VŨ LINH
Với hội họa Việt Nam, sơn mài là chất liệu không xa lạ. Những tên tuổi lớn từng thành công trên chất liệu sơn mài phải kể đến như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm...
Tác phẩm của Nguyễn Đức Huy |
Hội họa Việt Nam đã có một không gian sơn mài vừa đa dạng, phong phú về hình thể, cách biểu đạt vừa thể hiện được căn tính của dân tộc.
Ngày nay, tuy sơn mài không phải là chất liệu lựa chọn của nhiều họa sĩ, và tranh sơn mài cũng đã đi qua thời cực thịnh của nó, nhưng vẫn có một số họa sĩ trung thành với chất liệu mang tính chất truyền thống đó và tiếp tục tìm ra những bí ẩn, những khả năng dung chứa hình thể trong thứ chất liệu đòi hỏi sự tỉ mẩn và dụng công khi sáng tác. Điều này được chứng minh thông qua cuộc triển lãm tranh sơn mài với tên gọi “Thời gian” vừa khai mạc vào chiều 25/02 tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Huế.
Với sự góp mặt của các họa sĩ như: Nguyễn Thị Xuân Oanh, Nguyễn Thị Mỹ Tâm, Hồ Thị Xuân Thu, Lương Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Đức Huy, Lê Phan Quốc, Yoshifumi Hama... người xem đứng trước nhiều lối tạo hình khác nhau, mỗi một tác giả có một phong cách riêng biệt. Những tác phẩm đáng chú ý như Vườn địa đàng của Nguyễn Đức Huy, Tam giới của Võ Quang Phát, Thực thể sống của Nguyễn Thị Mỹ Tâm... Hay tác phẩm Đi chơi biển của họa sĩ Yoshifumi Hama (đến từ Nhật Bản) đưa tới một cách nhìn khác trong lối tạo hình cũng như việc sử dụng chất liệu để biểu đạt cho ý tưởng của họa sĩ.
Với tên gọi của triển lãm là “Thời gian”, các họa sĩ muốn gửi tới người xem những thông điệp về sự luân chuyển của sự vật, con người, về sự biến đổi của các quan niệm nghệ thuật, các trường phái mỹ học và kể cả sự thay đổi của con người trong cách nhìn nhận về bản thân mình. Và trên hết “Thời gian” như là một sự chứng minh cho sự tồn tại lâu dài của chất liệu sơn mài, một chất liệu đã đi vào tâm thức tạo hình người Việt.
Tác phẩm của Võ Quang Phát |
V.L.
(TCSH361/03-2019)