Thế giới sắc màu
Nghệ thuật cực thực
14:50 | 14/06/2019

LÊ TRIỀU HẢI

Nếu như nghệ thuật hiện đại có những cách thức đi ngược chiều với quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng của Plato và Aristotle, thì ngày nay, trào lưu nghệ thuật cực thực lại hướng tới mô phỏng ngoại giới một cách tinh vi, nếu không muốn nói là đẩy tới cực đoan nhất có thể trong việc mô phỏng vật thể.

Nghệ thuật cực thực
Tác phẩm hội họa cực thực của Kim Sung Young

Trào lưu nghệ thuật cực thực/ Hyperrealism, được xem là trường phái đang thu hút sự quan tâm thực hành của nhiều nghệ sĩ, sự theo dõi của công chúng và cả sự săn đón của giới sưu tầm trên thế giới. Nghệ thuật nhân loại đã đi qua nhiều trào lưu khác nhau, mỗi một trào lưu có cách thức nhìn thực tại, lý giải thực tại và phỏng đoán thực tại theo cách thức của mình, nhưng nhìn chung đó là sự thay đổi từ nghệ thuật hữu hình tới nghệ thuật vô hình, trào lưu cực thực là sự quay trở lại của nghệ thuật hữu hình, nhưng trên một cơ sở cao cấp hơn, nâng nghệ thuật mô tả lên một bước mới, là ranh giới khó phân định giữa mỹ thuật và nhiếp ảnh nếu như chỉ nhìn bằng mắt thường.

Jamie Salmon bên tác phẩm điêu khắc cực thực của mình

 

Tác phẩm hội họa cực thực của Lãnh Quân

Bút pháp cực thực thường đánh lừa người xem bởi một họa phẩm có thể tinh vi hơn cả ảnh chụp của một nhiếp ảnh gia. Làm được điều này các nghệ sĩ cực thực phải có con mắt tinh tế trong quan sát sự vật, và quan trọng hơn là một kỹ thuật điêu luyện, có thể nói kỹ thuật này không phải một họa sĩ nào cũng có được, đó là một biệt tài, một biệt tài trải qua khổ luyện.

Nhìn chung, một bức tranh hay một bức tượng cực thực thể hiện sự tuyệt đối trung thành của nghệ sĩ trong cách mô phỏng vật thể, sự trung thành này diễn ra trên màu sắc, hình khối, tỉ lệ và cả sự biểu cảm... Dĩ nhiên để đạt được hiệu quả, đưa tới một giá trị nghệ thuật thực sự thì điều đó dường như hết sức phức tạp, không chỉ dừng lại ở việc mô phỏng sự vật sao cho giống mà người nghệ sĩ phải đánh lừa được thị giác người xem, khiến người xem không thể phân định được bằng mắt thường đâu là ảnh thực đâu là tranh vẽ, từ đó người xem sẽ trở nên khâm phục, ngạc nhiên, thậm chí là sợ hãi bởi khả năng của người họa sĩ đã vẽ nên những thứ mà có khi, ngay cả mắt thường cũng không nhìn thấy được.

Có thể nói, nếu như chỉ mô phỏng sự vật không thôi thì chưa thể thành nghệ thuật của trường phái cực thực mà nó chỉ nằm lại ở trường phái hiện thực. Nghệ thuật cực thực, khi đạt được đỉnh cao của nó, nó hướng tới tạo ra một ảo giác về thực tại. Trong một nghệ phẩm cực thực, người xem thấy trong đó là những thứ thuộc về thực tại, thuộc về hiện thực, nhưng ẩn dưới sự trung thành với sự vật đó là cả một thể giới khả thể cần được khám phá, một thể giới méo mó, nhiều ẩn ý, một thế giới vô thực nào đấy đang ẩn mình dưới vẻ trung thành với hiện thực bạn đang thấy.

Tác phẩm điêu khắc cực thực của Sam Jinks


Nhìn vào tác phẩm của Sam Jinks, chúng ta nhận thấy nghệ sĩ cực thực có khả năng, biệt tài trong kỹ thuật mô tả, hiểu rõ quy luật chuyển động của sáng - tối, cái họ đạt được không chỉ là giống mà còn dấy lên trong người xem những cung bậc cảm xúc khó tả bằng lời.

Phải chăng nghệ thuật cực thực ra đời như là một sự phản ứng lại với nghệ thuật đương đại hiện nay, bởi nghệ thuật đương đại ngoài những tán dương, xiển dương thái quá đến từ công chúng hay các nhà đầu tư nghệ thuật thì còn có một bộ phận không nhỏ tỏ ra hoài nghi về bản chất của tính “giá trị nghệ thuật” trong các tác phẩm, thậm chí đã có những la ó, mỉa mai bởi một số quan niệm cho rằng nghệ thuật đương đại là những trò lố, lừa bịp...

Tranh cực thực của Nguyễn Đình Hoàng Việt


L.T.H.
(TCSH363/05-2019)




 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng
Vẽ lợn (06/02/2019)