Sau nửa thế kỷ miệt mài sáng tác, họa sĩ Lê Hàn đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giành được nhiều giải thưởng uy tín. Nhưng nhắc đến sự nghiệp của ông, người yêu hội họa nhớ mãi những bức tranh vẽ chân dung phụ nữ bình dị mà vẫn toát lên vẻ đẹp nội tâm sâu thẳm.
Họa sĩ Lê Hàn năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn mạnh khỏe, trí nhớ không hề giảm sút. Ông còn nhớ như in hình ảnh thời xa xưa gian khổ đi bộ 20 cây số theo đuổi bậc học phổ thông ở quê nhà Thanh Hóa, những năm tháng làm công nhân đường sắt tuyến Hà Nội-Lào Cai. Khung cảnh nên thơ trên những con đường đi học, đi làm khiến ông rung động để có những bức ký họa đầu tiên trong đời.
Cũng nhờ có năng khiếu vẽ, ông đã thi đỗ vào Trường Trung cấp Mỹ nghệ (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) năm 1960. Từ khi còn ngồi trên giảng đường rồi suốt mấy chục năm bận rộn công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An, Công ty Mỹ thuật Thanh Hóa, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Lê Hàn chưa bao giờ ngừng sáng tạo. Chủ đề trong tranh ông rất đa dạng: Ngợi ca, cổ vũ quân dân ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (“Nghệ An chiến đấu”, “Công nhân vào lò”, “Ra đi mang chiến thắng trở về”...), phong cảnh đẹp khắp mọi miền đất nước (“Chiều về trên sông Lạch Trường”, “Bè Sầm Sơn”, “Việt Bắc một chiều về”...)... Nhưng đặc sắc hơn cả là các bức tranh chân dung, đa phần là những chân dung phụ nữ như: “Suy tư”, “Xa xăm”, “Con gái An Giang”, “Con gái An Tư”, “Thiếu nữ và hoa”, “Em cũng là chiến sĩ”...
Nhiều người hay có suy nghĩ vẽ chân dung phụ nữ, người làm mẫu phải có gương mặt đẹp, từ đó họa sĩ chỉ cần mô phỏng cho giống thực là sẽ có bức tranh đẹp. Thực tế, họa sĩ không phải là nhiếp ảnh gia để mô phỏng thực tại theo lối cực thực. Điều quan trọng với người họa sĩ là từ người làm mẫu phải phác họa cho được thần thái, thể hiện được nội tâm. Với họa sĩ Lê Hàn, những nhân vật trong bức tranh của ông đều là những người phụ nữ bình dị, sống bên cạnh ông: Đó là người vợ thảo hiền, những người con gái ngoan ngoãn, các nữ đồng nghiệp thân thiện... Lý do chọn những nhân vật như vậy bởi ông tiếp xúc hằng ngày, hiểu được phần nào tính cách, tâm hồn họ. Nhìn ngắm những bức tranh vẽ chân dung phụ nữ của họa sĩ Lê Hàn, người xem ấn tượng bởi vẻ bí ẩn trong nội tâm, thầm hỏi những người phụ nữ đang suy tư điều gì mà khuôn mặt lại thoáng buồn?
Họa sĩ Lê Hàn tâm sự, ông yêu thích vẻ đẹp của hội họa cổ điển châu Âu. Một bức tranh đẹp trong quan niệm của ông phải mang tính hiện thực, phải để mọi người không kể trình độ thẩm mỹ, tuổi tác có thể ít nhiều cảm thụ được. Chính vì vậy, không chỉ thể hiện nội tâm qua khuôn mặt, tư thế thân hình của nhân vật, ngay cả khung cảnh, màu sắc trong bức tranh cũng cần phải trau chuốt, trở thành một bộ phận quan trọng tạo nên chỉnh thể nghệ thuật cho bức tranh. Như trong bức tranh sơn dầu “Suy tư” mà họa sĩ Lê Hàn tâm đắc, ông đã dựng lên một bố cục chật hẹp trong một góc phòng, với gam màu tối rất ăn nhập với với tâm trạng người phụ nữ đang suy tư.
Dù tuổi đã cao, họa sĩ Lê Hàn vẫn không ngừng sáng tạo, trong đó vẽ chân dung phụ nữ vẫn là đề tài trọng tâm mà ông theo đuổi. Sắp tới, ông sẽ xuất bản một cuốn sách tranh, tập hợp những bức tranh tiêu biểu nhất trong gia tài nghệ thuật mà ông đã hiến dâng cho cuộc đời.
Nguồn: Hàm Đan - QĐND