Sân khấu Huế
Tìm hiểu tổ ngành hát bội
15:27 | 02/10/2008
PHAN THUẬN THẢO(Qua khảo sát tại Thanh Bình Từ đường ở Huế)Hàng năm, cứ mỗi dịp rằm tháng 7 Âm lịch, con cháu trong ngành Hát Bội (còn gọi là Hát Bộ hay Hát Tuồng) ở vùng Huế tụ họp nhau tại Thanh Bình Từ đường (kiệt 281, Chi Lăng, Huế) để làm lễ tế tổ. Đây là một dịp tốt để người trong nghề cùng gặp gỡ, trao đổi về nghề nghiệp, và tỏ lòng thành kính, biết ơn đến các vị tổ nghề.
Tìm hiểu tổ ngành hát bội
Mặt trước Thanh Bình Từ Đường

1. Vài nét về Thanh Bình Từ đường và lễ tế tổ:
Thanh Bình Từ đường là nhà thờ tổ ngành Hát Bội lớn nhất trên cả nước, được xây dựng trong khuôn viên của Thanh Bình Thự ngày xưa (nay thuộc địa phận phường Phú Hiệp, thành phố Huế). Theo tấm bia đá dựng trước sân của Từ đường, ngôi nhà thờ này được trùng tu vào ngày 9 tháng 3 năm Quí Mùi, tức ngày 19 - 4 - 1823. Hiện vẫn chưa có nguồn tư liệu đáng tin cậy nào đề cập đến thời điểm xây dựng chính thức của Từ đường.
Sự tồn tại của ngôi nhà thờ này gắn liền với lịch sử phát triển của nghệ thuật Tuồng Huế. Từ thời các chúa Nguyễn, nghệ thuật Tuồng đã được phát triển thành một thứ “quốc kịch” của Đàng Trong. Tại đây, vào thế kỷ XIX, nghệ thuật Tuồng đã được nâng lên vị thế đỉnh cao trong lịch sử phát triển của mình với sự hình thành phong cách Tuồng cung đình. Cũng chính vì thế, ngôi Từ đường dành cho các vị tổ ngành Tuồng lớn nhất cả nước đã được xây dựng tại Huế và còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Trong đợt trùng tu năm 1823, ngôi nhà thờ này vẫn chưa có tên là Thanh Bình Từ đường, bởi tổ chức hoạt động Tuồng cung đình thời bấy giờ vẫn còn mang tên gọi từ thời Gia Long là Việt Tường Đội. Đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình mới cho “đổi đội Việt Tường làm thự Thanh Bình”
(1).
Cho nên, tấm hoành phi làm năm Tự Đức thứ 6 (1853) được khắc 4 chữ Hán kiểu đại tự: “Thanh Bình Từ đường”. Tấm  hoành  phi này  hiện vẫn  còn treo ở ngay gian giữa của từ đường.
Theo dòng lạc khoản ghi trên tấm hoành phi nói trên, cũng vào năm 1853, người ta xây thêm phần tiền đường và hai nhà cầu hai bên trái phải của từ đường. Sau khi triều Nguyễn chấm dứt, con cháu trong nghề cư trú chung quanh Từ đường vẫn cắt cử người bảo quản và chăm nom hương khói. Vào năm 1958, họ lại cùng nhau đóng góp kinh phí để sửa sang lại Từ đường
(2)
.

Lễ tế tổ ở Thanh Bình Từ đường trước đây được cử hành rất trọng thể. Mỗi khi có đại lễ, người ta tiến hành chuẩn bị trước cả tháng. Các gánh hát ở xa cũng phải lo sắm sửa lễ vật, cử người đại diện về tham dự. Thông thường, lễ diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên làm lễ cáo và chuẩn bị. Ngày thứ hai mới là ngày lễ chính, có lễ tế rất trang trọng, tiếp theo là phần hát Thất kích và Chèo lễ Đại đàn. Ngày thứ ba làm lễ tạ và thu dọn. Đây là một trong những cuộc lễ có qui mô hoành tráng nhất trong giới hạn tổ chức của một phường hội, thể hiện các đặc điểm văn hoá rất cần được khảo sát, nghiên cứu dưới các góc độ dân tộc học, văn hoá học, nghệ thuật học. Tiếc thay, kể từ cuộc lễ cuối cùng do Viện Nghiên cứu Sân khấu phối hợp với các cơ quan chức năng ở Huế tổ chức vào năm 1981, phần hát Thất Kích và Chèo lễ đại đàn chưa bao giờ được tái hiện. Các nghi thức này ngày nay khó phục hồi do các nghệ nhân thể hiện đã qua đời mà chưa kịp truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Hiện nay, lễ tế tổ ở Thanh Bình Từ đường đã được đơn giản hoá rất nhiều. Cuộc lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch và chỉ kéo dài trong vòng nửa ngày.

