Thế giới sắc màu
Thế giới của ký ức
15:18 | 27/09/2019

LÝ HỮU NGUYÊN

Nguyễn Trọng Khôi là họa sĩ song hành cả hiện thực và trừu tượng.

Thế giới của ký ức
Tác phẩm “Nắng chiều”
Tác phẩm “Sáu lọ gốm”
Tác phẩm “Đi dạo trên thảo nguyên”
Tác phẩm “Vai diễn”
Tác phẩm "Khúc Sonata"

Hội họa hiện thực của Nguyễn Trọng Khôi không chỉ là sự phản ánh cuộc sống của ngoại giới mà quan trọng hơn, người ta cảm thấy có những điều gì đấy đang vượt lên trên hiện thực của vật thể, gợi nên một không khí siêu thực, một lớp mây mờ của những ký ức, những huyền thoại, những huyền sử.

Tranh hiện thực của Nguyễn Trọng Khôi là những khoảnh khắc của cuộc sống nhưng đó không phải là cuộc sống chết cứng được mô tả trong cảm quan trần trụi, mà ẩn đằng sau những hình thể đó có thể là những câu chuyện về thân phận con người, những câu chuyện về sự quên lãng của thời gian, những câu chuyện về những kẻ lãng du đi tìm huyền thoại cho người và huyền thoại cho mình. Xem tranh hiện thực của Nguyễn Trọng Khôi, đôi khi như có cảm giác được sống chậm trở lại, được du dương trong những lời ca điệu nhạc nào đấy không thể nói ra.

Trong hội họa, đa số càng về sau người họa sĩ thường đi tìm cho mình những không gian rộng rãi hơn để tranh có thể tự mở rộng biên giới. Một trong những hướng đi đó là tìm tới không gian của nghệ thuật trừu tượng. Nhiều tác phẩm tranh trừu tượng của Nguyễn Trọng Khôi thoạt nhìn đó là sự nhẹ nhàng trong màu sắc, một biên giới vô hình không thể nắm bắt, những hình thể đã được làm mờ nhòe hình dạng, đó là một thế giới đi ra từ sự tính toán tỉ mỉ đến sự không tính toán, tất cả đem tới một sự cân bằng thị giác khó thể giải thích. Đó là thành quả của kinh nghiệm cộng với sự hưng phấn của trực giác dẫn đường, ở đây người họa sĩ đã kinh qua sự hiểu, kinh qua những câu chuyện có thể kể để đi tới cái không thể kể, cái giải truyện, cái vô hình trong đại tượng của mình.

Là người xa quê hương, nên thế giới của Nguyễn Trọng Khôi thường có những nốt lặng, những khoảng trắng... Nhưng đó không phải để diễn tả cái tình yêu quê hương tha thiết thông qua những chi tiết gần gũi của quê nhà như mái tranh, con đò, bến nước... mà có lẽ những khoảng trắng ấy muốn diễn tả những điều mang tính phổ quát hơn. Đó là khoảng trắng của cái cô đơn, cái tủi hờn, cái liêu trai trong thân phận của kẻ ra đi. Những khoảng trắng ấy đôi khi như tiếng thở dài, đôi khi lại là không gian chứa đựng những bí mật nào đấy; đôi khi những khoảng trắng ấy là sự vô ngôn, sự bặt âm trong lồng ngực họa sĩ.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định vào năm 1973, từ đó tới nay tên tuổi Nguyễn Trọng Khôi được giới yêu nghệ thuật cảm phục thông qua nhiều cuộc triển lãm ở Việt Nam. Quê hương ông ở Vĩnh Phú, ông vào miền Nam vào năm 1954, và chuyển sang Hoa Kỳ năm 1988. Những cuộc di dời đó đã phần nào làm nên cái ngôn ngữ riêng biệt của ông trong hội họa. Đó là màu sắc của những vết thương trong nội tâm, những vết thương không được hiển ngôn nhưng luôn bàng bạc một nỗi buồn bao la...

Vừa qua, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã giới thiệu đến người yêu hội họa ở Huế 29 tác phẩm mới nhất của mình thông qua cuộc triển lãm “Ký ức quê nhà” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Triển lãm khai mạc chiều 1/8 đến ngày 6/8/2019. Thông qua cuộc triển lãm lần này, một lần nữa minh chứng cho sức làm việc bền bỉ và khả năng tìm kiếm không ngừng của ông.

L.H.N
(TCSH367/09-2019)



 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng
Vẽ lợn (06/02/2019)