năng lực thì việc làm nhất định sẽ có kết quả (mà Bình Trị Thiên, so với nhiều nơi khác thì có khá đông cán bộ Văn nghệ. Riêng cán bộ nghệ thuật cũng có nhiều anh chị em có trình độ từ Trung cấp đến Đại học). Hơn nữa, ở vào vị trí trung tâm của tổ quốc, Huế - Bình Trị Thiên còn có thuận lợi trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương (viện nghệ thuật, vụ sân khấu và các cán bộ trong ngành) và sự hỗ trợ công tác của anh em các Đoàn tuồng ở các tỉnh Liên khu 5 (cũ). Nói thế không có nghĩa là mọi việc đều dễ dàng. Hiện nay ở địa phương có nhiều khó khăn, nhưng đều có thể vượt qua, miễn là có quyết tâm. Phục hồi và xây dựng tuồng Huế cũng là một biểu hiện sinh động ý thức của lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về một sản phẩm nghệ thuật có phong cách riêng của địa phương mình. Tôi hy vọng rằng Bình Trị Thiên sẽ sớm có một đoàn tuồng Huế đúng là của Huế với một sức sống mới. V.L. (2/8-83) ---------- 1. Bác nghệ nhân tuồng Viên Bờ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, do chị Cẩm Vân, phụ trách múa của đoàn ghi chép. 2. Như khu Văn công của ta ngày nay, xây dựng vào năm 1823 thời Minh Mạng (theo bia đã ghi). 3. Thơ cách là cung cách của các điệu hát theo lời thơ. Có nghệ nhân gọi là thất kích tức là hát những điệu gồm đủ bảy tình cảm hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục - Đưa linh tập chèo cũng như hò đưa linh của nhân dân miền Trung tiễn đưa người đã khuất. 4. Diễn cho vua chúa xem. 5. Hai bà chúa Nhất, chúa Tám là em gái vua Duy Tân, bà Từ Cung là vợ. 6. Bao gồm tuồng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trước đây. 7. Theo lời ghi của tác giả Trúc Đường. |