2. Các vị tổ sư, họ là ai?
Muốn tìm hiểu tổ sư ngành Tuồng là ai, chúng ta hãy khảo sát hệ thống thờ tự và các đối tượng thờ cúng ở Thanh Bình Từ đường. Hệ thống thờ tự ở đây có một số thay đổi theo thời gian. Các kết quả nghiên cứu trong bài viết này dựa vào cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 7/2007.
Trước hết, ngay ở gian giữa là bài vị Càn Cương Hầu. Tương truyền, Càn Cương Hầu là người Trung Hoa, được triều đình Minh Mạng mời sang dạy hát cho người Việt Nam để ngành Hát Bội được phát triển
(3). Nguồn tư liệu khác thì cho rằng Càn Cương Hầu là người Việt , học được cách hát Khách của người Tàu rồi truyền dạy lại cho người Việt . Ông mất ở Trung Quốc nên ngôi mộ của ông hiện nay tại chân núi Ngự Bình (Huế) không có xương cốt mà chỉ táng một tờ sắc phong và một khúc gỗ kỳ nam(4)
. Dù cho Càn Cương Hầu là nhân vật có thật hay không, là người Việt hay người Tàu, ông vẫn được tôn xưng là ông Tổ ngành Tuồng và được thờ ở vị trí trang trọng nhất - ngay trên án thờ chính ở gian giữa của Thanh Bình Từ đường.


Cũng trên án thờ chính ở gian giữa, ngay phía sau bài vị Càn Cương Hầu là các tượng thờ “Ông Làng”. Trước đây, diễn viên trong các đoàn Tuồng mỗi khi đi lưu diễn đều mang theo các tượng “Ông Làng” để thờ ở hậu trường. Trước khi ra sân khấu, các diễn viên thắp hương khấn vái để các “Ông Làng” phù hộ cho mình diễn tốt vai diễn. Như thế cũng đủ thấy các diễn viên Tuồng rất coi trọng việc thờ “Ông Làng”. Vậy các “Ông Làng” này là ai?
Ở miền Bắc, người ta cho rằng đó là các ông Đặng Hồng Lân và Đào Văn Só, là những bậc thầy dạy hát và điệu bộ. Theo truyền thuyết, hai ông sinh cùng thời với bà Phạm Thị Trân, tức vào thời nhà Đinh. Hai ông Lân và Só dùng thuyền vượt biển đi học, khi về thì thuyền bị đắm nên bị chết chìm, không vớt được xác nên người trong nghề dùng gỗ thị tạc tượng để làm ma, do đó các gánh hát có tục kiêng quả thị
(5)
.

Ở Huế lại có truyền thuyết khác về hai “Ông Làng”. Tương truyền, xưa có 2 vị hoàng tử trẻ tuổi rất thích xem hát Tuồng. Một đêm nọ, hai hoàng tử trốn vua cha đi xem hát Tuồng, không may bị chết vì tai nạn. Về sau, hương hồn của hai ông hoàng này cứ vương vấn theo các đoàn hát và phù hộ cho các con hát. Chính vì thế, họ được các diễn viên thờ cúng để được phù hộ cho hát hay, diễn khéo mỗi lúc ra sân khấu. Hai ông hoàng dần dần được gọi chệch ra thành hai “Ông Làng”
(6)
. Theo truyền thuyết này, đối tượng thờ cúng là hai “Ông Làng” không còn là các vị tổ sư hay các bậc thầy trong nghề mà lại là đối tượng khán giả. Ở đây, đối tượng khán giả được nâng lên ở một vị thế đáng kể. Sự trọng vọng của diễn viên đối với các đối tượng khán giả có lẽ chỉ có được khi khán giả là tầng lớp cao quý trong xã hội - đó chính là các bậc quý tộc, vua chúa. Điều này cũng giải thích được lý do tại sao truyền thuyết này xuất hiện ở Huế, vùng đất của các ông hoàng bà chúa thuở nào.

