TRẦN PHƯỢNG TRÚC LINH
Nếu như nói bi kịch là một trong những suối nguồn không bao giờ vơi cạn, thì trường hợp Francis Bacon là một minh chứng thuyết phục. Hội họa của Francis Bacon đã khai thác tận cùng nỗi đau của con người.
Nỗi đau của chính ông và nỗi đau của tha nhân vào thời đại ông sống, cũng như nỗi đau mang tầm phổ quát chung cho loài người qua mỗi thời kỳ lịch sử của mình.
Bút pháp của Francis Bacon thoạt nhìn có vẻ thô sơ, đơn giản nhưng để đạt được một tổng thể như cách Francis Bacon đã làm thì chỉ có những người thực hành hội họa lâu năm mới cảm nhận được sức mạnh của nội lực thâm hậu trong bút pháp của họa sĩ người Anh sinh tại Ireland này.
Những hình thể vặn vẹo, những khuôn mặt biến dạng, những tiếng la hét bị ném vào hư vô... là những gì thường thấy trong tranh của Francis Bacon. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả những nỗi đau, người họa sĩ này còn lồng ghép nỗi đau bằng cách để những hình thù quái dị bị nhốt vào trong những không gian o bế, những không gian hình học như cách người ta giam cầm những âm thanh kêu cứu.
Tác phẩm “Tấm lưng của người đàn ông” |
Người ta nói rằng hội họa của Francis Bacon cũng phức tạp như chính cuộc đời của ông. Ông sinh ngày 28/10/1909 và mất ngày 28/04/1992. Từ 20 tuổi ông đã thực hành hội họa nhưng chưa sớm định hình một phong cách. Ông sống trôi dạt và kinh qua nhiều công việc kiếm sống khác nhau và đặc biệt, ông là người đam mê phim kinh dị, thơ ca và những kiểu cách mang thiên tính nữ. Có lẽ, sự trôi dạt đó đã giúp Francis Bacon hiểu được những mặt trái của sự tồn tại, những vùng mờ của ký ức và hơn hết, điều này đã giúp tranh của ông là tranh của thế giới bên trong, thế giới nội tâm thăm thẳm, thế giới cô độc của một cá thể hay một cộng đồng.
T.P.T.L
(TCSH357/11-2018)