Một giả thuyết khác về hình tượng “Ông Làng”, tưởng cũng nên nêu ra ở đây. Theo sách Hát Bội, Théatre Traditionnel du (Hát Bội, Sân khấu Truyền thống Việt ), người Việt đã bắt chước theo các nghệ sĩ Trung Hoa thờ Lão lang thần, tức vua Đường Minh Hoàng hiển thánh
(7)
. Về sau, “Lão lang” dần dần được hoá thân thành "Ông Làng" cũng là điều có thể xảy ra.
Tại Thanh Bình Từ đường hiện nay thờ đến hơn hai mươi tượng “Ông Làng”. Ở Huế trước đây, mỗi khi các gánh hát, rạp hát ngừng hoạt động, người ta lại rước các tượng “Ông Làng” đến thờ ở đây. Và khi một gánh hát hay một rạp hát được thành lập, người ta lại đến Thanh Bình Từ đường “thỉnh” các tượng đó về thờ.
Cũng ở gian giữa của Thanh Bình Từ đường, ngay sát vách hậu là nơi đặt 3 bài vị thờ Thánh sư, Tổ sư và Thiên sư. Đây được xem là các bậc tổ nghề, dù chỉ là huyền thoại. Thực ra, người ta không thể xác định được tổ nghề là ai, nên đành tôn xưng một cách chung chung là các Thánh sư, Tổ sư, Thiên sư và lấy đó làm đối tượng thờ cúng.

Xem xét các án thờ ở hai bên, chúng ta thấy có các đối tượng thờ cúng như sau:
Gian bên tả của Từ đường đặt các bài vị thờ Quan Thánh Đế Quân, Thái Thượng Lão Quân, Chư Phật Bồ Tát, Tề Thiên Đại Thánh, Thiên Tiên Địa Tiên.
Gian bên hữu có các bài vị thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Tôn Đức Hầu, Lưu tiên sinh, Chúa Ngọc Tiên Bà.
Xa hơn, ở chái bên tả đặt một tượng thờ phía trước và hai tượng thờ phía sau. Theo người thủ từ, đây là bàn thờ Ngài Một và hai tuỳ tùng. Người thủ từ giải thích thêm rằng Ngài Một là vị thần cai quản Từ đường, mỗi lần có cúng kiếng hay thăm viếng Từ đường đều phải làm lễ cáo với ngài.
Ở chái bên hữu là bàn thờ Thánh Nương Ngọc Mẫu, Thổ Địa Thánh thần, Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ, và Chúa Sơn Lâm. Ở đây còn có đặt thờ một nhánh xương hổ tượng trưng cho Chúa Sơn Lâm.

Sát vách hai đầu hồi bên tả và bên hữu, theo lời của người thủ từ, là nơi thờ ông tổ của 12 ngành nghề thủ công (án bên trái thờ 6 nghề và án bên phải thờ 6 nghề) như nghề may, nghề rèn, nghề mộc, v.v. Tuy vậy, kể từ năm 1997, ngành may mặc thành phố Huế rước linh vị và sắc phong tổ nghề may vào thờ ở án thờ bên hữu. Cho nên hiện nay, linh vị trên án thờ này có các đối tượng thờ cúng như sau:
- Cửu Thiên Huyền Nữ Phạm Thị nương nương.
- Nguyễn Thị tổ sư.
- Tiên hiền, tiên sư liệt vị.
- Hậu hiền, hậu sư liệt vị.
- Tả ban tòng tự liệt vị tôn thần.
- Hữu ban tòng tự liệt vị tôn thần.
Như vậy, án thờ này dành cho bà Cửu Thiên Huyền Nữ họ Phạm, bà tổ sư họ Nguyễn, cùng các bậc tổ sư, tôn thần... Theo truyền thuyết, Cửu Thiên Huyền Nữ là nữ thần được Trời sai xuống hạ giới để dạy cho dân các ngành nghề thủ công, nên được tôn vinh là tổ sư bách nghệ, đặc biệt là các nghề mộc, nề
(8). Tuy vậy, ngay trên án thờ này còn có sắc phong thời vua Bảo Đại dành cho Phạm Thị Liên Hoa Công chúa. Vậy tổ nghề may là một Nhân thần họ Phạm, chứ không phải là Cửu Thiên Huyền Nữ trong truyền thuyết kể trên vốn là một Thiên thần. Ngoài ra, chúng tôi tìm cách đọc bài vị của án thờ bên tả, nhưng chữ viết quá mờ, không đọc được.
Ở ngoài hiên, sát vách bên trái và bên phải là 2 án thờ Tả ban và Hữu ban, là nơi thờ các vị nam nữ diễn viên quá cố. Trên các án thờ này chỉ đặt bát hương, không có bài vị.


Một tài liệu rất quan trọng liên quan đến các đối tượng thờ cúng là tờ “Lưu chiếu” viết năm Thành Thái thứ 3 (1891) hiện còn giữ lại ở Thanh Bình Từ đường. Tờ “Lưu chiếu” này ghi lại vị trí từng án thờ cùng các đối tượng thờ cúng trong đó. Nghiên cứu văn bản cổ này, chúng tôi thấy ngoài các thần thánh được thờ hiện nay, tại Từ đường này trước đây còn có nhiều đối tượng thờ cúng khác như: ở án thờ Trung nhị có Đức Tống Sư vị, Thập nhị Tống nghệ, Đức Hán Sư vị, Đức Tự  Sư vị, Đức Nhân Sư vị, Tiền Thánh Hậu Thánh; án Tả nhị có Thập nhị Đàn nương, Ngũ hành nương nương, Đại Hoàng Tiên nương, Thập nhị Tiên nương, Đại càn Tiên nương. Cũng theo tờ “Lưu chiếu” này, ngoài 3 bài vị tổ sư đặt ở gian Trung nhất, còn có thêm 47 bài vị khác dành cho các thánh thần. Tổng số bài vị được thờ trước đây lên đến con số 50.
Như vậy, đối tượng thờ cúng ở Thanh Bình Từ đường trước hết là các bậc tổ nghề, được thiết án thờ ở gian giữa là vị trí trang trọng nhất của từ đường. Thật ra, người trong nghề không xác định được tổ sư của mình chính xác là ai nên đành tôn xưng bằng những danh hiệu chung chung là Tổ sư, Thánh sư, Tiên sư. Ngay cả với Càn Cương Hầu có vẻ là nhân vật “có thật” nhất, gần gũi nhất với thời đại chúng ta cũng không xác định được danh tính mà chỉ được bao quanh bởi những câu chuyện huyền thoại. Mồ mả của ông cũng chỉ là tượng trưng, không có hài cốt.

Các án thờ phối tự đặt ở hai bên là nơi thờ đủ các đối tượng từ Phật, Thánh, đến Thần, Tiên như: Chư Phật Bồ Tát, Thái Thượng Lão Quân, Quan Thánh Đế Quân, Thiên Tiên Địa Tiên, Thánh Nương Ngọc Mẫu, Thổ Địa, Chúa Sơn Lâm và cả thần bếp là Đông Trù Táo Phủ. Về lý do tại sao lại đưa nhiều đối tượng phối tự như thế, cả những bậc thâm niên trong nghề lẫn người thủ từ đều không giải thích được. Theo chúng tôi, có một số cách giải thích như sau: Các đối tượng thờ cúng trên đây vốn phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Huế. Các nghệ nhân Tuồng, dù có một ngành nghề đặc thù, vẫn mang tư tưởng, tâm hồn của những cư dân bình thường ở vùng Huế, vì vậy, họ đưa các vị thánh thần của dân gian vào phối tự trong tổ đình của mình. Một cách giải thích khác là trong khi hành nghề, diễn viên Tuồng thường phải nhập vai thánh thần, tiên phật có trong vở Tuồng. Sợ mang tội phạm thượng với các bậc “cõi trên” đó, họ phải thường xuyên cúng bái để tạ tội. Chúng tôi đặt ra giả thiết này dựa trên ý nghĩa của lễ “vứt bỏ xiêm áo” để tạ tội với thần thánh được tiến hành sau các cuộc đại lễ trước đây ở Thanh Bình Từ đường
(9).
Ngoài các vị Tổ sư, các thánh thần, các diễn viên quá cố cũng được thờ ở Thanh Bình Từ đường. Tên tuổi của họ được ghi nhớ mãi mãi trong tờ “Lưu chiếu” của Từ đường. Đây là niềm an ủi cuối cùng của một lớp người từng bị xã hội xem là “xướng ca vô loại”.

3. Kết luận:
Thanh Bình Từ đường là nhà thờ tổ ngành hát Tuồng lớn nhất trên cả nước, có lịch sử tồn tại khoảng chừng hai thế kỷ. Nó là minh chứng cho truyền thống lâu đời của nghệ thuật Tuồng Việt với đỉnh cao là nghệ thuật Tuồng cung đình ở Kinh đô Huế.
Việc thờ cúng tổ nghề thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt . Trải qua bao đổi thay của thời cuộc, dù nghệ thuật Tuồng không còn giữ vị thế độc tôn như dưới thời kỳ nhà Nguyễn, và quan trọng hơn là sự chuyển đổi ý thức hệ của con người, ngôi từ đường và các vị tổ nghề được thờ bên trong nó vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó trong tâm thức của con cháu trong nghề. Thanh Bình Từ đường vẫn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong nghề mỗi dịp tế tổ hàng năm. Và đến khi họ không còn trên cõi đời này nữa, linh hồn họ vẫn được được che chở dưới mái nhà chung này. Niềm tin đối với các vị tổ sư giúp người trong nghề sống tốt hơn cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Với nghề, họ phải cố gắng trau dồi kỹ năng nghệ thuật để duy trì và phát triển nghề nghiệp, sao cho xứng đáng với công lao tạo dựng và truyền bá nghề nghiệp của các vị tổ sư. Giữa đời thường, họ phải sống tốt hơn, không được làm điều càn rỡ để tránh bị tổ quở phạt. Ý nghĩa văn hoá và tâm linh của ngôi Từ đường giúp người ta vươn cao trong nghề nghiệp và hướng thiện trong cuộc sống. Điều này thể hiện rõ trong nội dung các câu đối hiện còn ở Thanh Bình Từ đường mà con cháu trong nghề vẫn nhìn thấy mỗi khi về đây tụ hội:
Hành kỳ lễ tấu kỳ nhạc ca tụ ư tư
Đôn hữu điển tự hữu luân cương thường chiêu kính
(
Khi hành lễ, lúc tấu nhạc, ca công tụ họp nơi đây
Khi biểu diễn phải có nguyên tắc nền nếp, giữ vững cương thường đạo lý
).

Ngoài ra, cách thức thờ cúng ở Thanh Bình Từ đường còn là một biểu hiện của đời sống tâm linh của những người trong nghề nói riêng và dân gian Việt nói chung. Bên cạnh các vị tổ nghề, người ta còn đưa vào phối tự ở đây các đối tượng thờ cúng vốn phổ biến trong tâm thức của người dân bản địa - một biểu hiện của lối thờ đa thần rất thường gặp trong các đền miếu dân gian Việt . Đặc điểm này cần được đi sâu nghiên cứu dưới góc độ văn hoá học, dân tộc học.
Với những giá trị lịch sử, ý nghĩa văn hoá và nhân văn đặc thù của một ngành nghệ thuật đã từng lừng danh trong cung đình, Thanh Bình Từ đường đáng để chúng ta quan tâm bảo tồn. Và với những người trong nghề, hãy quan tâm chăm sóc tổ đình của mình bởi đây là một chốn đi - về (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của chính chúng ta, những người làm Tuồng Việt .
                                         
Tam Toà, tháng 8 - 2007
                                                P.T.T
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

 



-----------------
([1]) Nội Các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, tập 9, tr.221.
(2) Theo nội dung tấm bia bên phải trước sân Từ đường.
(3) - Đoàn Nồng, Sự tích và Nghệ thuật Hát Bộ, Mai Lĩnh xuất bản, 1942, tr.26.
- Nguyễn Đắc Xuân, Vài Tài liệu về Hát Bội triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, số 1/1966, tr. 34 - 35
(4) Theo NSƯT La Cẩm Vân, GĐ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, PV ngày 26/6/2007.
(5) Lộng Chương, Tìm hiểu nghệ thuật hát Tuồng qua những bài văn giỗ tổ, Tạp chí Sân khấu số 3/1976, tr.77, dẫn theo Nguyễn Huy Hồng, Truyền thống Sân khấu Huế, tr.14.
(6) Đoàn Nồng, sdd, tr.63.
(7) Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng, Hát Bội, Théatre Traditionnel du Vietnam, Kim Lai Ấn quán, Sài Gòn, 1970, tr. 268.
(8) - Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng Dân gian Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, 1995, tr. 150 - 152.
- Huỳnh Đình Kết, Tục thờ thần ở Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, 1998, tr.38.
(9) Sau khi các y trang bị “vứt bỏ”, ban tổ chức bố trí người nhặt lại rồi dùng một mâm lễ cau trầu rượu chuộc lại những y trang này để nghệ nhân tiếp tục hành nghề.

Các bài mới
Các bài đã đăng